VietABank và hành trình cùng Chủ tịch HĐQT Trương Thành Long: Lợi nhuận đi lên, nơm nớp lo nợ xấu
(Thị trường tài chính) - Năm 2021, ông Phương Thành Long đảm nhận vai trò Chủ tịch Hội đồng Quản trị VietABank. Trong hành trình cùng ông Long, kết quả hoạt động của VietABank có nhiều điểm sáng, trong đó, lợi nhuận có xu hướng đi lên. Tuy nhiên, các chỉ số về nợ xấu vẫn rất đáng lo ngại.
Ông Phương Thành Long, (SN 1983), tốt nghiệp ngành Quản trị doanh nghiệp Đại học Bremen (CHLB Đức), thạc sĩ tài chính ĐH Benedictine (Mỹ) và có kinh nghiệm gần 15 năm làm việc tại các tổ chức tài chính, ngân hàng như Techcombank, VPBank, VietABank…
Trước khi được bổ nhiệm làm Chủ tịch HĐQT vào năm 2021, ông Long là Thành viên HĐQT kiêm Phó Tổng giám đốc VietABank. Trong giai đoạn này, ông Long phụ trách Khối tài chính kế toán và quản trị rủi ro của ngân hàng. Được biết, ông Phương Thành Long là con trai ông Phương Hữu Lĩnh (anh trai ông Phương Hữu Việt, cựu Chủ tịch HĐQT của VietABank).
Dưới sự lãnh đạo của ông Phương Thành Long, kể từ khi ông đảm nhận vai trò Chủ tịch Hội đồng Quản trị vào năm 2021, VietABank đã đạt được một số kết quả tích cực. Đó là việc lợi nhuận có xu hướng đi lên, thu từ hoạt động dịch vụ tăng...
Tuy nhiên, VietABank cũng phải đối mặt với những thách thức không nhỏ, trong đó có sự gia tăng đáng lo ngại của nợ xấu. Tỷ lệ nợ xấu tăng cao, các khoản nợ khó đòi kéo dài, gây áp lực lớn lên nguồn vốn và khả năng duy trì hoạt động ổn định của ngân hàng.
Nợ có khả năng mất vốn tăng mạnh, chật vật thu hồi nợ
Trong quý II/2024 đã báo cáo kết quả kinh doanh với lợi nhuận sau thuế đạt trên 266,8 tỷ đồng, tăng 27,9% so với cùng kỳ năm trước. Sự gia tăng trong dư nợ vay khách hàng đã góp phần quan trọng vào việc cải thiện thu nhập lãi thuần của ngân hàng. Cụ thể, thu nhập từ hoạt động dịch vụ của ngân hàng đạt 33 tỷ đồng, tăng 38% so với cùng kỳ năm 2023. Tuy nhiên, báo cáo tài chính của VietABank cho thấy một số khoản tăng thu nhập từ hoạt động khác không được thuyết minh cụ thể.
Tính đến ngày 30/6/2024, tổng tài sản của VietABank giảm xuống còn hơn 108.930 tỷ đồng, giảm hơn 3.265,9 tỷ đồng so với đầu năm. Lũy kế 6 tháng đầu năm, ngân hàng ghi nhận thu nhập lãi và các khoản thu nhập tương tự đạt gần 3.503 tỷ đồng, giảm hơn 20% so với mức 4.390 tỷ đồng cùng kỳ năm trước. Đáng chú ý, tổng nợ xấu của VietABank đã tăng lên mức 1.675 tỷ đồng, tăng 52% so với mức 1.100 tỷ đồng vào đầu năm. Tỷ lệ nợ xấu cũng tăng từ 1,59% vào cuối năm 2023 lên 2,26% vào cuối tháng 6/2024.
Chi tiết hơn về nợ xấu, nợ dưới tiêu chuẩn (nợ nhóm 3) của ngân hàng đã tăng hơn 30 tỷ đồng, đạt mức 605 tỷ đồng, tương đương mức tăng 5% so với đầu năm. Trong khi đó, nợ nghi ngờ (nợ nhóm 4) tăng mạnh, hơn 224 tỷ đồng, gấp 11 lần so với mức 22 tỷ đồng vào đầu kỳ, lên mức hơn 246 tỷ đồng. Nợ có khả năng mất vốn (nợ nhóm 5) tăng hơn 319 tỷ đồng, đạt 823 tỷ đồng, tăng 63% so với mức 504 tỷ đồng đầu năm.
Việc thu hồi nợ xấu đang là một thách thức lớn đối với VietABank, điển hình là vụ việc liên quan đến Công ty Cổ phần Xây dựng Công trình 585 (Công ty 585). Khoản vay gần 265 tỷ đồng từ năm 2010 đã bị quá hạn hơn 12 năm mà ngân hàng vẫn chưa thể thu hồi, khiến VietABank gặp phải nhiều rắc rối pháp lý do tranh chấp và khiếu nại liên quan.
Tài sản đảm bảo cho khoản vay này là 219 căn hộ tại chung cư Phú Thạnh, TP.HCM, nhưng việc thu hồi tài sản gặp khó khăn do cư dân đã thanh toán gần hết giá trị căn hộ và phản đối việc ngân hàng tiến hành thu hồi. Tại cuộc họp ngày 21/6 vừa qua, đại diện VietABank cho biết công ty 585 hiện vẫn còn nợ gần 190 tỷ đồng tiền gốc, chưa tính lãi phát sinh, và ngân hàng đang cân nhắc đề xuất gia hạn thời gian thanh toán thêm 3 năm của công ty này.
Sai phạm trong hoạt động tín dụng
Ngoài ra, kết luận của Thanh tra Chính phủ về các sai phạm trong hoạt động tín dụng của VietABank cũng đã gây ra không ít lo ngại.
Theo kết luận của Thanh tra Chính phủ về trách nhiệm của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) và các tổ chức tín dụng trong việc thực hiện Đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng và Đề án xử lý nợ xấu giai đoạn 2013-2017 mới đây, VAB là một trong các nhà “bank” bị điểm tên với nhiều sai phạm trong hoạt động tín dụng.
Tại VAB, tổng dư nợ của ngân hàng tới 31/8/2018 là 6.510 tỷ đồng, chiếm 17,28% tổng dư nợ cho vay. Thanh tra Chính phủ chỉ rõ VAB thẩm định, phê duyệt cho vay khi dự án chưa đủ hồ sơ pháp lý, chủ đầu tư không đủ điều kiện thực hiện dự án.
Cơ quan Thanh tra xác định, việc thẩm định, xác định doanh thu, chi phí thực hiện dự án đầu tư không chính xác với Công ty CP Đầu tư phát triển Hưng Thịnh Việt Nam và Công ty CP Đầu tư PHD.
Ngoài ra, VAB chưa phân loại nợ đúng quy định đối với Công ty CP Tập đoàn Xây dựng và phát triển Nhà Vicoland, Công ty CP Điện Bình Thủy Lâm Đồng. Theo quy định, nợ của các khách hàng này phải chuyển sang nhóm 4 và 5 nhưng vẫn được ngân hàng giữ ở nhóm 1. Bên cạnh đó, VAB cũng cho 10 doanh nghiệp vay vốn, với dư nợ 4.860 tỷ đồng, theo các hợp đồng hợp tác đầu tư kinh doanh ký với chủ đầu tư dự án.
Phía Thanh tra cũng cho rằng, VAB phê duyệt cho Công ty CP Đầu tư xây dựng và Thương mại HSTC vay khi dự án chưa có giấy phép quy hoạch, quyết định chấp nhận chủ trương đầu tư, quyết định giao đất, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giấy phép xây dựng là chưa đúng theo quy định tại Điều 7 “Điều kiện vay vốn” Quyết định số 1627/2001/QĐ-NHNN. Công ty HSTC không đủ điều kiện làm chủ đầu tư dự án theo quy định…
VietABank cũng chưa thu thập đầy đủ chứng từ chứng minh mục đích sử dụng vốn vay: Chưa có đầy đủ chứng từ hoàn ứng khoản giải ngân ứng trước cho Công ty CP đầu tư đô thị Hồ Tây theo Hợp đồng tổng thầu số 01/2015/HĐTT ký giữa Công ty HSTC và Công ty Hồ Tây, số tiền giải ngân là 400 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, Thanh tra Chính phủ cũng nêu ra hàng loạt vi phạm trong cho vay của VAB đối với Công ty TNHH Hợp tác Thương mại Nam Bình; Công ty TNHH Đầu tư đô thị An Phú; Công ty TNHH Xây dựng TM-DV LT; Công ty TNHH Thương mại xây dựng và Đầu tư Hà Thủy; Công ty CP Dịch vụ Đầu tư nhà đất Nhật Anh…
Kết luận của Thanh tra Chính phủ nhấn mạnh, VietABank cho khách hàng vay góp vốn theo các hợp đồng hợp tác đầu tư kinh doanh ký với chủ đầu tư dự án, bản chất là giải ngân vốn cho chủ đầu tư để thực hiện dự án, trong khi các dự án chưa có đầy đủ hồ sơ pháp lý, chưa đủ điều kiện huy động vốn; các hợp đồng hợp tác đầu tư kinh doanh không có hiệu lực pháp lý theo quy định, vi phạm quy định về điều kiện vay vốn của NHNN.