Người dân Trung Quốc mất trắng gần 2 nghìn tỷ đồng vì lừa đảo trên Taobao và WeChat, hơn 100 kẻ bị bắt giữ
(Thị trường tài chính) - Các đối tượng lừa đảo chủ yếu giả danh nhân viên của các ứng dụng và nền tảng nổi tiếng như WeChat, Taobao.
Hàng nghìn người dân Hồng Kông (Trung Quốc) đã mất tiền vào tay những kẻ lừa đảo giả danh nhân viên dịch vụ khách hàng từ ứng dụng WeChat và nền tảng thương mại điện tử Taobao. Tổng thiệt hại lên tới 584,8 triệu đô la Hồng Kông (khoảng 1.800 tỷ đồng) trong 7 tháng đầu năm 2024.
Cảnh sát cho biết họ đã bắt giữ 102 kẻ có liên quan đến các vụ lừa đảo trong khoảng thời gian từ tháng 1 - tháng 6, trong đó tiết lộ một nạn nhân báo cáo đã mất 4,5 triệu đô la Hồng Kông.
Trong số 2.716 vụ được báo cáo với cảnh sát, hơn một nửa liên quan đến những kẻ lừa đảo giả mạo nhân viên WeChat.
Theo cảnh sát, những kẻ lừa đảo thường đóng giả làm nhân viên thông báo với nạn nhân rằng họ đã đăng ký bảo hiểm hoặc các dịch vụ khác thông qua nền tảng liên quan.
“Nếu người dân muốn hủy đăng ký, kẻ lừa đảo sẽ yêu cầu người đó cung cấp thông tin chi tiết về ngân hàng của họ để xác minh, cũng như trả một khoản tiền đặt cọc để hủy dịch vụ”, thanh tra Theodora Lee Wai-see thuộc Trung tâm điều phối chống lừa đảo của lực lượng cho biết.
Dữ liệu của cảnh sát cho thấy hầu hết các vụ lừa đảo liên quan đến WeChat diễn ra trong khoảng thời gian từ tháng 6 - tháng 7, với tổng thiệt hại trong 2 tháng lên tới 238 triệu đô la Hồng Kông.
Mức tổn thất tài chính lớn nhất liên quan đến một trường hợp được báo cáo vào tháng 5. Một nhân viên xã hội 51 tuổi bị lừa nộp 4,5 triệu đô la Hồng Kông trong 1 ngày để hủy hợp đồng bảo hiểm mà cô đã mua trên WeChat.
Mặc dù một số nạn nhân chưa bao giờ sử dụng các nền tảng như WeChat hay Taobao, những kẻ lừa đảo đã mở rộng tìm kiếm mục tiêu trên mạng và sử dụng các phương pháp như FaceTime hoặc tin nhắn văn bản để liên lạc với mọi người.
Một nạn nhân khác, một nhân viên bán hàng ngoài 50 tuổi, bị những kẻ giả danh thông báo rằng ông cần hủy giao dịch mua bảo hiểm trong một ngày nếu không 70.000 đô la Hồng Kông sẽ bị trừ khỏi tài khoản ngân hàng.
"Tài khoản ngân hàng của tôi đã được liên kết với WeChat Pay, sau đó tôi bắt đầu nghĩ xem 2 thứ này có liên quan đến nhau không . Kẻ lừa đảo tiếp tục nói rằng dịch vụ sẽ sớm có hiệu lực và nếu tôi không hủy ngay hôm nay, phí sẽ bị khấu trừ", người này nói.
Tin rằng mình sẽ lấy lại được tiền, ông đã trả hơn 300.000 đô la Hồng Kông cho kẻ lừa đảo để làm "tiền đặt cọc" nhằm xác minh danh tính của mình.
Nạn nhân chỉ nhận ra rằng mình đã bị lừa đảo khi những kẻ này hướng dẫn ông mở một tài khoản tại một ngân hàng ảo để mua một khoản vay và chuyển tiền.
Những kẻ lừa đảo cũng đóng giả làm nhân viên của sàn thương mại điện tử Taobao của tập đoàn Alibaba, với 639 trường hợp liên quan được báo cáo trong 7 tháng đầu năm 2024.
Trong số những trường hợp đó, 95% diễn ra trong khoảng thời gian từ tháng 1 đến tháng 5.
Những vụ lừa đảo khác còn liên quan đến China Mobile. Công ty viễn thông này bị sử dụng làm vỏ bọc trong 321 trường hợp được báo cáo từ tháng 1 - tháng 7.
Thanh tra cấp cao Alice Tsang Nga-sze của Cục Tội phạm Thương mại cho biết lực lượng này đã gặp đại diện của Tencent, nhà điều hành WeChat, vào cuối tháng 7.
Bà khẳng định: "Chúng tôi sẽ chủ động trấn áp các vụ lừa đảo kiểu này, cũng như hợp tác với các sở ban ngành, ngân hàng, ngành viễn thông lẫn ngành thực phẩm và đồ uống để thúc đẩy các chương trình quảng bá chống lừa đảo".
Một phát ngôn viên của Tencent lưu ý: “Chúng tôi lên án mạnh mẽ những kẻ mạo danh nhân viên của chúng tôi để thực hiện hành vi lừa đảo. Các nhóm dịch vụ Weixin hoặc WeChat sẽ không bao giờ liên hệ với người dùng qua cuộc gọi điện thoại hoặc tin nhắn SMS trừ khi người dùng yêu cầu”.
Theo SCMP