HAPPYFOOD - Bữa ăn ngon cho gia đình hạnh phúc - Make Family Happy!

Vén màn bí mật về mạng lưới 'vàng đen' hàng chục tỷ USD giúp Iran đối đầu với Mỹ và Israel

Vũ Bấc

(Thị trường tài chính) - Mặc dù phải đối mặt với các lệnh trừng phạt quốc tế nghiêm ngặt, Iran vẫn duy trì được nguồn thu hàng chục tỷ USD mỗi năm thông qua một mạng lưới buôn lậu dầu mỏ và tài chính ngầm tinh vi.

Bắt đầu 1 cuộc chiến tranh cần những lý do, nhưng để duy trì và chiến thắng trong cuộc chiến đó thì yếu tố tối quan trọng là nguồn lực tài chính. Trong trường hợp của Iran, tiền không chỉ để mua vũ khí và duy trì nền kinh tế, mà còn để tái vũ trang cho các lực lượng dân quân như Hamas và Hezbollah. 

Sau nhiều lệnh trừng phạt nghiêm ngặt, Iran đã từng lâm vào vào tình trạng khó khăn về kinh tế, làm sụt giảm mạnh nguồn thu từ xuất khẩu dầu – một trong những trụ cột chính của nền kinh tế nước này. Tuy nhiên, thay vì khuất phục, Iran đã xây dựng một mạng lưới tài chính ngầm và hệ thống buôn lậu dầu mỏ tinh vi. 

Vén màn bí mật về mạng lưới 'vàng đen' hàng chục tỷ USD giúp Iran đối đầu với Mỹ và Israel - ảnh 1
Từ mạng lưới này, nguồn “vàng đen” dồi dào của cường quốc Hồi giáo tiếp tục mang về hàng tỷ USD ngoại tệ để tài trợ cho các hoạt động quân sự và duy trì nền kinh tế chiến tranh. 

 

Vào thời điểm chính quyền cựu Tổng thống Trump tái áp đặt các lệnh trừng phạt vào năm 2018, xuất khẩu dầu thô của Iran sụt giảm mạnh. Với sự giám sát chặt chẽ của Mỹ và các đối tác, nhiều người dự đoán rằng Iran sẽ khó lòng duy trì được dòng tiền từ việc bán dầu, khi phần lớn các thị trường lớn như châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc đều tuân thủ các biện pháp trừng phạt. 

Tuy nhiên, thực tế đã chứng minh điều ngược lại. Vào tháng 9/2023, xuất khẩu dầu thô của Iran đã tăng vọt lên 1,8 triệu thùng/ ngày, gấp 12 lần so với mức thấp nhất vào thời điểm các lệnh trừng phạt được áp dụng. 
Doanh thu từ các hoạt động xuất khẩu này đạt từ 35 tỷ đến 50 tỷ USD mỗi năm, chưa kể đến 15 tỷ đến 20 tỷ USD từ lọc hóa dầu. Sự hồi phục “thần kỳ” này đến từ nhờ vào một mạng các công ty bình phong được thiết kế tinh vi để che giấu xuất xứ của dầu mỏ. 

Thay vì xuất khẩu dầu qua các con đường chính thức như trước đây, Iran đã phân tán quyền bán dầu cho nhiều tổ chức khác nhau, bao gồm các Chính phủ, tổ chức tôn giáo, và lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo (IRGC). Những tổ chức này sau đó sử dụng các công ty bình phong ở nước ngoài để bán dầu ra thị trường quốc tế.

Các công ty bình phong của Iran buôn bán dầu dưới vỏ bọc nguồn từ các quốc gia như Iraq, Malaysia hoặc Oman để tránh sự giám sát. Việc che giấu này được thực hiện thông qua một loạt các tàu chở dầu treo cờ Panama hoặc các quốc gia khác. 

Những tàu này thường đổi tên và tắt máy phát tín hiệu để tránh bị phát hiện. Các chuyến hàng dầu cũng thường được chuyển từ tàu này sang tàu khác tại các khu vực như ngoài khơi Malaysia hay Singapore trước khi cập bến tại Trung Quốc hoặc các thị trường chấp nhận dầu Iran với giá rẻ hơn.

Vén màn bí mật về mạng lưới 'vàng đen' hàng chục tỷ USD giúp Iran đối đầu với Mỹ và Israel - ảnh 2
Ảnh minh họa

Công ty bình phong

Việc kiếm tiền từ bán dầu chỉ là một phần của vấn đề. Thách thức lớn hơn đối với Iran là làm thế nào để chuyển tiền về nước và sử dụng mà không bị phát hiện. Để làm điều này, Iran đã phát triển một hệ thống ngân hàng được vận hành bởi các công ty dầu mỏ lớn như Công ty Dầu khí Quốc gia Iran (NIOC) và Công ty Hóa dầu Quốc phòng (PCC).

Hầu hết các quốc gia dầu mỏ đều xuất khẩu dầu thông qua một công ty khổng lồ do Nhà nước sở hữu, nhưng công ty Dầu khí Quốc gia Iran ( NIOC ), công ty dầu khí nhà nước độc quyền có trụ sở tại Thụy Sĩ của NIOC, dưới cái tên Công ty Naftiran Intertrade (NICO), giúp tiếp thị dầu ra nước ngoài. 

Các công ty này đã thành lập một loạt các "sàn giao dịch tiền tệ" hoạt động như các ngân hàng ngầm, giúp xử lý các khoản thanh toán từ các công ty nước ngoài và giữ bí mật danh tính của các bên liên quan. Các ngân hàng ngầm này được gọi là "ủy thác" với mục đích duy nhất là thu thập và chuyển tiền, có trụ sở tại các trung tâm tài chính như Hồng Kông, UAE, hoặc thậm chí ở châu Âu, và sử dụng hàng trăm tài khoản ngân hàng để chuyển tiền qua lại giữa các công ty bình phong.

Hầu hết đều có biệt danh được lấy trực tiếp từ các trình tạo tên ngẫu nhiên: "Rainbow International Commercial Company", chẳng hạn, hoặc "Glorious Global Limited", cả hai đều có trụ sở tại Hồng Kông (Trung Quốc). Vai trò của chủ sở hữu được niêm yết chỉ giới hạn ở việc liên lạc với chính quyền địa phương và cung cấp quyền ủy quyền cho người Iran hoặc các đại lý Iran. Một cựu quan chức cấp cao của Iran cho biết khoảng 200 công dân Iran có hộ chiếu kép đang giám sát các công ty như vậy ở châu Âu.

Vén màn bí mật về mạng lưới 'vàng đen' hàng chục tỷ USD giúp Iran đối đầu với Mỹ và Israel - ảnh 3
Tàu kéo neo đậu tàu chở dầu thô nhập khẩu từ Iran tại Cảng Chu San ở Trung Quốc, năm 2018

Mặc dù hệ thống buôn lậu dầu mỏ ngầm của Iran đã giúp nước này tồn tại và thậm chí thịnh vượng dưới các lệnh trừng phạt, nhưng nó cũng đặt ra nhiều rủi ro. Việc sử dụng các công ty bình phong và ngân hàng ngầm không phải lúc nào cũng thành công. Đôi khi các giao dịch thất bại, tàu chở dầu bị bỏ rơi, hoặc hàng hóa bị mất tích. Ngoài ra, các tài khoản ngân hàng và công ty bình phong của Iran cũng bị phát hiện và đóng cửa khi các cơ quan thực thi pháp luật quốc tế can thiệp.

Hệ thống này cũng rất tốn kém. Các công ty Iran thường phải trả các khoản phí lớn cho các bên trung gian và chiết khấu mạnh để bán dầu. Theo ước tính, Iran chỉ nhận được khoảng 30% đến 50% giá trị thực của số dầu mà họ bán ra do các chi phí liên quan đến việc buôn lậu và rửa tiền.

Vai trò của Trung Quốc

Theo các nguồn tin, Trung Quốc đã trở thành điểm tựa quan trọng giúp Iran đối phó với các lệnh trừng phạt kinh tế quốc tế. Đáng chú ý, quốc gia tỷ dân này hiện đang tiêu thụ tới 95% sản lượng dầu xuất khẩu của Iran, đồng thời đóng vai trò then chốt trong việc duy trì hệ thống tài chính ngầm của Tehran.

Mặc dù các tập đoàn quốc doanh Trung Quốc tỏ ra thận trọng trong quan hệ trực tiếp với Iran để tránh các biện pháp trừng phạt, nhưng một mạng lưới các nhà máy lọc dầu quy mô nhỏ và công ty môi giới đã được huy động để thu mua, chế biến dầu Iran. Đặc điểm của những đơn vị này là quy mô nhỏ, dễ thay đổi cấu trúc hoặc giải thể khi cần thiết.

Điều đáng chú ý là sự hợp tác Iran-Trung Quốc còn vượt xa phạm vi thương mại dầu khí đơn thuần. Các nguồn tin cho biết, Trung Quốc đã giúp Iran "rửa" nguồn thu từ dầu mỏ thông qua một hệ thống tài chính ngầm tinh vi. Trong đó, các ngân hàng tại Trung Quốc, đặc biệt là ở Hồng Kông, đóng vai trò trung gian chuyển tiền từ Iran vào hệ thống tài chính toàn cầu mà không bị phát hiện. 

Theo Economist, NYT