Khởi nghiệp với hàng ‘Made in China’, U30 xây dựng thành công thương hiệu túi xách cao cấp với doanh thu 228 tỷ đồng/năm
(Thị trường tài chính) - Với chiến lược tập trung vào thiết kế tối giản và cam kết bền vững, cô gái này đã xây dựng một thương hiệu thành công dù không có kinh nghiệm trong ngành thời trang.
Jenny Lei từng là một nhà thiết kế UX (trải nghiệm người dùng) nhưng rơi vào cảnh thất nghiệp sau khi ra trường. Tuy nhiên chính trong thời gian đó, Jenny Lei đã có 1 quyết định sẽ thay đổi cuộc đời của cô: quyết tâm tạo ra chiếc túi xách công sở hoàn hảo.
Cô đã dành nhiều tháng để thiết kế một một nguyên mẫu, sau đó chi 30.000 USD để sản xuất lô hàng đầu tiên. Tuy nhiên, chỉ sau bốn tuần, cô chỉ bán được 20 chiếc túi. "Kế hoạch của tôi đã thất bại thảm hại", Lei nói. "Nhưng tôi không thể từ bỏ, bởi phần lớn số tiền tiết kiệm của tôi đang nằm trong những hộp hàng chất đầy phòng khách".
Hiện tại, Lei (28 tuổi) là CEO kiêm nhà sáng lập của Freja, một công ty có trụ sở tại New York chuyên bán túi công sở, túi đeo vai và phụ kiện du lịch. Theo CNBC, startup 4 năm tuổi này đạt doanh thu hơn 9 triệu USD (khoảng 228 tỷ đồng) trong 12 tháng qua, trong đó lợi nhuận đạt 2 triệu USD.
Lei hiện là nhân viên toàn thời gian duy nhất của Freja, cùng với 5 cộng tác viên theo hợp đồng. Bí quyết thành công của cô là xây dựng lòng trung thành của khách hàng thông qua các thiết kế túi tối giản và cam kết minh bạch với sự bền vững của môi trường.
Khởi đầu chậm chạp
Vào tháng 2/2019, Lei là một sinh viên tốt nghiệp tại Đại học Cornell đang chuẩn bị cho một cuộc phỏng vấn xin việc ở New York. Cô đã thử 3 chiếc túi xách khác nhau với trang phục của mình nhưng không chiếc nào phù hợp. Một chiếc quá nhỏ, chiếc còn lại thì thiếu ngăn chia hợp lý.
Sau cuộc phỏng vấn, Lei phác thảo một mẫu túi có cấu trúc cứng cáp với các ngăn bên trong để đựng laptop, tài liệu và dây đeo đủ dài để vừa với áo khoác mùa đông.
Với số tiền tiết kiệm 300.000 USD mà cô kiếm được từ công việc phụ hồi còn học đại học, Lei đã chi 2.000 USD để đặt làm nguyên mẫu từ một xưởng sản xuất ở Brooklyn.
Sản phẩm hoàn chỉnh "trông như một dự án thủ công của trẻ mẫu giáo," cô nói.
Cú chuyển mình
Vì vậy, khi về thăm gia đình ở Trung Quốc vào mùa hè năm đó, Lei đã đến thăm các nhà máy chuyên sản xuất da nhân tạo. Cô chọn nhà máy có điều kiện làm việc minh bạch và khả năng giao tiếp rõ ràng nhất.
"Là một người Trung Quốc, tôi muốn Freja là minh chứng cho thế giới thấy hàng 'sản xuất tại Trung Quốc' có thể trông như thế nào", Lei chia sẻ.
Cô đặt hàng lô đầu tiên gồm 300 chiếc túi, tạo trang web, khởi động chiến dịch marketing để thu thập email khách hàng tiềm năng và viết blog về giá trị cũng như quy trình sản xuất của Freja. Tuy nhiên, doanh số rất thấp, cô phải mất cả năm trời mới bán hết số hàng tồn.
Trong tình trạng tài chính căng thẳng, Lei quyết định đầu tư tiếp. Cô đặt sản xuất lô hàng thứ 2 với thiết kế cải tiến, đồng thời đẩy mạnh quảng cáo trên mạng xã hội.
Đến năm 2022, nhờ quảng cáo trên mạng xã hội, Lei cuối cùng đã bán đủ số lượng túi và đạt doanh thu hàng năm là 1,7 triệu USD.
Số tiền này, cùng với hai khoản vay từ Shopify, được cô đầu tư vào nhiều mẫu túi mới, hướng đến đối tượng khách hàng rộng hơn ngoài nhóm phụ nữ văn phòng quan tâm đến môi trường.
Năm ngoái, Freja ghi nhận doanh thu 5,3 triệu USD và có đủ dòng tiền để trả hết các khoản vay. Theo Lei, công ty dự kiến kết thúc năm 2024 với doanh thu đạt 12 triệu USD.
Theo CNBC