Nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á áp thuế bán phá giá đối với thép nhập khẩu từ Trung Quốc
(Thị trường tài chính) - 5 công ty Trung Quốc bị "xứ sở vạn đảo" áp dụng thuế quan chống bán phá giá đối với một mặt hàng mũi nhọn.
Theo quy định của Bộ Tài chính công bố vào thứ Hai (7/10), Indonesia - nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á - sẽ áp thuế chống bán phá giá đối với một số sản phẩm sắt cán phẳng từ Trung Quốc, Hàn Quốc và Đài Loan (Trung Quốc) bắt đầu từ tuần tới.
Tài liệu cho biết, các sản phẩm nhập khẩu chịu ảnh hưởng sẽ bị “xứ sở vạn đảo” đánh thuế từ 4,4% đến 7,9% ngoài thuế nhập khẩu chung hoặc các loại thuế khác đã áp dụng đối với các sản phẩm đó. Các loại thuế này sẽ có hiệu lực từ ngày 14/10/2024 đến năm 2029.
Các biện pháp cứng rắn được coi là cần thiết sau một cuộc điều tra cho thấy ngành công nghiệp trong nước của Indonesia vẫn chưa phục hồi hoàn toàn sau những tổn thất “do hoạt động bán phá giá đang diễn ra đối với các sản phẩm cán phẳng làm bằng sắt hoặc thép không hợp kim mạ hoặc tráng thiếc” từ các quốc gia và vùng lãnh thổ kể trên, tài liệu cho biết.
Ít nhất 9 công ty được nêu tên trong tài liệu của Bộ Tài chính Indonesia về việc sẽ bị áp thuế chống bán phá giá, bao gồm 5 công ty Trung Quốc.
Công nghiệp sắt thép là một trong những ngành công nghiệp "mũi nhọn" của Trung Quốc. Tuy nhiên, không ít lần các sản phẩm của ngành công nghiệp này bị điều tra về nghi án bán phá giá ở thị trường nước ngoài.
Cuối tháng 7 năm nay, Bộ Công Thương Việt Nam đã ban hành Quyết định số 1985/QĐ-BCT về việc điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với một số sản phẩm thép cán nóng (HRC) có xuất xứ từ Ấn Độ và Trung Quốc.
Quyết định điều tra dựa trên hồ sơ yêu cầu do các công ty sản xuất trong nước, trong đó có Công ty cổ phần Tập đoàn Hòa Phát và Công ty Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh nộp theo quy định của Luật Quản lý ngoại thương cáo buộc các nhà sản xuất thép cán nóng từ Ấn Độ và Trung Quốc đang bán phá giá sản phẩm này sang Việt Nam, gây thiệt hại cho ngành sản xuất trong nước.
Sau khi nhận được hồ sơ yêu cầu, cơ quan điều tra (Cục Phòng vệ thương mại) đã tiến hành xem xét, đề nghị bên yêu cầu bổ sung thông tin, làm rõ một số nội dung cáo buộc trong hồ sơ và tiến hành thẩm định theo quy định.
Căn cứ quyết định điều tra, thời kỳ thu thập dữ liệu để đánh giá hành vi bán phá giá là từ 1/7/2023 đến 30/6/2024, thời kỳ thu thập dữ liệu để đánh giá thiệt hại của ngành sản xuất trong nước là 3 năm, từ 1/7/2021 đến 30/6/2024.
Theo Reuters