HAPPYFOOD - Bữa ăn ngon cho gia đình hạnh phúc - Make Family Happy!

Tín dụng có thể tăng mạnh hơn trong quý 2/2024

Thảo Nguyên

"Sau Tết, khi các hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh sôi động trở lại, thì nhu cầu tăng dần lên, tín dụng trong tháng 1, 2 giảm, tháng 3 phục hồi và có thể tăng mạnh hơn trong quý II/2024" - Tổng Giám đốc MB Phạm Như Ánh cho biết.

Ngân hàng "thắp đèn" tìm khách hàng vay vốn

Tín dụng đến hết tháng 1/2024 giảm 0,6%, và tính đến ngày 16/2 giảm 1% so với cuối năm trước. Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, nguyên nhân tín dụng tăng trưởng âm mang tính chất quy luật của thị trường. Giai đoạn đầu năm tín dụng thường không tăng, DN hạn chế vay nợ đầu năm mới.

Ngoài ra, một phần nguyên nhân đến từ khó khăn chung của nền kinh tế, khả năng hấp thụ vốn, nhất là vay tiêu dùng đang gặp khó.

Tăng trưởng tín dụng của một số ngân hàng tiêu biểu trong tháng 1 giảm mạnh hơn diễn biến của toàn ngành như Vietcombank (giảm 2,3% so với cuối năm 2023), BIDV (giảm 1,3%) hay MB (giảm 0,7%).

Hoạt động sản xuất tại Công ty TNHH Hanwha Aero Engines - Khu công nghệ cao Hòa Lạc, Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng
Hoạt động sản xuất tại Công ty TNHH Hanwha Aero Engines - Khu công nghệ cao Hòa Lạc, Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng

Các chuyên gia đánh giá, tăng trưởng tín dụng thấp trong những tháng đầu năm là hiện tượng phổ biến. Bình quân tăng trưởng tín dụng trong 2 tháng đầu năm của giai đoạn 2013 - 2023 chỉ là 0,56%, xuất hiện trong các năm 2014, 2018 và 2024.

Tuy nhiên, mức tăng trưởng tín dụng âm trong 2 tháng đầu năm 2024 được đánh giá là khá nghiêm trọng hơn vì điều kiện năm nay khác với thời kỳ trước khi NHNN đã giao toàn bộ hạn mức tín dụng ngay từ đầu năm.

Theo Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam - TS Nguyễn Quốc Hùng, bối cảnh hiện tại, vốn ngân hàng không thiếu, chỉ tiêu tín dụng dồi dào, vấn đề quan trọng nhất thời điểm này chỉ là thiếu khách hàng đủ điều kiện tiêu chí vay vốn. Đó cũng là lý do ngay từ đầu năm NHNN triệu tập tất cả các tổ chức tín dụng (TCTD) tham gia Hội nghị để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy tín dụng hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.

Về giải pháp, Tổng giám đốc Vietcombank Nguyễn Thanh Tùng kiến nghị, trong thời gian tới tiếp tục triển khai cho vay lãi suất thấp so với thị trường để hỗ trợ DN và người dân.

Lãnh đạo VietinBank đề nghị, trong bối cảnh tín dụng sụt giảm dù room tín dụng rất dồi dào, định hướng tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống là 15%, Chính phủ cần có chiến lược kích cầu. Đồng thời, các địa phương cần có các tháo gỡ khó khăn, tháo gỡ điểm nghẽn pháp lý cho các dự án, DN.

Ông Trần Long - Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng BIDV cho hay, các khoản nợ cơ cấu đến hạn 2024, 2025 nên áp lực trả nợ rất lớn, nợ xấu của các TCTD có nguy cơ tăng theo. DN có năng lực tài chính yếu nên việc xem xét cấp tín dụng sẽ gặp khó khăn. Ông Long mong NHNN kiến nghị Chính phủ và các bộ, ngành xem xét tháo gỡ thủ tục pháp lý, cải thiện môi trường kinh doanh cho DN. Thêm vào đó, cần kéo dài thời hạn áp dụng Thông tư 02 đến hết năm 2024 thay vì đến giữa năm.

Lãnh đạo nhiều ngân hàng thương mại đề nghị NHNN tiếp tục gia hạn Thông tư 02/2023/TT-NHNN thêm 6 đến 12 tháng nữa.

Lãi suất giảm thêm, tín dụng khả quan về cuối năm

Các chuyên gia của Công ty Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) dự báo tăng trưởng tín dụng năm 2024 xoay quanh mức 12 - 13% trong bối cảnh triển vọng kinh tế chung chưa hồi phục quá mạnh.

“Động lực tăng trưởng chủ yếu sẽ đến từ mặt bằng lãi suất thấp thúc đẩy nhu cầu tín dụng để phục vụ cho hoạt động sản xuất cùng với kỳ vọng các chính sách hỗ trợ của Chính phủ phát huy tác dụng, thúc đẩy nhu cầu tiêu dùng trong nước” - chuyên gia của KBSV cho biết.

Ông Ngô Đăng Khoa - Giám đốc Khối ngoại hối, thị trường vốn và dịch vụ chứng khoán, Ngân hàng HSBC Việt Nam nhận định, bên cạnh việc duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng cùng với việc duy trì thanh khoản VND dồi dào, NHNN cũng đưa ra các giải pháp nhằm thúc đẩy tăng trưởng tín dụng trong bối cảnh tăng trưởng tín dụng thấp. Nhóm nghiên cứu HSBC kỳ vọng NHNN sẽ tiếp tục ổn định mặt bằng lãi suất điều hành trong thời gian tới” - ông Ngô Đăng Khoa nói.

Giới chuyên môn cũng cho rằng những vướng mắc về pháp lý trong lĩnh vực bất động sản tiếp tục được tháo gỡ, giúp thị trường sớm đi qua giai đoạn suy thoái. Còn thị trường trái phiếu cần thời gian khoảng 2 - 3 năm để trở lại quỹ đạo tăng trưởng mạnh như trước đây. Do đó, kênh huy động vốn qua ngân hàng sẽ vẫn được ưu tiên.

Tổng Giám đốc Agribank Phạm Toàn Vượng phân tích, trong bối cảnh thị trường hiện nay thì người dân và cả nhà đầu tư cũng chưa chú trọng đầu tư khi các kênh đầu tư còn trầm lắng mà vẫn có xu hướng gửi tiền tiết kiệm vào ngân hàng. Thường vào đầu năm thì dư nợ tín dụng sẽ giảm mạnh, nhưng cuối năm vào vụ sẽ tăng. Tổng Giám đốc Agribank cho rằng, khả năng tới quý III và quý IV/2024 mới có sự phục hồi rõ rệt.

"Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ đưa ra những sản phẩm may đo phù hợp hơn với nhu cầu tiêu dùng cụ thể như mua nhà, sửa nhà, tiêu dùng,… tháo gỡ thúc đẩy tín dụng tiêu dùng đi đôi với an toàn lành mạnh, hạn chế tín dụng đen" - ông Nguyễn Thế Dân - Giám đốc Chi nhánh Hà Nội, Ngân hàng Bản Việt cho biết.

"Dự đoán, sau Tết, khi các hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh sôi động trở lại, thì nhu cầu tăng dần lên, tín dụng trong tháng 1, 2 giảm, tháng 3 phục hồi và có thể tăng mạnh hơn trong quý II/2024" - Tổng Giám đốc MB Phạm Như Ánh nói.

Tập trung xử lý nợ xấu

Kết quả điều tra xu hướng tín dụng năm 2024 do NHNN công bố cũng đưa ra thông tin về việc các TCTD lo ngại những diễn biến bất lợi trên thị trường bất động sản, chứng khoán, tăng trưởng kinh tế và sự sụt giảm niềm tin của người tiêu dùng sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến nhu cầu tín dụng năm 2024.

Trong đó, hai lĩnh vực được dự báo tiềm ẩn rủi ro tín dụng cao nhất tiếp tục là cho vay đầu tư kinh doanh bất động sản và cho vay đầu tư kinh doanh chứng khoán. Ngược lại, rủi ro tín dụng của một số lĩnh vực như cho vay phát triển nông, lâm, thủy sản, cho vay đầu tư ngành dịch vụ logistics được dự báo giảm.

Thực tế, chất lượng tín dụng nhiều ngân hàng có xu hướng đi xuống thời gian qua, ngay cả với một số ngân hàng có khẩu vị rủi ro thấp cũng ghi nhận nợ xấu tăng đều cả ba nhóm là 3, 4, 5.

Tổng Giám đốc VPBank Nguyễn Đức Vinh chia sẻ, không chỉ DN, tín dụng bán lẻ của tất cả các ngân hàng đều giảm. Thu hồi nợ của các ngân hàng hiện nay rất khó khăn, ngân hàng không dám cho vay. Đề nghị tiếp tục tháo gỡ, siết tín dụng đen các hình thức kinh doanh bất hợp pháp, song cũng hỗ trợ các TCTD, các ngân hàng trong hoạt động thu hồi nợ.

Tổng Giám đốc TPBank Nguyễn Hưng thừa nhận cho vay tiêu dùng của các ngân hàng có vẻ bị co cụm lại do nợ xấu cao và công tác thu hồi nợ bị hạn chế. Nhiều người vay chây ì, không trả nợ, hoặc lập các hội nhóm tìm cách trốn nợ. “Điều này làm cho ngân hàng dè dặt trong việc đẩy mạnh cho vay tiêu dùng, vì nếu không thu hồi được nợ thì thà rằng không cho vay còn hơn” - ông Nguyễn Hưng nói.

Các chuyên gia cho rằng xu hướng nợ xấu sẽ còn gia tăng và dự báo đạt đỉnh trong năm nay, nếu Thông tư 02/2023 của NHNN chính thức hết hiệu lực từ 30/6/2024. Đó là lý do ngành ngân hàng đặt trọng tâm kiểm soát nợ xấu lên hàng đầu trong năm nay.

Rủi ro Mỹ và một số nền kinh tế lớn xảy ra suy thoái nhẹ, dẫn tới tổng cầu suy giảm và áp lực nợ xấu với hệ thống ngân hàng gia tăng, sẽ là những yếu tố tác động tới tăng trưởng tín dụng năm 2024. Trong thời gian tới, các bộ, ngành đặc biệt là các cơ quan pháp luật cần ủng hộ các ngân hàng trong việc xử lý và thu hồi nợ theo đúng quy định của pháp luật.

Mặc khác, có thể đẩy mạnh cho vay trên các kênh số, tiếp cận được nhiều người dân hơn; đẩy mạnh ứng dụng dữ liệu dân cư, dữ liệu về căn cước công dân gắn chip. Khi liên kết trực tiếp dữ liệu của Bộ Công an, việc cho vay yên tâm hơn cũng như tạo điều kiện cho công tác thu hồi nợ được thuận lợi hơn.

Giảng viên Đại học Fulbright Việt Nam - Đỗ Thiên Anh Tuấn

Với bối cảnh trên, chuyên gia cho rằng nếu nền kinh tế năm 2024 xuất hiện những diễn biến tương tự năm 2023 và không có bất ngờ nào xảy ra thì hoạt động ngân hàng sẽ khó khăn hơn chứ không hẳn tốt hơn, nhất là vấn đề nợ xấu. Ngược lại, nếu kinh tế hồi phục nhanh, ngành ngân hàng sẽ có nhiều thuận lợi, vì tỷ lệ nợ.

Ý kiến bạn đọc