HAPPYFOOD - Bữa ăn ngon cho gia đình hạnh phúc - Make Family Happy!

Vụ nợ tín dụng lên 8,8 tỷ đồng: Lo thành “con nợ” của ngân hàng

Thảo Nguyên

Từ sự việc nợ tín dụng từ 8,5 triệu đồng tăng lên 8,8 tỷ đồng đang gây chú ý những ngày gần đây, nhiều người dùng thẻ tín dụng đã tỏ ra lo ngại.

Nơm nớp lo bỗng dưng thành con nợ

Từ sự việc nợ tín dụng từ 8,5 triệu đồng tăng lên 8,8 tỷ đồng đang gây chú ý những ngày gần đây, trên các diễn đàn, hội nhóm mạng xã hội, nhiều người dùng thẻ tín dụng đã tỏ ra lo ngại.

Chị Kim Anh ở Hoàng Mai, Hà Nội cho hay, sau vụ nợ thẻ tín dụng, chị chợt nhớ 2 năm trước chị có mở thẻ tín dụng nhưng không dùng và đang lo ngại phải đóng phí duy trì thẻ. Dù đã khóa khóa thẻ trên app nhưng chị cho biết, sang đầu tuần tới chị sẽ tới ngân hàng yêu cầu hủy thẻ tránh rắc rối sau này.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Khác với chị Kim Anh, anh Hùng ở Hoàn Kiếm, Hà Nội nhận được thông báo của một ngân hàng về việc đang có khoản nợ xấu do tiêu dùng qua thẻ tín dụng nhiều tháng mà chưa thanh toán. Sau khi cùng ngân hàng đối chiếu thông tin, anh Hùng mới biết thẻ được mở qua chứng minh thư của anh nhưng ảnh cùng chữ ký và số điện thoại lại của người khác. Kết quả xác định, anh Hùng bị kẻ gian làm giả giấy tờ mở thẻ tín dụng.

Anh Hùng cho rằng ngân hàng "quá dễ dãi", chỉ mở thẻ tín dụng với chứng minh thư mà không rõ là thật hay giả. Theo anh, thông tin của người dân hiện nay bị lộ tràn lan nhưng sự tắc trách của nhân viên ngân hàng cũng tạo điều kiện cho kẻ gian phạm tội.

Một chuyên gia về lĩnh vực ngân hàng đánh giá việc kẻ gian làm giả giấy tờ để vay vốn ngân hàng hay mở thẻ tín dụng hiện khá phổ biến. Chúng thường lợi dụng mạng xã hội và dùng các thủ đoạn tinh vi để lừa người dân cung cấp hình ảnh, giấy tờ tùy thân...

Hồi tháng 4, Cục Cảnh sát hình sự Bộ Công an khởi tố 5 bị can về tội Sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông chiếm đoạt tài sản. Những người này bị cáo buộc lên mạng xã hội Facebook để thu thập thông tin tài khoản, số điện thoại, hình ảnh của nhiều người. Chúng sau đó làm giả căn cước công dân, chứng minh thư nhân dân với dữ liệu này.

Chuyên gia này khuyến cáo khách hàng không cung cấp hình ảnh, giấy tờ tùy thân cho người khác; không chia sẻ mã OTP cho bất kỳ ai kể cả người thân hay nhân viên ngân hàng. Bên cạnh đó, khách hàng cũng không để ai ký thay hồ sơ, giấy tờ trong bất kỳ trường hợp nào. Người dân khi nghi ngờ thông tin cá nhân bị chiếm đoạt dẫn đến nợ xấu hãy truy cập hệ thống của CIC để tra cứu thông tin tín dụng, nợ xấu, điểm tín dụng của bản thân.

Lưu ý khi dùng thẻ tín dụng

Liên quan đến vụ việc nợ tín dụng từ 8,5 triệu đồng tăng lên 8,8 tỷ đồng, lãnh đạo một ngân hàng cho biết: "Thông thường, ngân hàng có quy trình được thiết kế tốt sẽ không để việc tính lãi cho khoản vay 8 triệu đồng lên đến 8 tỷ đồng.

Tùy vào tình trạng trễ hạn mà khoản nợ sẽ bị áp dụng lãi suất khác nhau, cụ thể:

Giai đoạn 1 (nợ quá hạn trong vòng 60-70 ngày): Khoản dư nợ tối thiểu sẽ bị tính phí phạt trả chậm 5% và lãi suất quá hạn 20-40% (tùy từng loại thẻ). Số dư nợ còn lại vẫn được tính lãi suất trong hạn.

Giai đoạn 2 (nợ quá hạn hơn 60-70 ngày): Toàn bộ khoản nợ sẽ bị tính lãi suất quá hạn 20-40% và phí phạt trả chậm 5%.

Nếu khoản nợ vay tín chấp mà không trả kéo dài khoảng hơn 12 tháng (có thể dài hơn tùy từng tổ chức tín dụng) thì ngân hàng sẽ dừng tính lãi, trích dự phòng và xóa nợ xấu. Hầu hết ngân hàng không tiếp tục tính lãi nhập gốc, cả lãi quá hạn liên tục 11 năm như vậy dù về nguyên tắc việc này không sai bởi không ai trả được nợ kiểu thế cả".

Thông thường, nhà băng sẽ bán các khoản nợ xấu cho công ty AMC và họ sẽ đòi nợ không phải theo kiểu đòi bằng được toàn bộ lãi và gốc đối với tất cả các khoản nợ. “Việc đòi được ở mức độ nào đó chứ không phải toàn bộ số tiền. Đây là không tính đến yếu tố phát sinh về pháp lý liên quan đến việc người tiêu số tiền đó bằng thẻ tín dụng. Lẽ ra không nên để vụ việc ầm ĩ đến như vậy”- vị này bình luận.

Cán bộ truyền thông một ngân hàng lớn tại Hà Nội chia sẻ thẻ tín dụng với tính năng “chi tiêu trước – trả nợ sau”, khách hàng cần lưu ý để tránh “đổ nợ” vì lãi suất và các khoản phí phạt thường rất cao…

Chủ thẻ tín dụng thường được mở thẻ với từng hạn mức nhất định, tùy theo nhu cầu. Và khi chi tiêu trong hạn mức sẽ được miễn lãi với thời gian trung bình từ 45-55 ngày. Sau thời gian được hưởng miễn lãi, nếu khách không thanh toán sẽ bị coi là nợ thẻ tín dụng quá hạn.

Nếu không thanh toán đúng hạn, chủ thẻ sẽ phải trả các khoản lãi suất (bao gồm lãi suất quá hạn, bằng 150% lãi suất thông thường) và phí phạt (trong đó có phí phạt trễ hạn, phí vượt quá hạn mức…). Ngay cả phí thường niên hàng năm, nếu khách hàng duy trì thẻ (dù có sử dụng hay không) vẫn phát sinh phí. Khi không thanh toán đúng hạn, các khoản lãi suất, phí này được tính dạng lãi gộp (khá phức tạp) theo tháng, năm nên tổng dư nợ của chủ thẻ có thể sẽ tăng rất cao theo thời gian. Ngoài ra, vì bản chất thẻ tín dụng là tín chấp, lãi suất sẽ cao hơn nhiều so với các khoản vay thế chấp thông thường.

Làm gì để tránh nợ thẻ tín dụng quá hạn khi dùng? Về phía khách hàng, đã sử dụng thẻ tín dụng thì phải có trách nhiệm trả đúng hạn, theo dõi sao kê và kiểm soát chi phí hàng tháng để tránh phát sinh nợ.

Đăng ký dịch vụ thanh toán tín dụng tự động (trích nợ tự động) để không bị quên hoặc trễ hạn thanh toán mỗi tháng.

Thiết lập thông báo thanh toán bằng văn bản hoặc email để luôn được nhắc thanh toán đúng hạn.

Tự chọn 1 ngày cố định thanh toán trong tháng để dễ ghi nhớ hơn, tránh trường hợp quên ngày gây trễ hạn.

Một lưu ý quan trọng là không bao giờ được đứng tên mở thẻ hộ người khác. Bởi vì rất có thể người đứng tên mở thẻ sẽ phải gánh khoản nợ ngân hàng một khi người sử dụng thẻ cố tình chây ì không trả nợ. Khi phát sinh nợ xấu dẫn đến tranh chấp giữa khách hàng và ngân hàng, phần thiệt thòi sẽ thuộc về người đứng tên mở thẻ bởi hợp đồng đứng tên và có chữ ký của người mở thẻ.

Ngoài ra, không nên đăng ký mở thẻ tín dụng nếu không thực sự cần thiết. Khi mở thẻ, khách hàng cần quan tâm đến mục đích sử dụng thẻ và những ưu đãi kèm theo.