Lộ diện những nền kinh tế tốt nhất thế giới năm 2024: Duy nhất một đại diện châu Á lọt top
(Thị trường tài chính) - Những chỉ số quan trọng như tăng trưởng GDP, hiệu suất thị trường chứng khoán, lạm phát cơ bản, tỷ lệ thất nghiệp và cán cân tài khóa cho thấy bức tranh đầy phức tạp nhưng cũng không kém phần lạc quan của kinh tế thế giới.
Nền kinh tế thế giới đã có một năm 2024 đầy khởi sắc. Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), GDP toàn cầu dự kiến tăng 3,2%. Lạm phát đã hạ nhiệt, trong khi tăng trưởng việc làm vẫn ổn định. Thị trường chứng khoán toàn cầu cũng ghi nhận mức tăng hơn 20% năm thứ 2 liên tiếp.
Tuy nhiên, các nhà phân tích bình luận rằng bức tranh kinh tế toàn cầu tươi sáng này che giấu những khác biệt lớn giữa các quốc gia. Để đánh giá sự chênh lệch này, The Economist đã thu thập dữ liệu từ 5 chỉ số kinh tế và tài chính - tăng trưởng GDP, thị trường chứng khoán, lạm phát lõi, tỷ lệ thất nghiệp và thâm hụt ngân sách - của 37 quốc gia, phần lớn là các nước phát triển.
Sau đó, họ đánh giá các nền kinh tế dựa trên hiệu suất của từng chỉ số để tạo ra một bảng xếp hạng tổng hợp. Dưới đây là danh sách 13 nền kinh tế hoạt động tốt nhất năm nay.
Khu vực Địa Trung Hải ghi nhận năm thứ 3 liên tiếp hồi phục mạnh mẽ, với Tây Ban Nha dẫn đầu bảng xếp hạng năm nay.
Hy Lạp và Italy, từng được coi là biểu tượng của khủng hoảng khu vực đồng euro, cũng phục hồi ấn tượng.
Tăng trưởng GDP
Chỉ số đầu tiên của The Economist là tăng trưởng GDP thực, được coi là thước đo đáng tin cậy nhất về sức khỏe kinh tế. Năm nay, GDP toàn cầu được thúc đẩy bởi sức mạnh bền bỉ của nền kinh tế Mỹ và mức chi tiêu tiêu dùng cao.
Tại Tây Ban Nha, tăng trưởng GDP hàng năm dự kiến vượt 3% nhờ thị trường lao động sôi động và dòng nhập cư cao, giúp tăng sản lượng kinh tế. Tuy nhiên, GDP bình quân đầu người của nước này tăng chậm hơn tổng GDP.
Hiệu suất thị trường chứng khoán
Thị trường chứng khoán Canada đạt kết quả tích cực nhờ sự vượt trội của ngành năng lượng và ngân hàng. Tại Nhật Bản, chỉ số Nikkei 225 đạt mức cao kỷ lục, mặc dù hiệu suất cả năm chỉ ở mức trung bình.
Ngược lại, một số thị trường chịu thua lỗ. Giá cổ phiếu tại Phần Lan giảm theo thực tế, trong khi thị trường Hàn Quốc lao dốc sau một cuộc khủng hoảng chính trị do Tổng thống nước này gây ra vào ngày 3/12.
Lạm phát cơ bản
Lạm phát lõi, loại trừ các thành phần biến động như năng lượng và thực phẩm, được coi là chỉ số phản ánh áp lực giá cả thực tế.
Dù lạm phát toàn cầu đã giảm đáng kể, giá dịch vụ tại nhiều quốc gia vẫn ở mức cao. Tuy nhiên, Pháp và Thụy Sĩ đã thành công trong việc duy trì lạm phát cơ bản dưới mức 2%.
Tỷ lệ thất nghiệp
Thất nghiệp, dấu hiệu điển hình của khó khăn kinh tế, không tăng mạnh như dự đoán khi các ngân hàng trung ương bắt đầu tăng lãi suất và AI ngày càng phát triển. Thị trường lao động vẫn bền vững, với tỷ lệ thất nghiệp ở mức thấp kỷ lục.
Tại Nam Âu, nơi vẫn chịu ảnh hưởng của tỷ lệ thất nghiệp cao, tình hình đã cải thiện đáng kể. Tỷ lệ thất nghiệp tại Hy Lạp, Italy và Tây Ban Nha ghi nhận mức thấp nhất trong hơn một thập kỷ.
Trong đó, Italy là quốc gia có sự cải thiện lớn nhất, với tỷ lệ thất nghiệp giảm 1,4 điểm phần trăm từ đầu năm. Ở Canada, thất nghiệp tăng nhẹ chủ yếu do lực lượng lao động mở rộng và mức nhập cư cao.
Cán cân tài khóa
Chỉ số cuối cùng là cán cân tài khóa, loại trừ chi phí lãi vay, tính theo tỷ lệ GDP. Sau nhiều năm chi tiêu lớn, nhiều quốc gia cần tái cơ cấu ngân sách để đảm bảo gánh nặng nợ không vượt kiểm soát.
Đan Mạch và Bồ Đào Nha nổi bật với mức thặng dư ngân sách hiếm hoi nhờ kỷ luật tài khóa.
Na Uy và Ireland cũng ghi nhận thặng dư, nhưng vì những lý do khác nhau. Na Uy nhờ doanh thu dầu mỏ còn Ireland hưởng lợi từ nguồn thuế doanh nghiệp lớn, đặc biệt từ khoản thuế hàng tỷ USD của Apple.
Khi năm 2025 đến gần, nền kinh tế toàn cầu đối mặt với những thách thức mới. Gần một nửa dân số thế giới sống tại các quốc gia đã tổ chức bầu cử trong năm nay, với nhiều lãnh đạo mới được xem là khó đoán. Thương mại quốc tế bị đe dọa, nợ công tăng cao và thị trường chứng khoán đối diện với rủi ro lớn hơn.
Theo The Economist