HAPPYFOOD - Bữa ăn ngon cho gia đình hạnh phúc - Make Family Happy!

Siêu đô thị ở Đông Nam Á đang chìm dần, 40% diện tích có nguy cơ nằm trong biển nước, chính quyền huy động mọi cách giải cứu

Đô Sa

(Thị trường tài chính) - World Bank cảnh báo 40% diện tích thủ đô Bangkok có nguy cơ bị nước nhấn chìm trong vòng 12 năm tới.

Bangkok, thủ đô của Thái Lan, đang đối mặt với một thách thức lớn về biến đổi khí hậu và sự gia tăng mực nước biển. Theo một nghiên cứu vào năm 2020, thành phố này hiện chỉ cách mực nước biển khoảng 1,5m và đây là một con số đáng lo ngại đối với một thành phố nằm ven biển như Bangkok.

Một nghiên cứu cũng chỉ ra, mỗi năm, bề mặt thành phố này bị lún sâu 1-2cm. Một trong những yếu tố góp phần vào nguy cơ này là kết cấu đất đai của thành phố, chủ yếu là đất sét đặc và mềm. Đặc điểm này khiến Bangkok không chỉ dễ bị lún mà còn phải hứng chịu nhiều hậu quả từ hiện tượng ngập lụt. 

Sự thay đổi trong điều kiện khí hậu, kèm theo tình trạng lún đất tự nhiên và hoạt động khai thác nước ngầm, khiến thành phố này đang chìm dần, gây nên những mối đe dọa lớn đối với cuộc sống của người dân cũng như sự phát triển bền vững của khu vực.

Các chuyên gia cảnh báo rằng, đến năm 2030, một số khu vực ven biển của Bangkok có thể đối diện với tình trạng ngập lụt nghiêm trọng. Còn World Bank cảnh báo 40% diện tích thủ đô Bangkok có nguy cơ bị nước nhấn chìm trong vòng 12 năm tới.

Siêu đô thị ở Đông Nam Á đang chìm dần, 40% diện tích có nguy cơ nằm trong biển nước, chính quyền huy động mọi cách giải cứu - ảnh 1
Bangkok, thủ đô của Thái Lan, đang đối mặt với một thách thức lớn về biến đổi khí hậu và sự gia tăng mực nước biển

Các khu vực như Tha Kham, Samut Prakan và sân bay quốc tế Suvarnabhumi, vốn là những điểm quan trọng về kinh tế và giao thông có thể bị ngập trong biển nước. 

Điều này sẽ không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến cơ sở hạ tầng mà còn có thể gây tổn thất lớn về kinh tế và gây ra các cuộc di cư quy mô lớn.

Để đối phó với nguy cơ này, chính quyền Thái Lan đã triển khai một loạt biện pháp, bao gồm xây dựng các công trình bảo vệ như đê điều, hệ thống thoát nước và các dự án cải thiện khả năng chống chịu với lũ.

Cụ thể, Thống đốc Bangkok Chadchart Sittipunt tiết lộ chính quyền của ông đang giải quyết các vấn đề thoát nước ở thủ đô bằng một loạt đường hầm dưới lòng đất, tuy nhiên vẫn chưa thể tự mình giải quyết vấn đề mực nước biển dâng cao. 

Bên cạnh đó, tại Vịnh Bangkok, người dân địa phương cũng đang làm mọi thứ có thể để bảo vệ bờ biển và cuộc sống của họ. Được biết một số đang hợp tác với một dự án nghiên cứu của trường đại học để trồng lại rừng ngập mặn, trong khi những người khác lên kế hoạch lắp đặt các rào chắn bằng bê tông và tre trên biển.