85.000 công nhân ở các cảng lớn nhất nước Mỹ sắp đình công, gây thiệt hại 641 triệu USD/ngày
(Thị trường tài chính) - Gần một nửa (43%-49%) tổng lượng nhập khẩu hàng tháng của Mỹ dự kiến sẽ bị ảnh hưởng, tương đương hàng tỷ USD kim ngạch thương mại.
Các Giám đốc điều hành của Cảng New York và New Jersey cho biết họ đã bắt đầu chuẩn bị cho một cuộc đình công có thể xảy ra của Hiệp hội Công nhân Bốc xếp Quốc tế (ILA), công đoàn lớn nhất ở Bắc Mỹ và đại diện cho hơn 85.000 công nhân.
Cuộc đình công dự kiến sẽ khiến đóng cửa 5 trong số 10 cảng bận rộn nhất ở Bắc Mỹ và tổng cộng 36 cảng dọc theo bờ Đông và Vùng Vịnh vào ngày 1/10. Ước tính 43% - 49% tổng lượng hàng nhập khẩu của Mỹ và dòng chảy thương mại trị giá hàng tỷ USD mỗi tháng đang bị đe dọa khi thời hạn 1/10 sắp tới gần mà yêu cầu mức lương tốt hơn và không sử dụng hệ thống tự động hóa của công đoàn không được đáp ứng.
Beth Rooney, Giám đốc cảng của Cơ quan Cảng New York và New Jersey, tiết lộ các hãng vận tải biển và nhà điều hành riêng lẻ đã thông báo sẽ giảm hoạt động để tránh tình trạng quá tải container.
Cảng New York/New Jersey đã tham gia thảo luận với các hãng vận tải biển và nhà điều hành về việc quản lý hàng hóa trước khi xảy ra gián đoạn, đảm bảo các biện pháp thích hợp được áp dụng để hoàn tất việc vận chuyển hàng hóa ra khỏi cảng trước khi ngừng hoạt động.
Trong một bài đăng trên blog gần đây, phó Chủ tịch Jim Mancini phụ trách bộ phận Vận tải trên mặt đất Bắc Mỹ của CH Robinson viết rằng không chỉ các công ty và nhà cung cấp Mỹ bị ảnh hưởng mà cả chuỗi cung ứng trên khắp châu Âu, châu Đại Dương, châu Mỹ Latinh và châu Á cũng sẽ bị liên lụy.
Ông nói: “Mặc dù khu vực châu Á - Thái Bình Dương (APAC) thường có nhiều lựa chọn hơn để chuyển hàng hóa sang bờ Tây, nhưng hơn một nửa hàng hóa ô tô nhập khẩu hiện nay phụ thuộc rất nhiều vào bờ Đông. Hiện tại, chỉ có 2 tuyến dịch vụ container hoạt động giữa châu Âu và bờ Tây Mỹ”.
Một phân tích của Mitre được ủy quyền bởi Phòng Thương mại Mỹ ước tính rằng một cuộc đình công kéo dài 30 ngày tập trung tại các cảng New York và New Jersey có thể gây ra tác động kinh tế lên tới 641 triệu USD/ngày.
Tại Virginia, tác động kinh tế dự kiến là 600 triệu USD/ngày, hoặc khoảng 18 tỷ USD trong 30 ngày. Tác động xuất khẩu tại các hoạt động ở Houston có thể lên tới 51 triệu USD/ngày và 41,5 triệu USD/ngày đối với hàng nhập khẩu.
Hồi tháng 6, ILA đã hủy bỏ các cuộc đàm phán vào tháng 7 với Liên minh Hàng hải Mỹ - đại diện cho quyền sở hữu cảng - sau khi công đoàn phát hiện ra công nghệ tự động đang được APM Terminals và Maersk (công ty vận tải biển lớn thứ 2 thế giới) sử dụng để xử lý xe tải tại các cảng mà không cần lao động công đoàn.
Chủ tịch ILA Harold Daggett tuyên bố vào ngày 5/8 rằng các thành viên ủng hộ 100% ban lãnh đạo ILA và quyết định đình công vào ngày 1/10 nếu yêu cầu của họ không được đáp ứng.
Trong khi đó, phó Chủ tịch ILA Dennis Daggett đã gọi hệ thống tự động hóa đang được triển khai tại một số cảng là "ung thư" trong một video công bố vào ngày 18/9. "Chúng tôi sẽ không để căn bệnh ung thư đó xâm nhập vào bờ Đông", ông nói.
Cuộc chiến lao động mới nhất này là một phần trong làn sóng đấu tranh của công nhân ở những năm gần đây - ảnh hưởng đến nhiều ngành như cảng biển, đường sắt và logistics trên toàn thế giới, từ châu Âu đến bờ Tây nước Mỹ.
Cuộc chiến đã trở nên căng thẳng hơn kể từ khi đại dịch xảy ra và trong bối cảnh lạm phát cao, và khi ngày càng nhiều cảng tìm cách sử dụng tự động hóa như một phần cho các giải pháp logistics của họ.
Theo CNBC