Chuyên gia cảnh báo hiểm họa từ mầm bệnh gây ra đại dịch tiếp theo, nhiều bệnh chưa có vaccine
(Thị trường tài chính) - Dự báo số ca tử vong do các bệnh truyền nhiễm từ động vật có thể tăng gấp 12 lần vào năm 2050, giới chuyên gia y tế cảnh báo 75% mầm bệnh mới xuất hiện đều có nguồn gốc từ động vật.
Mối đe dọa từ các bệnh truyền nhiễm động vật đang ngày càng hiện hữu khi dịch cúm gia cầm bùng phát nghiêm trọng tại Mỹ, gây ra ca tử vong đầu tiên ở người sau khi lây lan mạnh trong đàn gia súc, gia cầm toàn quốc.
Theo các chuyên gia y tế, bệnh truyền nhiễm từ động vật có khả năng cao gây ra đại dịch trong tương lai, tương tự như đã từng xảy ra - điển hình là đại dịch COVID-19. Liên minh quốc tế về Đổi mới phòng ngừa dịch bệnh (tên viết tắt : “Cepi” ) xác định bảy tác nhân gây bệnh ưu tiên cần được nghiên cứu đều là bệnh lây từ động vật, trong đó có virus MERS (gây ra Hội chứng hô hấp Trung Đông), Ebola và Lassa. Đáng lo ngại, nhiều bệnh trong số này vẫn chưa có vaccine hoặc phương pháp điều trị hiệu quả.
Bà Maria Van Kerkhove, Giám đốc bộ phận phòng ngừa và ứng phó dịch bệnh WHO, khẳng định: "Khoảng 75% mầm bệnh truyền nhiễm mới nổi hoặc tái phát có nguồn gốc từ động vật". Bà cảnh báo biến đổi khí hậu có thể đẩy nhanh quá trình lây lan các mầm bệnh này.
Ngoài dịch cúm gia cầm, năm 2023 đã chứng kiến nhiều đợt bùng phát đáng báo động. Dịch Mpox (trước đây gọi là đậu mùa khỉ) gây phát ban và tổn thương đã lan rộng tại hơn 10 quốc gia châu Phi. Rwanda phải đối mặt với dịch Marburg - một loại sốt xuất huyết nguy hiểm tương tự Ebola.
Các chuyên gia y tế ngày nay vẫn tiếp tục cảnh báo về nguy cơ các bệnh lây truyền từ động vật sang người, với nhiều con đường lây lan phức tạp. Từ nguồn nước nhiễm khuẩn Campylobacter đến virus Nipah chết người ở châu Á, mối đe dọa ngày càng trở nên nghiêm trọng.
Theo công bố mới nhất từ các nhà khoa học vào tháng 11/2023, đến năm 2050, số ca tử vong do năm bệnh truyền nhiễm từ động vật có thể tăng gấp 12 lần so với năm 2020. Các mầm bệnh nguy hiểm được nghiên cứu bao gồm Ebola, Marburg, Machupo, Nipah và Sars-Cov-1 - tiền thân của virus gây đại dịch Covid-19.
Đông Nam Á, Nam Mỹ và Trung Phi được xác định là những điểm nóng của dịch bệnh động vật. Đặc biệt, các chợ bán động vật hoang dã được coi là khu vực có nguy cơ cao. Điển hình là trường hợp Covid-19 tại Vũ Hán, Trung Quốc, nơi các mẫu xét nghiệm từ chợ địa phương phát hiện virus trên chó gấu mèo, cầy hương và chuột tre. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tiếp tục kêu gọi Trung Quốc minh bạch thông tin về nguồn gốc đại dịch.
TS. Jaspreet Turner, chuyên gia hàng đầu về bệnh truyền nhiễm tại Quỹ Wellcome nhận định: "Sự kết hợp giữa việc đi lại trên toàn cầu dễ dàng hơn bao giờ hết, tốc độ đô thị hóa nhanh và biến đổi khí hậu đang tạo điều kiện hoàn hảo cho các bệnh truyền nhiễm từ động vật bùng phát".
Bên cạnh đó, các yếu tố như chăn nuôi thâm canh, xâm lấn môi trường sống tự nhiên của động vật và nhiệt độ toàn cầu tăng đang góp phần làm trầm trọng thêm tình trạng này.
Phát hiện mới từ giới khoa học năm 2023 cho thấy virus mpox (đậu mùa khỉ) đã âm thầm lưu hành và tương tác với hệ miễn dịch người từ năm 2016, sớm hơn nhiều so với thời điểm WHO công bố tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu vào năm 2022.
Một nghiên cứu đột phá năm 2021 phát hiện sự bất hoạt của một số gen miễn dịch quan trọng ở động vật ăn thịt, cho phép chúng trở thành vật chủ mang mầm bệnh không triệu chứng. Phát hiện này từng dẫn đến quyết định gây tranh cãi của Đan Mạch khi tiêu hủy hàng triệu con chồn vào cuối năm 2020, nhằm ngăn chặn nguy cơ bùng phát Covid-19 và xuất hiện biến thể mới.
GS. Clare Bryant, chuyên gia thú y và miễn dịch học tại Đại học Cambridge nhấn mạnh: "Có một mối liên hệ chặt chẽ giữa động vật hoang dã, vật nuôi và sự lây lan sang người. Điển hình như cúm gia cầm đã minh chứng điều này một cách rõ ràng - và đáng lo ngại.
Sau gần 5 năm kể từ đại dịch COVID-19, cộng đồng quốc tế đang đẩy mạnh các biện pháp phòng ngừa đại dịch mới. Tuy nhiên, nỗ lực xây dựng hiệp ước quốc tế về đại dịch do WHO điều phối đã không thành công trong năm qua. Thời hạn mới được ấn định vào tháng 5/2025, tuy nhiên quá trình này có thể gặp thách thức khi Tổng thống đắc cử Donald Trump chính thức nhậm chức vào cuối tháng 1/2025 và đưa Mỹ rời khỏi Cơ quan y tế của Liên hợp quốc.
Đến nay, Liên minh quốc tế về Đổi mới phòng ngừa dịch bệnh (Cepi) đang phối hợp với WHO để nâng cao hiểu biết quốc tế về các "họ" vi khuẩn nguy hiểm, trong đó nhiều loại có khả năng lây từ động vật sang người. Tuy nhiên, tổ chức này cảnh báo về "khoảng tối" trong kiến thức, đặc biệt tại các quốc gia đa dạng sinh học nhưng thiếu nguồn lực để theo dõi và nghiên cứu toàn diện về dịch bệnh.
Theo Financial Times