Nhu cầu vàng quý 2 đạt mức cao kỷ lục, thúc đẩy giá vàng tăng
(Thị trường tài chính) - Quý 2/2024, tổng nhu cầu vàng toàn cầu tăng 4% so với cùng kỳ năm ngoái lên 1.258 tấn. Tổng nhu cầu vàng gia tăng do các giao dịch phi tập trung (OTC) sôi động, tăng 53% lên 329 tấn so với cùng kỳ năm ngoái.
Nhu cầu từ thị trường OTC tăng, hoạt động mua vào liên tục từ các ngân hàng trung ương và dòng tiền chảy ra khỏi các quỹ giao dịch hoán đổi vàng (ETF) chậm lại đã thúc đẩy giá vàng đạt mức cao kỷ lục trong quý 2. Giá vàng trung bình đạt 2.338 USD/ounce, cao hơn 18% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt mức kỷ lục 2.427 USD/ounce trong quý 2.
Nhu cầu vàng tăng cao kỷ lục
Báo cáo về Xu hướng nhu cầu vàng của Hội đồng Vàng Thế giới (WGC) cho thấy, quý 2/2024, tổng nhu cầu vàng toàn cầu tăng 4% so với cùng kỳ năm ngoái lên 1.258 tấn, đánh dấu quý 2 tăng mạnh nhất theo dữ liệu của tổ chức này. Tổng nhu cầu vàng gia tăng do các giao dịch phi tập trung (OTC) sôi động, tăng 53% lên 329 tấn so với cùng kỳ năm ngoái.
Các ngân hàng Trung ương và các tổ chức thuộc chính phủ đã nắm giữ thêm 183 tấn vàng trên toàn cầu, tăng 6% so với cùng kỳ năm 2023. Khảo sát ngân hàng trung ương hàng năm của WGC đã xác nhận rằng, các nhà quản lý dự trữ tin tưởng rằng các hoạt động phân bổ vàng sẽ tiếp tục tăng trong 12 tháng tới do nhu cầu bảo vệ và đa dạng hóa danh mục đầu tư trong bối cảnh kinh tế và địa chính trị diễn biến phức tạp.
Ông Shaokai Fan, Giám đốc khu vực Châu Á-Thái Bình Dương (không bao gồm Trung Quốc) kiêm Giám đốc Ngân hàng Trung ương Toàn cầu tại Hội đồng Vàng Thế giới cho biết: “Đầu tư vàng toàn cầu vẫn ổn định, tăng nhẹ so với cùng kỳ năm ngoái lên 254 tấn, che giấu các xu hướng nhu cầu khác. Nhu cầu vàng của các quốc gia ASEAN mà chúng tôi theo dõi riêng trong Xu hướng nhu cầu vàng vẫn tích cực: tất cả đều tăng so với cùng kỳ năm ngoái, một phần là do tiền mất giá.”
Tại Việt Nam, các nhà đầu tư tiếp tục tìm đến vàng miếng và vàng xem như kênh lưu trữ an toàn nhằm đối phó với sự gia tăng của lạm phát, đồng nội tệ sụt giảm, hiệu suất kém của thị trường cổ phiếu và bất động sản trong nước. Kết quả là nhu cầu vàng miếng và vàng xu ở Việt Nam trong quý 2 tăng 30% so với cùng kỳ năm 2023 lên 12 tấn. Tổng nhu cầu vàng miếng và vàng xu trong nửa đầu năm 2024 đạt 26 tấn, mức cao nhất kể từ năm 2014.
Nhu cầu vàng trang sức tại Việt Nam trong quý 2 giảm 15% so với cùng kỳ năm ngoái, xuống chỉ còn 3 tấn. Sự sụt giảm chủ yếu do giá vàng chi phối, mặc dù tăng trưởng GDP chậm lại cũng tác động đến tâm lý người mua. Nhu cầu vàng trang sức ở Việt Nam trong nửa đầu năm 2024 giảm xuống chỉ còn hơn 7 tấn, mức thấp nhất trong nửa đầu năm kể từ năm 2020.
Ngoài ra, nhu cầu vàng trong lĩnh vực công nghệ tăng 11% so với cùng kỳ năm ngoái, chủ yếu là do sự bùng nổ của AI trong lĩnh vực điện tử với mức tăng 14% so với cùng kỳ năm ngoái.
Thúc đẩy giá vàng tăng
Ghi nhận lúc 5h sáng nay 1/8, vàng miếng tại Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC), Tập đoàn DOJI, Bảo tín Minh Châu, Công ty Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ) đều được giữ nguyên giá so với cùng thời điểm sáng qua. Giá niêm yết hiện tại ở mức 77 – 79 triệu đồng. Chênh lệch mua bán 2 chiều ở mức 2 triệu đồng/lượng.
Bảo tín Mạnh Hải cũng niêm yết ở mức giá này sau khi điều chỉnh giảm 180.000 đồng/lượng chiều mua và 50.000 đồng/lượng chiều bán so với rạng sáng qua.
77 – 79 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra) cũng là mức giá niêm yết của 4 ngân hàng thương mại cổ phần gồm Agribank, BIDV, Vietcombank, Vietinbank.
Trong khi vàng miếng được giao dịch với giá ổn định, thì vàng nhẫn trong nước lại ghi nhận điều chỉnh mạnh trong phiên hôm qua.
Vàng nhẫn tại SJC điều chỉnh tăng 350.000 đồng/lượng chiều mua và 300.000 đồng/lượng chiều bán. Giá niêm yết hiện tại ở mức 75,95 – 77,3 triệu đồng/lượng.
Nhẫn ép vỉ Vàng Rồng Thăng Long tại Bảo tín Mạnh Hải và Bảo tín Minh Châu tăng 450.000 đồng/lượng chiều mua, 250.000 đồng/lượng chiều bán. Giá niêm yết hiện tại lần lượt ở mức 76,25 – 77,28 triệu đồng/lượng và 76,28 – 77,28 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra).
Bà Louise Street, Nhà phân tích thị trường cấp cao tại Hội đồng Vàng Thế giới đặt câu hỏi: “Trong thời gian tới, điều gì sẽ giúp vàng luôn là tâm điểm trong các chiến lược đầu tư? Với đợt cắt giảm lãi suất được mong đợi từ lâu của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ sắp diễn ra, dòng tiền đổ vào các quỹ ETF đang tăng lên nhờ sự quan tâm trở lại từ các nhà đầu tư phương Tây. Sự phục hồi bền vững của hoạt động đầu tư từ nhóm này có thể thay đổi động lực nhu cầu về vàng trong nửa cuối năm 2024. Tại Ấn Độ, đợt cắt giảm thuế nhập khẩu vừa được công bố gần đây sẽ tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy nhu cầu vàng, nơi giá vàng cao đã cản trở việc người dân mua vào.
“Mặc dù có những khó khăn tiềm tàng đối với vàng trong tương lai, nhưng cũng có những thay đổi đang diễn ra trên thị trường toàn cầu có thể hỗ trợ và làm tăng nhu cầu vàng”, bà Louise Street nhận định.