HAPPYFOOD - Bữa ăn ngon cho gia đình hạnh phúc - Make Family Happy!

Tổ chức tín dụng cho vay để phục vụ hoạt động kinh doanh theo các phương thức nào?

Luật sư Hà Huy Phong

(Thị trường tài chính) - Theo quy định tại Điều 27 Thông tư 39/2016/TT-NHNN (sửa đổi tại Thông tư 06/2023/TT-NHNN), đối với hoạt động cho vay để phục vụ hoạt động kinh doanh, ngân hàng sẽ thỏa thuận với khách hàng về việc áp dụng các phương thức cho vay nhằm phục vụ hoạt động kinh doanh

Để duy trì và phát triển hoạt động kinh doanh, các cá nhân, tổ chức thường xuyên phải huy động vốn từ nhiều nguồn khác nhau. Trong đó, việc huy động vốn bằng vốn vay từ tổ chức tín dụng là một trong những cách thức truyền thống và khá phổ biến tại Việt Nam.

Theo quy định tại Điều 27 Thông tư 39/2016/TT-NHNN (sửa đổi tại Thông tư 06/2023/TT-NHNN), đối với hoạt động cho vay để phục vụ hoạt động kinh doanh, ngân hàng sẽ thỏa thuận với khách hàng về việc áp dụng các phương thức cho vay nhằm phục vụ hoạt động kinh doanh như sau:

(1) Cho vay từng lần: Mỗi lần cho vay, tổ chức tín dụng và khách hàng thực hiện thủ tục cho vay đối với khách hàng và giao kết thỏa thuận cho vay.

(2) Cho vay hợp vốn: Là việc có từ hai tổ chức tín dụng trở lên cùng thực hiện cho vay đối với khách hàng để thực hiện một phương án, dự án vay vốn.

(3) Cho vay lưu vụ: Là việc tổ chức tín dụng thực hiện cho vay đối với khách hàng để nuôi trồng, chăm sóc các cây trồng, vật nuôi có tính chất mùa vụ theo chu kỳ sản xuất liền kề trong năm hoặc các cây lưu gốc, cây công nghiệp có thu hoạch hàng năm. Theo đó, tổ chức tín dụng và khách hàng thỏa thuận dư nợ gốc của chu kỳ trước tiếp tục được sử dụng cho chu kỳ sản xuất tiếp theo nhưng không vượt quá thời gian của 02 chu kỳ sản xuất liên tiếp.

(4) Cho vay theo hạn mức: Tổ chức tín dụng xác định và thỏa thuận với khách hàng hạn mức cho vay tối đa duy trì trong một khoảng thời gian nhất định. Một năm ít nhất một lần, tổ chức tín dụng xem xét xác định lại hạn mức cho vay tối đa và thời gian duy trì hạn mức này.

(5) Cho vay theo hạn mức dự phòng: Tổ chức tín dụng cam kết đảm bảo sẵn sàng cho khách hàng vay vốn trong phạm vi hạn mức cho vay dự phòng đã thỏa thuận (ngoài phạm vi hạn mức cho vay đã thỏa thuận). Tổ chức tín dụng và khách hàng thỏa thuận thời hạn hiệu lực của hạn mức cho vay dự phòng nhưng không vượt quá 01 (một) năm.

(6) Cho vay theo hạn mức thấu chi trên tài khoản thanh toán: Tổ chức tín dụng chấp thuận cho khách hàng chỉ vượt số tiền có trên tài khoản thanh toán của khách hàng một mức thấu chi tối đa để thực hiện dịch vụ thanh toán trên tài khoản thanh toán. Mức thấu chi tối đa được duy trì trong một khoảng thời gian tối đa 01 (một) năm.

(7) Cho vay quay vòng: Tổ chức tín dụng và khách hàng thỏa thuận áp dụng cho vay đối với nhu cầu vốn có chu kỳ hoạt động kinh doanh không quá 01 (một) tháng, khách hàng được sử dụng dư nợ gốc của chu kỳ hoạt động kinh doanh trước cho chu kỳ kinh doanh tiếp theo nhưng thời hạn cho vay không vượt quá 03 (ba) tháng.

(8) Cho vay tuần hoàn (rollover): Tổ chức tín dụng và khách hàng thỏa thuận áp dụng cho vay ngắn hạn đối với khách hàng với điều kiện:

- Đến thời hạn trả nợ, khách hàng có quyền trả nợ hoặc kéo dài thời hạn trả nợ thêm một khoảng thời gian nhất định đối với một phần hoặc toàn bộ số dư nợ gốc của khoản vay;

- Tổng thời hạn vay vốn không vượt quá 12 tháng kể từ ngày giải ngân ban đầu và không vượt quá một chu kỳ hoạt động kinh doanh;

- Tại thời điểm xem xét cho vay, khách hàng không có nợ xấu tại các tổ chức tín dụng;

- Trong quá trình cho vay tuần hoàn, nếu khách hàng có nợ xấu tại các tổ chức tín dụng thì không được thực hiện kéo dài thời hạn trả nợ theo thỏa thuận.

(9) Các phương thức cho vay khác được kết hợp các phương thức cho vay quy định từ  (1) đến (8), phù hợp với điều kiện hoạt động kinh doanh của tổ chức tín dụng và đặc điểm của khoản vay.

Ý kiến bạn đọc