Tàu cá vỏ thép nằm bờ, thua lỗ: Cần phân loại nợ dành riêng cho Nghị định 67
Tàu cá vỏ thép đánh bắt không hiệu quả, các khoản vay đóng tàu rơi vào nợ xấu và ngân hàng khởi kiện ngư dân vì không thực hiện đúng theo hợp đồng tín dụng. Các địa phương mong muốn, ngân hàng phân loại nợ dành riêng theo Nghị định 67 được nhà nước hỗ trợ lãi suất, không phân loại nợ như cho vay thông thường.
Thời gian qua, nhiều tàu cá vỏ thép được đóng mới theo Nghị định 67/2014 của Chính phủ (tàu 67) ở Bà Rịa – Vũng Tàu nằm bờ do đánh bắt không hiệu quả, ngư trường cạn kiệt… Quan trọng hơn, các khoản vay đóng tàu rơi vào nợ xấu vì ngư dân hết khả năng trả nợ. Ngân hàng khởi kiện ngư dân vì không thực hiện đúng theo hợp đồng tín dụng.
Ngư dân hầu tòa vì tàu 67
Tham gia chủ trương hoạt động vươn khơi, bám biển giữ ngư trường, bảo vệ chủ quyền biển, đảo..., năm 2017, ông Phạm Ngọc Hoàng, ngư dân ở phường 3, TP.Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đóng mới tàu vỏ thép 18 tỷ đồng. Tháng 1/2017, Ngân hàng TMCP Đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV) Chi nhánh Phú Mỹ tiến hành ký hợp đồng tín dụng giải ngân 90% giá trị con tàu. Tài sản tài sản thế chấp cho khoản vay chính là con tàu vỏ thép cùng 2 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại TP. Vũng Tàu và 1 tàu vỏ gỗ ký hiệu BV- 98552-TS.
Năm đầu đi biển, việc đánh bắt thuận lợi nên đến hạn trả lãi ngân hàng, ông Hoàng đều thực hiện nghĩa vụ đầy đủ. Tuy nhiên, đến năm thứ 2, đánh bắt thủy hải sản gặp khó khăn vì ngư trường cạn kiệt, giá nhiên liệu tăng, sản phẩm sau đánh bắt liên tục hạ giá… khiến việc trả vốn, lãi bị gián đoạn. Kết quả là đến nay, ông Hoàng không còn khả năng chi trả.
Tháng 7/2023 vừa qua, TAND Thị xã Phú Mỹ đã mời ông Hoàng lên làm việc theo đơn khởi kiện của Ngân hàng (BIDV) Chi nhánh Phú Mỹ với lý do: Ông Hoàng không thực hiện trả nợ theo cam kết. Ông Hoàng cho biết, nếu phải hầu tòa, gia đình ông sẽ tan nát, không còn chỗ ở.
“Trước khi đóng tàu theo Nghị định 67 gia đình đã có tài sản. Từ lúc có tàu làm ăn liên tục lỗ. Hiện tòa án đã chấp nhận khởi kiện, tài sản chuẩn bị mất và gia đình con cái không biết sẽ ở đâu. Bây giờ sự việc đã rồi, nên chăng 2 bên phải thỏa thuận, ngư dân đã phá sản ngân hàng phải có phương án tạo điều kiện cho ngư dân sao cho hợp tình, hợp lý cũng là nguyện vọng chung của các ngư dân”, ông Hoàng bày tỏ.
Năm 2016, để hạ thủy tàu vỏ thép trị giá gần 20 tỷ đồng, gia đình ông Mai Văn Hiểu, ngư dân ở phường 11, TP.Vũng Tàu phải thế chấp chính con tàu mới đóng, thêm 2 sổ đỏ và 1 tàu gỗ cho Ngân hàng BIDV Chi nhánh Phú Mỹ. Sau khi tàu hoàn thành, ông là người đầu tiên của TP.Vũng Tàu tự nguyện tham gia lực lượng dân quân biển và kêu gọi nhiều tàu khác tham gia, để góp phần bảo vệ an ninh trật tự trong quá trình đánh bắt cũng như khẳng định chủ quyền biển, đảo của Việt Nam.
Nhưng ông Hiểu cũng rơi vào cảnh giống những ngư dân đóng mới tàu 67 khác, khi đánh bắt thủy hải sản gặp khó khăn, không có khả năng trả tiền cho ngân hàng. Đến cuối năm 2021, ông bị Ngân hàng BIDV Chi nhánh Phú Mỹ khởi kiện ra tòa.
“Sau khi cho vay vốn đóng tàu, phía ngân hàng cũng không hỏi thăm về tình hình tàu bè, đánh bắt ra sao. Bây giờ ngư dân mong muốn được gặp để đối thoại với ngân hàng, vì tài sản không còn gì nữa nên phía ngân hàng cũng phải chia sẻ với ngư dân”, ông Hiểu mong muốn.
Giải quyết nợ cần thấu tình, đạt lý
Theo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, trên địa bàn có 69 tàu chủ yếu ở các huyện Xuyên Mộc, Long Điền và TP.Vũng Tàu vay vốn đóng theo Nghị định 67 với số tiền hơn 1.017 tỷ đồng. Tại Chi nhánh ngân hàng Agribank tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, có 26 khách hàng vay vốn tổng mức vốn là 417 tỷ đồng để đóng mới 31 tàu cá theo Nghị định 67. Tuy nhiên, đến tháng 12/2023, có 19 trường hợp vi phạm nghĩa vụ trả nợ, trong đó có 17 trường hợp đã bị khởi kiện. Riêng tại Ngân hàng BIDV Chi nhánh Phú Mỹ có 7 chủ tàu 67 không trả nợ đúng cam kết và bị ngân hàng khởi kiện ra tòa án.
TP.Vũng Tàu là địa phương có 21 tàu cá được đóng mới, nâng cấp theo Nghị định 67. Qua khảo sát từ chủ phương tiện, hiện có 7 tàu nằm bờ hoặc chờ thanh lý, số còn lại hoạt động cầm chừng, trong đó có 4 tàu đã rời khỏi địa phương.
Theo ông Vũ Hồng Thuấn, Phó Chủ tịch UBND TP.Vũng Tàu, đến nay thành phố có 13/21 chủ tàu 67 gặp khó khăn trong trả lãi vay và nợ gốc cho ngân hàng. Nhằm tạo điều kiện cho ngư dân tiếp tục hành nghề, thành phố đề nghị tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu kiến nghị Chính phủ sớm ban hành chính sách, hướng dẫn để có cơ sở hỗ trợ cho chủ tàu duy tu, sửa chữa phương tiện.
“Thành phố đề nghị UBND tỉnh kiến nghị Chính phủ chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước ban hành Thông tư hướng dẫn, phân loại nợ dành riêng theo Nghị định 67 được nhà nước hỗ trợ lãi suất, không phân loại nợ như cho vay thông thường. Kiến nghị Chính phủ có cơ chế khoanh nợ, giãn nợ cũng như chính sách giải quyết khó khăn cho các chủ tàu cá, đặc biệt là tàu cá vỏ sắt”, ông Thuấn nêu phương hướng.
Theo quy định, ngư dân không trả nợ như cam kết, phía ngân hàng có quyền khởi kiện. Song với trường hợp của tàu vỏ sắt 67, ngành chức năng của Trung ương cần sớm có giải pháp để giúp ngư dân không rơi vào cảnh trắng tay và nợ xấu như hiện nay.