Quốc gia từng thịnh vượng bậc nhất Trung Đông trên bờ vực sụp đổ, trở thành 'chảo lửa' chiến tranh: Dân lái siêu xe đi xin ăn, siêu lạm phát và thất nghiệp tăng vọt
(Thị trường tài chính) - Quốc gia Địa Trung Hải này đang phải vật lộn với cuộc khủng hoảng đa chiều, tồi tệ hơn nhiều so với bất kỳ cuộc nội chiến nào.
Từ rất lâu trước khi Dubai trở thành biểu tượng phồn hoa như ngày nay thì Li-băng đã là một đất nước thịnh vượng như vậy.
Trong những năm 50, 60 và 70 của thế kỷ trước, thủ đô Beirut không chỉ là trung tâm tài chính và ngân hàng của khu vực, mà còn là điểm đến của giới thượng lưu Ả Rập và phương Tây. Khi hàng tỷ USD từ dầu mỏ bắt đầu chảy vào vùng Vịnh sau năm 1973, phần lớn số tiền này được quản lý bởi các ngân hàng ở Beirut. Những tòa nhà chọc trời, trung tâm mua sắm sang trọng và cuộc sống phồn hoa đã biến Lebanon thành biểu tượng của sự thịnh vượng.
Tuy nhiên, thời kỳ hoàng kim ấy đã lùi xa.
Sự sụp đổ của hệ thống tài chính
Sau nội chiến 1975-1990, Lebanon cố gắng tái thiết và cân bằng chi tiêu bằng nguồn thu từ du lịch, viện trợ nước ngoài và ngành công nghiệp tài chính. Tuy nhiên, sự đấu đá chính trị nội bộ và ảnh hưởng ngày càng lớn của các lực lượng bên ngoài đã làm suy yếu nền kinh tế.
Từ năm 2011, dòng tiền từ người Lebanon lao động ở nước ngoài bắt đầu chậm lại. Ngân hàng Trung ương, dưới sự lãnh đạo của Riad Salameh từ năm 1993, đã áp dụng các biện pháp tài chính mạo hiểm, tạo ra mức lãi suất cao để thu hút đồng USD.
Hệ thống này hoạt động như một mô hình Ponzi ở cấp quốc gia, dựa vào việc vay tiền mới để trả nợ cũ. Khi dòng tiền mới cạn kiệt, hệ thống tài chính sụp đổ. Đến năm 2019, quốc gia này bắt đầu rơi vào một cuộc khủng hoảng tài chính nghiêm trọng.
Đồng pound Lebanon mất giá trầm trọng, trượt từ 1.500 pound/USD xuống mức 15.000 pound vào năm 2021, và tiếp tục mất giá đến 98%, đẩy hơn 80% dân số vào cảnh nghèo đói. Siêu lạm phát và thất nghiệp tăng vọt khiến cuộc sống của người dân trở nên khốn khó hơn bao giờ hết.
Đồng pound Lebanon mất giá trầm trọng, trượt từ 1.500 pound đổi 1 USD xuống mức 15.000 pound vào năm 2021, và tiếp tục mất giá đến 98%,đẩy hơn 80% dân số vào cảnh nghèo đói. Siêu lạm phát và thất nghiệp tăng vọt khiến cuộc sống của người dân trở nên khốn khó hơn bao giờ hết.
Một nghiên cứu của Đại học Mỹ ở Beirut cho thấy chi phí để chuẩn bị một bát salad Fattoush truyền thống đã tăng 210% chỉ trong vòng một năm. Chi phí cho bữa ăn Iftar trong tháng lễ Ramadan của một gia đình năm người có thể lên tới 1,5 triệu pound Lebanon (khoảng gần 1.000 USD).
Tầng lớp trung lưu, vốn chiếm tỷ lệ lớn trong xã hội Lebanon, bị "rút ruột". Nhà báo Ruth Sherlock của NPR đã ghi nhận cảnh tượng những người lái Mercedes hay BMW đứng chờ nhận gạo và dầu ăn từ thiện. Quân đội Lebanon phải dựa vào viện trợ nước ngoài để nuôi quân và thậm chí mở dịch vụ du lịch bằng trực thăng để kiếm thêm thu nhập.
Hệ thống ngân hàng, trụ cột của nền kinh tế Lebanon, đã sụp đổ. Người dân không thể rút tiền từ các tài khoản bằng đồng USD. Các ngân hàng đóng băng tài khoản để ngăn chặn tình trạng rút vốn ồ ạt, khiến niềm tin của người dân vào hệ thống tài chính bị lung lay.
Nợ công của Lebanon tăng vọt, đạt mức 150% GDP, một trong những tỷ lệ cao nhất thế giới. Nhiều chuyên gia kinh tế mô tả hệ thống tài chính của Lebanon như một mô hình Ponzi ở cấp độ quốc gia, nơi mà nợ mới được dùng để trả nợ cũ, và cuối cùng dẫn đến sụp đổ khi nguồn tiền mới cạn kiệt.
Xung đột leo thang làm trầm trọng khủng hoảng
Khủng hoảng kinh tế chưa kịp giải quyết, Lebanon lại phải đối mặt với những biến động mới từ bên ngoài. Cuộc xung đột leo thang giữa Hezbollah và Israel đã tạo ra một làn sóng bất ổn mới, đẩy quốc gia này vào tình trạng khủng hoảng toàn diện.
Trong vòng chưa đầy hai tuần, giao tranh đã khiến hơn 500 người thiệt mạng, bao gồm cả thành viên Hezbollah và dân thường. Miền Nam Lebanon và thung lũng Bekaa trở thành chiến trường, buộc gần 500.000 người phải rời bỏ nhà cửa để tìm nơi an toàn.
Sự di cư ồ ạt này đặt thêm gánh nặng lên một quốc gia đã kiệt quệ về kinh tế. Hệ thống cơ sở hạ tầng không đủ khả năng đáp ứng nhu cầu của người dân. Gần 300 trường học được sử dụng làm nơi trú ẩn khẩn cấp, ảnh hưởng đến việc học tập của hơn 100.000 học sinh. Nguồn cung cấp nước sạch bị gián đoạn; khoảng 30.000 người mất đi nguồn nước uống an toàn do hệ thống cấp nước bị hư hại.
Ngành y tế cũng đang đứng trước bờ vực sụp đổ. Người dân đổ xô tích trữ thuốc men, gây ra tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng. Số lượng người bị thương và tử vong ngày càng tăng đang "thử thách" khả năng của các bệnh viện vốn đã quá tải.
Ngành nông nghiệp không tránh khỏi ảnh hưởng khi 800 ha đất canh tác bị phá hủy và 75% nông dân mất đi kế sinh nhai. Chuỗi cung ứng bị gián đoạn, đe dọa an ninh lương thực của cả nước.
Ngành du lịch, một trong những nguồn thu chính của quốc gia, gần như "chết đứng" khi các nhà hàng, khách sạn và khu vui chơi giải trí phải đóng cửa hoặc hoạt động cầm chừng.
Tương lai mù mịt
Những nỗ lực ngoại giao nhằm làm dịu căng thẳng giữa Hezbollah và Israel cho đến nay đều thất bại, khiến tình hình thêm u ám. Tổng thống Mỹ Joe Biden đã cảnh báo về nguy cơ của một cuộc chiến tranh toàn diện tại Lebanon,kêu gọi các bên kiềm chế, nhưng các cuộc giao tranh vẫn tiếp tục leo thang.
Các tổ chức quốc tế đã cố gắng can thiệp. Liên hợp quốc và các tổ chức nhân đạo đã phân bổ các gói viện trợ khẩn cấp, cung cấp lương thực, nước uống và nhu yếu phẩm cho người dân. Tuy nhiên, nguồn tài trợ quốc tế đang dần cạn kiệt do các cuộc xung đột khác trên thế giới như ở Gaza và Ukraine. Điều này dấy lên lo ngại rằng Lebanon có thể bị bỏ quên trong cuộc khủng hoảng nhân đạo này.
Trong khi đó, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB) cảnh báo rằng, Lebanon cần phải thực hiện ngay lập tức các cải cách quan trọng để tránh tình trạng vỡ nợ. Tuy nhiên, với sự bế tắc trong chính trị và những lợi ích nhóm chi phối, khả năng Lebanon tiến hành các cải cách này là rất thấp.
Tương lai của Lebanon đang trở nên u ám. Một quốc gia từng là biểu tượng của sự thịnh vượng và phát triển nay đang đứng trước nguy cơ sụp đổ toàn diện. Nếu không có sự can thiệp mạnh mẽ và kịp thời cũng như những cải cách sâu rộng từ bên trong, Lebanon có thể rơi vào một cuộc khủng hoảng kinh tế và chính trị chưa từng có trong lịch sử.