Siêu dự án kênh đào dài 285km: Huy động 6.000 người, 3.400 máy xây dựng, ‘hô biến’ 55.000ha sa mạc thành đất nông nghiệp
(Thị trường tài chính) - Chi phí xây dựng cho giai đoạn đầu của dự án được cho là vào khoảng 117 triệu USD – tương đương khoảng 25% thu nhập thuế hàng năm của quốc gia châu Á này.
Được phê duyệt lần đầu vào những năm 1970, kênh đào Qosh Tepa dài 285km hiện đang được xây dựng với mục tiêu chuyển hướng 20% lượng nước từ sông Amu Darya qua sa mạc, biến 55.000ha thành đất trồng lúa mì và tăng tổng diện tích đất canh tác của Afghanistan lên một phần ba diện tích cả nước.
Kế hoạch đầy tham vọng này đã được chính quyền Taliban thực hiện ngay sau khi lên nắm quyền vào năm 2021 và được coi là phép thử lớn đối với khả năng cai trị của Taliban.
Chắc chắn, siêu dự án này là một công trình lớn đối với Taliban. Chi phí xây dựng cho giai đoạn đầu của dự án được cho là vào khoảng 117 triệu USD – tương đương khoảng 25% thu nhập thuế hàng năm của đất nước. Hơn nữa, vì Afghanistan vẫn là đối tượng chịu các lệnh trừng phạt quốc tế nghiêm ngặt, tiền phải đến trực tiếp từ Nhà nước Afghanistan.
Công trình xây dựng dự án kênh đào Qosh Tepa đang được Công ty Phát triển Quốc gia Afghanistan thực hiện. Công ty này đang ký hợp đồng thiết kế và xây dựng với các công ty xây dựng của Afghanistan. Công trình được chia thành ba giai đoạn – hai giai đoạn đào và một giai đoạn lắp đặt hệ thống tưới tiêu.
Hiện tại đã có hơn 6.000 người, 3.405 máy xây dựng được huy động tham gia vào việc xây dựng kênh đào.
Vào tháng 10/2023, Công ty Phát triển Quốc gia Afghanistan báo cáo rằng họ đã hoàn thành giai đoạn đầu tiên dài 108km của kênh đào rộng 152m, sâu 8,5m, nối huyện Kaldar với Dawlat Abad, sớm hơn dự kiến chỉ trong vòng 18 tháng.
Họ cho biết công tác khảo sát và thiết kế cho giai đoạn thứ hai của dự án, kéo dài 177 km từ huyện Dawlat Abad thuộc tỉnh Balkh đến thành phố Andkhoi thuộc tỉnh Faryab đã bắt đầu. Công việc xây dựng toàn bộ dự án dự kiến hoàn thành vào năm 2028.
Chính phủ hy vọng rằng, sau khi công trình hoàn thành, Afghanistan sẽ tự cung tự cấp được lúa mì và các loại ngũ cốc khác lần đầu tiên kể từ những năm 1970. Tuy nhiên, dự án này đã khiến các nước láng giềng ở hạ lưu là Uzbekistan và Turkmenistan phản ứng gay gắt. Cả hai nước này đều có thể mất tới 15% lưu lượng nước hiện tại từ lãnh thổ của họ do dự án kênh đào.
Theo Constructionbriefing