"Sóng" cắt giảm nhân sự: Ngân hàng, bán lẻ và tài chính vẫn dồn dập

Nhị Hà

(Thị trường tài chính) - Năm 2024, thị trường lao động tại Việt Nam chứng kiến xu hướng cắt giảm nhân sự mạnh mẽ trong nhiều ngành, đặc biệt là tài chính, ngân hàng và bán lẻ. Hàng loạt doanh nghiệp đã phải tinh giản đội ngũ nhằm tối ưu chi phí, cải thiện hiệu quả vận hành. Không ít công ty giảm hàng trăm, thậm chí hàng nghìn lao động, tạo nên một bức tranh đầy biến động về nhân sự trong năm qua.

Một trong những cái tên đáng chú ý nhất trong đợt cắt giảm lần này là Công ty CP Đầu tư Thế giới Di động (MWG). Dù lợi nhuận năm 2024 tăng mạnh lên 3.733 tỷ đồng, gấp 22 lần năm trước, nhưng số lượng nhân viên của hệ thống này vẫn giảm đáng kể. Cụ thể, đến cuối năm, công ty chỉ còn 63.660 lao động, giảm 1.754 người so với cuối năm 2023. Trước đó, năm 2023, MWG cũng đã cắt giảm gần 10.000 nhân sự sau giai đoạn mở rộng ồ ạt trong những năm trước đó.

Một trong những cái tên đáng chú ý nhất trong đợt cắt giảm lần này là Công ty CP Đầu tư Thế giới Di động (MWG)

Lãnh đạo doanh nghiệp lý giải rằng việc tinh giản nhân sự là một phần trong quá trình tái cấu trúc, đặc biệt là sau khi đóng cửa nhiều cửa hàng hoạt động kém hiệu quả. Sau giai đoạn tăng trưởng nóng, Thế giới Di động đang điều chỉnh lại chiến lược kinh doanh, tập trung vào các mô hình cửa hàng tối ưu hơn.

Một trường hợp khác có mức giảm nhân sự lớn về tỷ lệ là Công ty tài chính VietCredit (TIN). Trong năm qua, công ty đã thu hẹp đội ngũ từ 1.327 người xuống chỉ còn 181 nhân viên, tức giảm tới 86% nhân sự. Nguyên nhân chủ yếu đến từ kết quả kinh doanh kém khả quan: VietCredit ghi nhận mức lỗ sau thuế lên tới 152 tỷ đồng, mức thua lỗ cao nhất từ trước đến nay, trong khi năm 2023 vẫn lãi hơn 19 tỷ đồng.

Trong lĩnh vực chứng khoán, một số công ty cũng tiến hành cắt giảm nhân sự để thích ứng với bối cảnh thị trường. Công ty chứng khoán VNDirect (VND) giảm gần 100 nhân sự, tương ứng khoảng 9%, đưa tổng số lao động xuống còn 1.077 người. Công ty chứng khoán SSI (SSI) cũng thu hẹp quy mô với 84 nhân viên rời đi trong năm qua, chiếm 5% tổng lực lượng lao động. Tuy nhiên, tính đến cuối năm 2024, SSI vẫn là công ty chứng khoán có quy mô nhân sự lớn nhất với 1.502 người.

Bên cạnh đó, một số công ty khác như Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) và Chứng khoán Yuanta cũng giảm lần lượt 50 và 20 nhân sự để tối ưu bộ máy vận hành.

Trong ngành công nghệ, Công ty CP VNG cũng cắt giảm 265 người, đưa tổng số nhân viên xuống còn 3.324 vào cuối năm 2024.

Ngành ngân hàng là một trong những lĩnh vực chứng kiến sự cắt giảm nhân sự mạnh nhất trong năm 2024. Ngân hàng BIDV là đơn vị có số lượng nhân sự giảm nhiều nhất, gần 1.000 người, đưa tổng số lao động xuống còn 29.000. Đây cũng là lần tinh giản nhân sự lớn nhất của BIDV trong hơn 8 năm qua.

Xếp sau BIDV là Ngân hàng VIB, giảm 517 nhân viên, còn 11.736 người. Điều đáng chú ý là năm 2023, VIB từng tuyển dụng hơn 1.800 nhân sự mới, nhưng đến năm 2024 lại phải điều chỉnh giảm mạnh.

Sacombank cũng nằm trong danh sách cắt giảm với 426 nhân viên rời đi, đưa tổng nhân sự còn 18.088 người – mức thấp nhất trong 8 năm qua. So với thời kỳ cao nhất năm 2019, ngân hàng này đã giảm hơn 1.000 nhân viên.

Ngoài ba ngân hàng kể trên, ACB cũng giảm 365 nhân viên, còn 12.847 người vào cuối năm. Các ngân hàng khác như TPBank, Nam A Bank, ABBank và KienlongBank cũng ghi nhận sụt giảm nhưng với mức điều chỉnh nhẹ, dưới 100 nhân viên mỗi đơn vị.

Đặc biệt, những ngân hàng đang trong diện kiểm soát đặc biệt như SCB, GPBank, OceanBank (MBV), DongA Bank và CBBank (VCBNeo) đều không công bố báo cáo tài chính, nhưng khả năng cao cũng tiến hành cắt giảm nhân sự do yêu cầu tái cấu trúc.

Điển hình là SCB, kể từ khi bị đưa vào diện kiểm soát đặc biệt, ngân hàng này đã thu hẹp quy mô hoạt động nhanh chóng. Từ tháng 6/2023 đến cuối năm 2024, SCB đã đóng cửa 145 phòng giao dịch trên toàn quốc. Việc cắt giảm nhân sự tại đây gần như là điều không thể tránh khỏi.

Ngành thép cũng ghi nhận sự điều chỉnh nhân sự đáng kể. Công ty CP Đầu tư Thương mại SMC giảm 342 người, đưa số lao động còn 616 người. Tổng Công ty Thép Việt Nam cũng giảm 232 nhân viên, còn 5.850 người, tương ứng tỷ lệ giảm gần 4%.

Trong lĩnh vực dệt may, Tổng Công ty May Nhà Bè giảm 613 nhân sự, còn 12.510 người. Công ty CP May Sông Hồng cũng cắt giảm 426 nhân viên, đưa tổng lao động về 11.809 người vào cuối năm.

Dù xu hướng chung là cắt giảm nhân sự, một số doanh nghiệp vẫn mở rộng đội ngũ trong năm qua. Công ty chứng khoán VPBank tuyển thêm 123 người, trong khi Chứng khoán KAFI tăng 175 nhân sự, nâng tổng số lao động lên 290 người vào cuối năm 2024.

Năm 2024 đánh dấu một năm đầy biến động của thị trường lao động, với nhiều doanh nghiệp phải cắt giảm mạnh nhân sự do tái cơ cấu, tối ưu vận hành hoặc ảnh hưởng từ kết quả kinh doanh kém tích cực. Trong khi một số công ty vẫn tiếp tục tuyển dụng, phần lớn doanh nghiệp đang điều chỉnh chiến lược để thích nghi với tình hình mới.

Dự báo trong năm 2025, làn sóng tinh giản lao động có thể tiếp tục, đặc biệt trong những ngành đang trong quá trình tái cấu trúc mạnh mẽ như ngân hàng, tài chính và bán lẻ.