Đối diện khủng hoảng bất động sản ngày càng trầm trọng, siêu cường số một châu Á sẽ lung lay trong 5 năm tới?
(Thị trường tài chính) - Nếu không ổn định được thị trường bất động sản, Trung Quốc sẽ đối mặt với nguy cơ kinh tế trì trệ kéo dài, tương tự "thập kỷ mất mát" của Nhật Bản vào những năm 1990.
Trịnh Châu - một trong những nơi đầu tiên thị trường bất động sản sụp đổ
Dù Chính phủ Trung Quốc đang cố gắng giải quyết cuộc khủng hoảng bất động sản, vốn là một trong những mối đe dọa nghiêm trọng nhất đối với nền kinh tế nước này, thì tại Trịnh Châu, các biện pháp hỗ trợ đó vẫn chưa mang lại hiệu quả hoặc sự phục hồi đáng kể.
Trịnh Châu, thủ phủ của tỉnh Hà Nam, là nơi Tập đoàn Công nghệ Foxconn vận hành nhà máy sản xuất iPhone lớn nhất thế giới. Nơi này từng là một trong những tỉnh nghèo nhất của Trung Quốc.
Tuy nhiên, khi các nhà máy điện tử được xây dựng, ngành sản xuất đã vượt qua nông nghiệp, trở thành lựa chọn nghề nghiệp chủ yếu của người dân địa phương.
Nhờ vào sự phát triển này, Hà Nam đã đạt được sự tăng trưởng kinh tế đáng kinh ngạc. Hiện tại, nền kinh tế của Trịnh Châu có giá trị lên tới 800 tỷ USD, gần tương đương với quy mô nền kinh tế của Thụy Sĩ.
Tuy nhiên, Trịnh Châu cũng là một trong những nơi đầu tiên ở Trung Quốc chứng kiến thị trường bất động sản sụp đổ.
Wang Wu, một tài xế taxi 41 tuổi, đã tham gia vào thị trường bất động sản này vào năm 2018. Ông đã mua một căn hộ ba phòng ngủ tại Trịnh Châu với khoản thanh toán ban đầu chỉ 5.000 nhân dân tệ.
"Tôi đã bỏ lỡ cơn sốt bất động sản đầu tiên, vì khi đó tôi còn là một đứa trẻ. Tôi đã bỏ lỡ cơn sốt thứ hai, vì tôi không có tiền. Khi cơn sốt thứ ba ập đến, tôi đã hành động mà không suy nghĩ", ông chia sẻ khi đang lái chiếc taxi điện sản xuất tại Trung Quốc.
Ông cho biết mình đã thanh toán khoản tiền ban đầu thành năm đợt trong vòng hai năm, nhưng đến lúc đó, thị trường bất động sản đã bắt đầu sụp đổ. Nền kinh tế yếu kém khiến ít người đi taxi và ông đang phải vật lộn để trả tiền thế chấp.
Từ năm 2022, chính quyền thành phố Trịnh Châu đã thực hiện một loạt các biện pháp nhằm khôi phục lại thị trường bất động sản.
Các biện pháp này bao gồm việc cấp vay cho các nhà phát triển để giúp họ hoàn thành các dự án chưa hoàn tất, mua lại những căn hộ dư thừa từ các nhà phát triển để chuyển thành nhà ở giá rẻ, đồng thời hỗ trợ tài chính cho người dân để cải tạo lại những ngôi nhà cũ.
Trịnh Châu thử nghiệm nhiều giải pháp đến mức các quan chức từ các thành phố khác đã đổ về đây để học hỏi mô hình này. Tuy nhiên, giá nhà tại Trịnh Châu và các nơi khác ở Trung Quốc vẫn tiếp tục giảm.
Các quan chức vốn hy vọng những con đường được cải thiện, các sân bay được tân trang và những công trình kiến trúc đẹp mắt sẽ thu hút nhiều người tìm kiếm cơ hội và khách du lịch hơn.
Tuy nhiên, bên ngoài trung tâm thành phố nhộn nhịp, những tòa tháp vẫn “lặng lẽ” trên những đại lộ rộng lớn không có xe cộ và người qua lại.
Thực tế, Trịnh Châu có “nhen nhóm” dấu hiệu của sự can thiệp – các cần cẩu xây dựng hoạt động trở lại nhờ khoản vay của Chính phủ cho các dự án bị đình trệ lâu ngày, người dân bắt đầu nhận chìa khóa để chuyển vào các dự án nhà ở giá rẻ. Tuy nhiên, những người mua tiềm năng vẫn đứng ngoài cuộc, họ tin rằng giá nhà vẫn chưa chạm đáy.
Khó khăn toàn diện trong thị trường bất động sản
Lượng nhà mới chưa bán được trên toàn quốc đã lên tới hàng chục triệu căn, trong khi một số lượng lớn các căn hộ đã được bán trước nhưng chưa bao giờ được xây dựng, làm tình hình càng thêm nghiêm trọng.
Vấn đề lớn nhất tại Trịnh Châu cũng như trên toàn quốc là các gia đình, trước đây phụ thuộc vào bất động sản để tạo dựng phần lớn tài sản của họ (lên tới gần 80%), hiện nay lại đang giữ tiền mặt thay vì đầu tư vào bất động sản.
Nếu không ổn định được thị trường nhà đất, Trung Quốc sẽ đối mặt với nguy cơ kinh tế trì trệ kéo dài, tương tự "thập kỷ mất mát" của Nhật Bản vào những năm 1990.
Nếu không ổn định được thị trường nhà đất, Trung Quốc sẽ đối mặt với nguy cơ kinh tế trì trệ kéo dài, tương tự "thập kỷ mất mát" của Nhật Bản vào những năm 1990. Ảnh: Internet
Ngay cả khi Chính phủ can thiệp, có thể phải mất vài năm nữa thị trường nhà ở mới ổn định, trong bối cảnh dân số Trung Quốc đang giảm, người tiêu dùng lo lắng về tình trạng thất nghiệp và nguồn cung nhà ở thì quá dư thừa.
Theo George Magnus, nhà nghiên cứu tại Trung tâm Trung Quốc của Đại học Oxford và tác giả cuốn Red Flags: Why Xi’s China Is in Jeopardy, lĩnh vực bất động sản sẽ tiếp tục kéo tăng trưởng của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đi xuống trong ít nhất năm năm tới. Ông nhận định: “Trung Quốc đã qua thời kỳ đỉnh cao của thị trường bất động sản. Giá nhà, một khi ổn định, sẽ ở mức thấp hơn vĩnh viễn”.
Các biện pháp can thiệp vẫn chưa đủ mạnh
Kể từ năm 2022, Bắc Kinh đã triển khai một loạt các biện pháp hỗ trợ thị trường bất động sản, giúp người dân mua nhà dễ dàng và giá rẻ hơn.
Đồng thời, Chính phủ cũng cung cấp các khoản vay cho các nhà phát triển bất động sản để giúp họ hoàn thành các dự án. Bên cạnh đó, họ đã nới lỏng các chính sách tiền tệ và tài khóa của mình kể từ cuối tháng 9.
Tuy nhiên, không có biện pháp nào trong số này giải quyết được cuộc khủng hoảng. Sau một thời gian phục hồi ngắn ngủi vào tháng 10, doanh số bán nhà lại giảm vào tháng 11.
Giá nhà đã qua sử dụng trên toàn quốc đã giảm trong 39 tháng liên tiếp cho đến tháng 10, giảm khoảng 30% so với mức đỉnh điểm vào tháng 7 năm 2021. Thị trường bất động sản tại Trịnh Châu cũng theo xu hướng giảm tương tự. Fitch Ratings dự báo giá nhà mới tại Trung Quốc sẽ giảm 5% vào năm 2025.
Nhiều nhà phát triển bất động sản lớn cũng đã phá sản hoặc đang vật lộn với nợ nần. Các ngân hàng không mặn mà với việc cung cấp tín dụng vì lo ngại rủi ro tài chính. Thêm vào đó, tâm lý tiêu dùng đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi các vụ phá sản quy mô lớn của các tập đoàn bất động sản, điển hình là Evergrande.
Nhiều nhà phân tích nhận định rằng sự can thiệp của Chính phủ cần phải mạnh tay hơn nữa. Điều này có thể bao gồm việc giảm thuế đối với việc mua nhà, cung cấp các khoản vay ưu đãi cho người mua nhà lần đầu, hoặc thậm chí trực tiếp mua lại các tài sản không bán được để giảm bớt nguồn cung dư thừa.
Duncan Wrigley, Kinh tế trưởng về Trung Quốc tại Pantheon Macroeconomics cho rằng cần phải có thêm nhiều biện pháp kích thích tài chính và cải cách để giải quyết tình trạng suy thoái nhà ở, đặc biệt khi Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump có thể sẽ áp dụng mức thuế quan cao hơn đối với Trung Quốc.