PGBank: Bị xử phạt gần 160 triệu đồng, chưa xóa sạch nợ xấu tại VAMC, lợi nhuận lao dốc dù về tay nhóm cổ đông mới
(Thị trường tài chính) - Ủy ban Chứng khoán Nhà nước vừa xử phạt Ngân hàng Thương mại cổ phần Thịnh vượng và Phát triển (PGBank) số tiền là 157,5 triệu đồng.
Ủy ban Chứng khoán Nhà nước vừa ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Ngân hàng Thương mại cổ phần Thịnh vượng và Phát triển (PGBank), địa chỉ: Tầng 16, 23, 24 tòa nhà Mipec, số 229 Tây Sơn, phường Ngã Tư Sở, Đống Đa, Hà Nội.
Trong đó, PGBank bị phạt 65 triệu đồng do công bố thông tin không đúng thời hạn các tài liệu gồm Nghị quyết số 125/2023/NQ-HĐQT ngày 20/10/2023 về việc thay đổi nhân sự, Nghị quyết số 50/2023/NQ-HĐQT ngày 25/5/2023 về việc thay đổi người đại diện theo pháp luật; Báo cáo định kỳ tình hình thực hiện các cam kết của doanh nghiệp phát hành đối với người sở hữu trái phiếu năm 2022; Báo cáo tình hình sử dụng số tiền thu được từ việc phát hành trái phiếu đối với trái phiếu còn dư nợ được kiểm toán bởi tổ chức kiểm toán đủ điều kiện năm 2022, về việc hoàn tất việc mua lại trái phiếu trước hạn; Nghị quyết số 01A/2023/NQ-HĐQT ngày 01/01/2023 về việc thông qua hợp đồng, giao dịch với người có liên quan; Nghị quyết số 01A/2022/NQ-HĐQT ngày 01/01/2022 về việc thông qua hợp đồng, giao dịch với người có liên quan.
Ngoài ra, PGBank bị phạt 65 triệu đồng do công bố thông tin không đầy đủ nội dung theo thuyết minh Báo cáo tài chính năm 2022 và năm 2023 đã được kiểm toán; Ngân hàng phát sinh giao dịch với các bên liên quan (Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam) nhưng tại Báo cáo tình hình quản trị công ty năm 2022, năm 2023; Ngân hàng đã CBTT không đầy đủ về giao dịch với đối tượng nêu trên theo quy định.
PGBank cũng bị phạt 27,5 triệu đồng do công ty đại chúng không đưa nội dung thù lao của từng thành viên Hội đồng quản trị, tiền lương của Tổng giám đốc (Giám đốc) và người quản lý khác thành mục riêng trong Báo cáo tài chính hàng năm của công ty và báo cáo Đại hội đồng cổ đông tại cuộc họp thường niên (Ngân hàng không đưa nội dung thù lao của từng thành viên Hội đồng quản trị, tiền lương của Tổng Giám đốc (Giám đốc) và người quản lý khác thành mục riêng trong Báo cáo tài chính kiểm toán năm 2022 và năm 2023).
Lợi nhuận quý I/2024 của PGBank giảm mạnh, chi phí hoạt động tăng cao
Trong quý đầu tiên của năm 2024, PGBank ghi nhận lãi sau thuế đạt 92,8 tỷ đồng, giảm 24% so với cùng kỳ năm trước. Sự sụt giảm này chủ yếu do tổng thu nhập hoạt động giảm gần 4%, xuống còn 376 tỷ đồng, trong khi chi phí hoạt động lại tăng 17%, ghi nhận hơn 218 tỷ đồng.
Tính đến ngày 31/3/2024, tổng tài sản của PGBank đạt 58.764 tỷ đồng, tăng gần 6% so với đầu năm. Tuy nhiên, cho vay khách hàng giảm nhẹ 0,4% xuống còn 35.186 tỷ đồng, trong khi tiền gửi khách hàng tăng 4% lên 37.224 tỷ đồng.
Nợ xấu của PGBank cũng tăng nhẹ hơn 2% so với đầu năm, đạt mức 1.033 tỷ đồng. Theo đó, tỷ lệ nợ xấu/tổng dư nợ cho vay khách hàng của nhà băng này tăng từ mức 2,85% lên 2,93%. Đặc biệt, số dư trái phiếu VAMC (Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng) tính đến cuối quý I vẫn còn 949 tỷ đồng, khiến PGBank phải trích lập gần 278 tỷ đồng cho những khoản nợ xấu này.
Nợ xấu tại VAMC là những khoản nợ khó đòi, được bán sang VAMC nhằm giảm tỷ lệ nợ xấu nội bảng và xử lý nợ thông qua VAMC. Tuy nhiên, bán nợ cho VAMC không giúp các ngân hàng thoát khỏi gánh nặng nợ xấu, bởi các khoản nợ này vẫn có khả năng quay lại nếu sau 5 năm chưa được xử lý. Hơn nữa, các ngân hàng vẫn phải trích lập dự phòng ở mức 20%/năm đối với mệnh giá trái phiếu trong vòng 5 năm, trừ vài trường hợp đặc biệt.
Số lượng nhân viên của PGBank đến cuối quý I/2024 là 1.901 người, tăng 12,8% so với cùng kỳ năm trước. Số lượng nhân viên tăng là nguyên nhân chính khiến chi phí hoạt động của ngân hàng tăng cao, kéo theo lợi nhuận giảm. Thu nhập trung bình của mỗi nhân viên là gần 28,5 triệu đồng/người/tháng, tăng nhẹ so với cùng kỳ.
Bất động sản thế chấp tại PGBank đạt hơn 43.965 tỷ đồng, chỉ chiếm 48% tài sản thế chấp của khách hàng, giảm nhẹ so với đầu năm. Ngoài ra, tài sản thế chấp còn bao gồm cổ phiếu, trái phiếu và giấy tờ có giá trị hơn 10.000 tỷ đồng; máy móc thiết bị và động sản thế chấp hơn 14.800 tỷ đồng; cùng các tài sản đảm bảo khác hơn 22.700 tỷ đồng.
Đáng chú ý, ngoài các khoản nợ xấu đã được ghi nhận, PGBank còn có hơn 5.262 tỷ đồng "nghĩa vụ tiềm ẩn" chỉ được ghi nhận ngoại bảng, tăng 14% so với đầu năm. Những nghĩa vụ này bao gồm bảo lãnh vay vốn, cam kết trong nghiệp vụ L/C và các bảo lãnh khác.