HAPPYFOOD - Bữa ăn ngon cho gia đình hạnh phúc - Make Family Happy!

Vàng nóng như lửa, đứng ngoài quan sát thị trường hay xuống tiền mua vào?

PV

(Thị trường tài chính) - Thời gian qua, giá vàng liên tục “nóng bỏng tay” khi liên tục chỉnh phục hết đỉnh này đến đỉnh khác. Chuyên gia cho rằng, chúng ta phải xác định vàng không còn là phương tiện thanh toán mà là một loại hàng hóa. Khi hàng hóa lên đỉnh thì sẽ phải xuống để về trạng thái ổn định.

Việc thị trường vàng quay cuồng trong khi chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới ngày vàng nới rộng cũng khiến nỗi lo buôn lậu vàng thêm hiện hữu.

Vàng dự báo lên sát mốc 100 triệu đồng/lượng, chuyên gia nói, lên rồi sẽ phải xuống

Đà tăng của giá vàng vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại khi kim loại quý này liên tục phá hết đỉnh này đến đỉnh khác. Nếu như phiên 7/3, giá vàng miếng lên đỉnh ở mức 79,8 triệu đồng/lượng chiều mua và 81,8 triệu đồng/lượng chiều bán thì ngày 9/3, giá vàng đã vượt 82,2 triệu đồng/lượng.

Vàng nóng như lửa, đứng ngoài quan sát thị trường hay xuống tiền mua vào? - ảnh 1
Với đà phi mã như hiện nay, nhiều người còn cho rằng vàng tiếp tục đạt tới sát mốc gần 100 triệu đồng/lượng

Với vàng nhẫn, nhẫn khoảng 2 tuần nay gần như mỗi phiên lại tăng lên một mức kỷ lục mới và hiện vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại. Ngày 9/3, giá vàng nhẫn vượt 71 triệu đồng/lượng chỉ trong vài giờ. Tại các phố vàng ở Hà Nội như trên phố Trần Nhân Tông (Hai Bà Trưng), Cầu Giấy…, nhiều cửa hàng vàng tấp nập khách xếp hàng mua bán. Thậm chí có cửa hàng thông báo khách mua vàng nhẫn với số lượng trên 4 lượng, sau gần 1 tháng mới lấy được vàng.

Với đà phi mã như hiện nay, nhiều người còn cho rằng vàng tiếp tục đạt tới sát mốc gần 100 triệu đồng/lượng, một con số kỷ lục từ trước đến nay. Tuy nhiên, nên mua hay nên bán vẫn luôn là câu hỏi khó và phần trả lời tùy thuộc vào khả năng phán đoán hướng đi của thị trường. Lời khuyên do các chuyên gia kinh tế đưa ra bao giờ cũng là thận trọng và cân nhắc thật kỹ lưỡng trước mỗi quyết định.

Ông Huỳnh Trung Khánh - Cố vấn cấp cao Hội đồng Vàng thế giới tại Việt Nam, kiêm Phó Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam cho rằng, giá vàng tăng kỷ lục một phần do tâm lý người tiêu dùng muốn tìm đến các kênh đầu tư an toàn, ít rủi ro.

Thực tế, hiện các kênh đầu tư như bất động sản, chứng khoán đang rơi vào thời kỳ bất ổn. Mặt khác, các kênh đầu tư này chỉ dành cho đối tượng nhà đầu tư trung cấp, còn người dân có nguồn tiền nhàn rỗi thường chọn gửi tiết kiệm và mua vàng cho an toàn. “Chúng ta phải xác định vàng không còn là phương tiện thanh toán mà là một loại hàng hóa. Khi hàng hóa lên đỉnh thì sẽ phải xuống để về trạng thái ổn định. Tùy theo nhà đầu tư quyết định kênh và phương thức đầu tư. Nhưng với cá nhân tôi, ở thời điểm giá vàng quá cao tôi cân nhắc lựa chọn danh mục đầu tư. Ví dụ chỉ dùng 30% tiền tiết kiệm đầu tư vào vàng chứ không bỏ hết 100%. Tuy nhiên, nếu ai thích đầu tư vàng và đã đầu tư trên 30% rồi thi nên bán để chốt lời”, ông Huỳnh Trung Khánh phân tích.

Nơm nớp lo buôn lậu vàng

Theo thống kê, từ đầu tuần đến nay, giá vàng SJC đã tăng khoảng 2 triệu đồng/lượng trong khi giá vàng nhẫn trơn cũng tăng 2,5 triệu đồng/lượng. Đến nay, giá vàng đã vượt mức giá 82 triệu đồng/lượng, giá cao nhất mọi thời đại. Giá vàng trang sức cũng tăng lên mức giá cao kỷ lục.

Với chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới lên đến hơn chục triệu/lượng hiện nay, chắc chắn sẽ kích thích buôn lậu. Chuyên gia kinh doanh vàng Đinh Nho Bảng cho rằng, nếu cứ kéo dài tình trạng này, việc quản lý thị trường sẽ ngày càng phức tạp. Hiện, ngành trang sức mỹ nghệ tại Việt Nam mỗi năm cần khoảng 20 tấn vàng nguyên liệu nhưng từ nhiều năm nay không được nhập khẩu, trong khi nhu cầu mua vàng trang sức ở Việt Nam ngày càng tăng, từ mua vàng để dành, tích trữ sang làm đẹp, nên các sản phẩm vàng phân khúc trung và cao cấp còn rất nhiều dư địa tăng trưởng – điều này sẽ gây rủi ro rất lớn vì nguồn nguyên liệu không đến từ nhập khẩu chính thức.

Nguyên do là hơn chục năm nay, từ khi có Nghị định 24/2012/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh vàng, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chỉ cấp giấy phép nhập khẩu vàng nguyên liệu cho các doanh nghiệp được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ. Tuy nhiên, hơn 10 năm qua, chưa doanh nghiệp nào được cấp phép nhập vàng nguyên liệu. "Do không được nhập khẩu vàng nguyên liệu nên doanh nghiệp phải mua vàng trôi nổi trên thị trường, thậm chí có tình trạng doanh nghiệp mua phải vàng buôn lậu. Các doanh nghiệp không thể xác định được vàng nguyên liệu đó từ nguồn nào, vì quy định chỉ cần có bảng kê theo hướng dẫn của Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế và căn cứ của người bán. Doanh nghiệp vàng cũng không có chức năng đi thẩm định nguồn vàng đó, chỉ có bảng kê xác nhận. Đây là rủi ro pháp lý cho các doanh nghiệp khi mua vàng nguyên liệu trên thị trường" - ông Bảng nói.

Nói về rủi ro gia tăng vàng lậu, một chuyên gia kinh doanh vàng cao cấp khác dẫn số liệu từ năm 2009, khi chưa có Nghị định 24, như doanh nghiệp kinh doanh vàng của ông mỗi năm cần tới 35 tấn vàng để sản xuất vàng miếng và trang sức mỹ nghệ. “Thị trường có khoảng chục doanh nghiệp lớn, tính ra số vàng cần để đáp ứng nhu cầu lên tới hàng trăm tấn. Từ khi có Nghị định 24, thị trường vàng đã bớt “lấp lánh”, nhu cầu của người dân giảm nhiều, nhưng nhìn vào con số này để thấy, nếu Ngân hàng Nhà nước không sớm sửa quy định về quản lý thị trường vàng, chênh lệch cao, nhu cầu mua bán tăng vọt như hiện nay, sẽ gây ra vàng lậu là điều không tránh khỏi”- vị chuyên gia này cho hay.