Nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á bất ngờ ‘quay xe’ mua dầu Nga sau nhiều năm
(Thị trường tài chính) - Quốc gia này đang xem xét việc mua dầu Nga để đối phó với áp lực giá năng lượng ngày càng tăng.
Mới đây, Reuters trích nguồn tin thân cận cho biết Pertamia - Tập đoàn Dầu khí quốc gia Indonesia - đã thêm các loại dầu Nga vào danh sách đấu thầu mua.
Cụ thể, Pertamina đã đưa các loại dầu Nga như Urals và Sokol vào danh sách đấu thầu cho lô hàng giao tháng 9 tới nhà máy lọc dầu Cilacap, cùng với nhiều loại dầu khác. Hai phiên đấu thầu đã được tiến hành vào cuối tuần qua và đầu tuần này, tuy nhiên kết quả vẫn chưa được công bố.
Đã nhiều năm kể từ lần cuối cùng Pertamina nhập khẩu dầu Nga. Lần cuối cùng họ mua dầu ESPO Blend và Sokol từ Nga là hơn 10 năm trước, theo dữ liệu của hãng dịch vụ tài chính LSEG.
Indonesia không tham gia vào các lệnh trừng phạt của phương Tây với Nga. Vào năm 2022, Pertamina đã từng đánh giá các rủi ro của việc mua dầu từ Nga, sau khi nhận được đề nghị mua với mức chiết khấu 30%. Tổng thống Indonesia, Joko Widodo, khi đó cũng đã trả lời Financial Times rằng họ đang xem xét việc mua dầu Nga để đối phó với áp lực giá năng lượng ngày càng tăng.
Tuy nhiên, theo nguồn tin của Reuters, Pertamina chỉ có thể mua dầu Nga nếu giá thấp hơn 60 USD một thùng - mức giá trần theo lệnh trừng phạt của phương Tây.
G7, Liên minh châu Âu (EU) và Australia đã thiết lập mức giá trần là 60 USD một thùng đối với dầu thô từ tháng 12/2022. Họ cấm các công ty cung cấp dịch vụ hàng hải như bảo hiểm, tài chính và vận chuyển cho dầu Nga được bán trên mức này.
Hermansyah Nasroen, phát ngôn viên của Pertamina, cho biết vào ngày 23/7 rằng công ty sẽ chỉ mua loại dầu thô phù hợp với cơ sở vật chất hiện tại của họ và tuân thủ các quy định hiện hành. "Nếu chúng tôi quyết định mua dầu thô từ Nga, giá sẽ phải dưới mức trần", ông nói.
Trong những năm gần đây, các lệnh trừng phạt của phương Tây đối với ngành năng lượng của Nga, bao gồm lệnh cấm vận dầu thô và cơ chế giá trần, đã khiến Trung Quốc, Ấn Độ và Thổ Nhĩ Kỳ trở thành các khách hàng chính của mặt hàng này.
Indonesia từng là thành viên của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC), nhưng đã rời khỏi OPEC vào năm 2016 và hiện là nước nhập khẩu ròng dầu thô.
Theo Reuters