Chủng virus mới đang tàn phá một quốc gia: 15.600 ca nhiễm, thiếu xà phòng và kháng sinh, vẫn chưa có phương pháp điều trị
(Thị trường tài chính) - Khi một đợt bùng phát dịch bệnh nghiêm trọng đang hoành hành ở Congo, tình trạng thiếu xà phòng và thuốc kháng sinh đang khiến mọi thứ trở nên vô cùng khó khăn.
Mới đây, các chuyên gia y tế cảnh báo rằng số trẻ em tử vong tại Congo vì mắc bệnh đậu mùa khỉ (mpox) ngày càng tăng do thiếu hụt các nguồn cung thiết yếu như xà phòng và thuốc kháng sinh.
Ít nhất 15.600 trường hợp được ghi nhận mắc bệnh mpox ở quốc gia này trong năm nay, với phần lớn là trẻ em, trong khi số người tử vong lên đến 537 người. Đợt bùng phát khiến Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) phải tuyên bố tình trạng khẩn cấp trên toàn cầu vào đầu tháng này.
Thiếu hụt nguồn cung nghiêm trọng
Tình hình trở nên tồi tệ hơn đáng kể kể từ đầu năm ngoái, với sự xuất hiện của một biến thể đáng lo ngại - mpox clade 1b.
Tuy nhiên, vẫn chưa có phương pháp điều trị cụ thể nào để chữa khỏi căn bệnh này. Nhân viên y tế ở tuyến đầu vẫn phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt nguồn lực cơ bản nhất để tiến hành chữa trị, theo Tiến sĩ Nathalie Strub-Wourgaft thuộc nhóm phòng ngừa đại dịch vì sức khỏe và ứng phó với các bệnh truyền nhiễm mới xuất hiện (Panther).
Tiến sĩ gần đây đã dành thời gian ở 2 khu vực bị ảnh hưởng nặng nề ở miền Tây Congo và chứng kiến nhiều bệnh nhân bị tổn thương nghiêm trọng vì hàng trăm vết loét hở trên cơ thể.
Bà nói: "Những gì tôi thấy thật đáng buồn. Các bác sĩ và y tá đều cố gắng hết sức để giúp đỡ nhưng họ lại không có thuốc kháng virus. Ngay cả những thứ cơ bản - xà phòng, nước, thuốc sát trùng - mà bạn cần để điều trị căn bệnh này, chúng cũng không có sẵn".
Tiến sĩ cho biết, một bé gái mới 2 tuần tuổi đã qua đời vì nhiễm trùng thứ phát chứ không phải do virus. Những vết loét trên cơ thể bé đã bị nhiễm trùng vì các bác sĩ không có thuốc sát trùng để làm sạch vết thương.
"Điều này thật không thể chấp nhận được", Tiến sĩ nhấn mạnh. "Chúng tôi cần thuốc kháng sinh, chúng tôi cần thuốc giảm đau. Đây đều là những thứ cơ bản cần có để điều trị. Thêm vào đó, chúng ta cần liệu pháp kháng virus mpox cụ thể để rút ngắn thời gian mắc bệnh, điều này sẽ giúp giảm nguy cơ tiến triển và nhiễm trùng siêu cấp, cũng như lây truyền".
Trong khi các nhà khoa học đang chạy đua để phát triển và xác định loại thuốc cho virus mpox, một thử nghiệm gần đây của Viện Y tế Quốc gia Mỹ và Viện Nghiên cứu Y sinh học Quốc gia (INRB) của Congo đã chứng minh tầm quan trọng của nguồn cung cấp chăm sóc sức khỏe cơ bản.
Nghiên cứu xem xét thuốc kháng virus tecovirimat - vốn được phát triển để điều trị bệnh đậu mùa (một loại virus họ hàng với mpox) - nhưng các nhà khoa học hy vọng rằng thuốc này có thể được sử dụng lại để điều trị bệnh mpox.
Tiến sĩ Placide Mbala-Kingebeni, Trưởng khoa Dịch tễ học và Sức khỏe toàn cầu tại Đại học Kinshasa, khẳng định mặc dù thuốc kháng virus tecovirimat không làm giảm thời gian tiến triển của bệnh mpox, nhưng tỷ lệ tử vong thấp hơn nhiều ở những bệnh nhân được chăm sóc hỗ trợ chất lượng cao.
Tiến sĩ Mbala, đồng nghiên cứu thử nghiệm về tecovirimat, bình luận: "Chúng tôi đã chứng minh rằng, việc nhập viện và tiêu chuẩn chăm sóc phù hợp có thể cải thiện kết quả của bệnh nhân mắc mpox. Hiện tại, điều đó không xảy ra vì thiếu nguồn lực. Chúng ta cần tập trung vào tiêu chuẩn chăm sóc tốt cho bệnh nhân vì vẫn chưa có phương pháp điều trị cụ thể nào".
Nghiên cứu thuốc kháng sinh và vấn đề kinh phí
Việc thiếu thuốc mpox có sẵn là mối quan tâm lớn. Tiến sĩ Ayoade Alakija là đặc phái viên của nhóm Act-Accelerator thuộc WHO, họ tập trung vào các công cụ y tế cho các cuộc khủng hoảng sức khỏe toàn cầu.
Tiến sĩ nói, dù loại virus đã được phát hiện từ lâu và nguy cơ lây truyền ngày càng tăng trong nhiều năm gần đây, nhưng cộng đồng toàn cầu đã không ưu tiên mpox cho đến khi xảy ra dịch bệnh gần đây.
Hiện tại, phương pháp điều trị là một yếu tố quan trọng trong các cuộc thảo luận mới nhất của WHO và tiến sĩ nhấn mạnh liệu pháp điều trị cũng quan trọng như vaccine.
Theo The Telegraph, một số loại thuốc điều trị tiềm năng bao gồm brincidofovir, cidofovir, NIOCH-14, tecovirimat và kháng thể đơn dòng. Nhưng tất cả đều cần phải phân tích thêm để xác định tính hiệu quả.
Một vấn đề khác chính là việc thiếu kinh phí để bắt đầu thử nghiệm. Tiến sĩ Strub-Wourgaft cho biết Panther đã nhận được tài trợ từ Liên minh châu Âu để hỗ trợ nghiên cứu, tuy nhiên số tiền vẫn không đủ để khởi động thử nghiệm.
Theo The Telegraph