HAPPYFOOD - Bữa ăn ngon cho gia đình hạnh phúc - Make Family Happy!

Ngân hàng rộn ràng chia cổ tức, tăng mạnh vốn điều lệ

Theo TTXVN

Vốn điều lệ cao sẽ là “bộ đệm” giúp cho các ngân hàng có thêm nguồn lực để chống chọi với những khó khăn, mở rộng hoạt động kinh doanh, hỗ trợ nền kinh tế nói chung, các doanh nghiệp nói riêng.

Nhiều cổ đông ngân hàng nhận "cơn mưa" cổ tức. (Ảnh: Vietnam+)
Nhiều cổ đông ngân hàng nhận "cơn mưa" cổ tức. (Ảnh: Vietnam+)

Việc chia cổ tức của doanh nghiệp và ngân hàng vẫn luôn là chủ đề được nhiều nhà đầu tư quan tâm mỗi dịp họp đại hội đồng cổ đông thường niên xong. Năm nay, cổ đông của nhiều ngân hàng vui mừng khi được nhận cổ tức cả bằng cổ phiếu và tiền mặt.

Cổ đông “ấm túi”

ACB vừa có báo cáo về kết quả đợt phát hành cổ phiếu để trả cổ tức. Theo đó, ngân hàng đã phát hành 582,6 triệu cổ phiếu để trả cổ tức, tương ứng tỷ lệ 15% (cổ đông nắm giữ 100 cổ phiếu sẽ nhận được 15 cổ phiếu mới).

Sau đợt phát hành, số cổ phiếu đang lưu hành của ACB tăng từ 3,884 tỷ cổ phiếu lên 4,447 tỷ cổ phiếu. Dự kiến cổ phiếu sẽ được chuyển giao trước ngày 30/6, sau khi Tổng Công ty Lưu ký và Bù trừ chứng khoán Việt Nam điều chỉnh Giấy chứng nhận Đăng ký Chứng khoán. Như vậy, gần 583 triệu cổ phiếu ACB sẽ về tài khoản cổ đông trong ít ngày tới.

Sau khi hoàn tất việc phát hành, vốn điều lệ của ACB sẽ tăng lên 44.667 tỷ đồng, chính thức vượt qua Agribank, trở thành ngân hàng có quy mô vốn cao thứ 6 toàn hệ thống, sau VPBank, BIDV, Vietcombank, VietinBank và MB. Tuy nhiên, ACB dự kiến sẽ tụt xuống hạng 8 vào cuối năm nay khi Agribank và Techcombank hoàn tất kế hoạch tăng vốn.

TPBank (mã: TPB) cũng thông qua việc triển khai phương án chi trả cổ tức bằng tiền mặt trong năm 2024 với tỷ lệ 5% (1 cổ phiếu được nhận 500 đồng). Ngày đăng ký cuối cùng thực hiện quyền cho cổ đông hiện hữu là 21/6 và thời gian thanh toán dự kiến vào 11/7.

Trước đó tại Đại hội đồng cổ đông thường niên 2024, ban lãnh đạo TPBank đã bổ sung tờ trình chia cổ tức tiền mặt và chia cổ tức bằng cổ phiếu để tăng vốn điều lệ năm 2024, sau đó được đông đảo cổ đông thông qua. Lãnh đạo ngân hàng cho biết việc chia cổ tức bằng tiền mặt là một sự khích lệ cho các cổ đông.

Hiện TPBank có hơn 2,2 tỷ cổ phiếu đang lưu hành, theo đó số tiền mà ngân hàng dự kiến chi trong đợt này hơn 1.100 tỷ đồng. Nguồn chi được lấy từ lợi nhuận sau thuế chưa phân phối đến cuối năm ngoái, trên báo cáo tài chính đã kiểm toán.

Ngoài ra, TPBank còn có kế hoạch phát hành tối đa 440,3 triệu cổ phiếu mới để trả cổ tức cho cổ đông theo tỷ lệ 20% (cổ đông sở hữu 100 cổ phiếu tại ngày chốt quyền sẽ được nhận 20 cổ phiếu mới). Việc phát hành dựa trên khuyến khích của NHNN, trên cơ sở tình hình kinh doanh thực tế, mở rộng quy mô hoạt động... Vốn điều lệ của ngân hàng theo đó sẽ tăng thêm hơn 4.400 tỷ lên tối đa 26.419 tỷ đồng.

Thay đổi lớn nhất trong chính sách cổ tức năm nay là Techcombank. Đây là lần đầu tiên sau 10 năm giữ lại toàn bộ lợi nhuận, Techcombank lên kế hoạch chia cổ tức bằng tiền mặt và cả cổ phiếu. Cụ thể, Techcombank chia tỷ lệ 15% tiền mặt và chia tiếp cổ phiếu với tỷ lệ 1:1, nghĩa là cổ đông sở hữu 100 cổ phiếu được hưởng quyền sẽ được nhận thêm 100 cổ phiếu mới.

Dự kiến, việc chia cổ tức bằng cổ phiếu từ nguồn vốn chủ sở hữu sẽ giúp Techcombank tăng vốn điều lệ từ mức 35.225 tỷ đồng lên 70.450 tỷ đồng.

quay-tcb-jpg-1608779516-3351-1608779611.jpg
Lần đầu tiên sau 10 năm giữ lại toàn bộ lợi nhuận, Techcombank lên kế hoạch chia cổ tức bằng tiền mặt và cả cổ phiếu. (Ảnh: Vietnam+)

Còn với việc chia cổ tức bằng tiền mặt năm 2023 với tỷ lệ là 15% (1 cổ phiếu nhận 1.500 đồng), Techcombank dự kiến thực hiện trong quý 2 hoặc quý 3 năm nay. Với tỷ lệ chia cổ tức như vậy, ước tính Techcombank sẽ phải chi khoảng 5.284 tỷ đồng được lấy từ nguồn lợi nhuận chưa phân phối của ngân hàng sau khi trích lập các quỹ.

Cùng với Techcombank, trong năm nay, 3 ngân hàng thương mại cổ phần nhà nước là Vietcombank, BIDV, VietinBank đều có kế hoạch tăng vốn và đã được cổ đông thông qua tại kỳ đại hội vừa qua, hiện chờ cơ quan quản lý chấp thuận.

Ngoài ra, một số ngân hàng khác như MSB, SHB, MB, PGBank cũng chuẩn bị phát hành cổ tức bằng tiền mặt và cổ phiếu.

Tăng nguồn lực cho ngân hàng

Có thể thấy, tăng vốn luôn là mục tiêu ưu tiên hàng đầu của các ngân hàng trong nhiều năm trở lại đây. Bởi theo các chuyên gia, vốn điều lệ cao sẽ là “bộ đệm” giúp cho các ngân hàng có thêm nguồn lực để chống chọi với những khó khăn, mở rộng hoạt động kinh doanh đồng thời hỗ trợ nền kinh tế nói chung, các doanh nghiệp nói riêng.

Dưới góc nhìn của Tiến sỹ Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng BIDV, áp lực tăng vốn vẫn luôn hiện hữu với các tổ chức tín dụng (đặc biệt là với các ngân hàng thương mại có sở hữu nhà nước). Dù hệ số an toàn vốn tối thiểu (CAR) của các ngân hàng Việt Nam đã tăng trong thời gian qua nhưng vẫn khá thấp so với chuẩn mực Basel II và các ngân hàng thương mại trong khu vực (khoảng 12%-14%), trong khi việc tăng vốn trong giai đoạn này còn gặp nhiều khó khăn.

vnp_sx may.jpg
Vốn điều lệ cao sẽ là “bộ đệm” giúp cho các ngân hàng có thêm nguồn lực để chống chọi với những khó khăn, mở rộng hoạt động kinh doanh đồng thời hỗ trợ nền kinh tế nói chung, các doanh nghiệp nói riêng. (Ảnh: Vietnam+)

Hơn nữa, việc tăng vốn còn giúp các ngân hàng đáp ứng các tiêu chuẩn Basel II và Basel III.

Tiến sỹ Daniel Borer, quyền Chủ nhiệm chương trình Kinh doanh toàn cầu, Đại học RMIT nhận xét, ngành ngân hàng toàn cầu đang rúng động khi chứng kiến sự sụp đổ của các ngân hàng tại Mỹ, nhưng các ngân hàng Việt Nam có thể không gặp rủi ro. Một trong những nguyên nhân được vị này chỉ ra là nhờ vào việc ngân hàng Việt Nam đã tuân thủ theo các quy định chuẩn mực quốc tế. Tuy nhiên, Tiến sỹ Daniel Borer cho rằng đây là cơ hội tốt đến các ngân hàng củng cố lĩnh vực tài chính hơn nữa, giải phóng dòng vốn sẽ giúp thị trường vốn Việt Nam hấp dẫn hơn đối với vốn nước ngoài.

Thống kê của Ngân hàng Nhà nước, tính đến cuối tháng 1/2024, hệ số an toàn vốn (CAR của các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài áp dụng theo Thông tư 41/2016/TT-NHNN đạt 11,84%, trong đó nhóm ngân hàng thương mại Nhà nước đạt 9,72%, nhóm ngân hàng thương mại cổ phần đạt 11,89%...

Đối với các ngân hàng có vốn nhà nước, để tháo gỡ các khó khăn liên quan đến tăng vốn điều lệ, Tiến sỹ Cấn Văn Lực kiến nghị: “Quốc hội, Chính phủ tiếp tục cho các ngân hàng thương mại nhà nước giữ lại lợi nhuận Nhà nước hàng năm để tăng vốn, tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng dẫn dắt, tham gia tái cơ cấu các tổ chức tín dụng yếu kém, cũng như tiết giảm chi phí, có điều kiện triển khai gói hỗ trợ và giảm mặt bằng lãi suất cho vay.”

Ngoài ra, các chuyên gia cũng nhấn mạnh, rủi ro tăng cao thì các ngân hàng chú trọng tăng vốn và tăng quản trị chất lượng tài sản sẽ là chiến lược hợp lý hơn là chạy theo tăng trưởng lợi nhuận. Mặc dù vậy, với phương án tăng vốn chú yếu từ phát hành thêm cổ phiếu riêng lẻ thì còn phụ thuộc vào diễn biến thị trường chứng khoán, nên thách thức tăng vốn thành công với các ngân hàng không hề nhỏ./.

Ý kiến bạn đọc