Ngân hàng nào có nhiều cơ hội cải thiện NIM khi nền kinh tế vượt qua giai đoạn khó khăn?
(Thị trường tài chính) - Theo giới phân tích, một số ngân hàng sở hữu tỷ trọng cho vay cá nhân cao và tỷ lệ huy động bằng đồng USD thấp sẽ có cơ hội cải thiện NIM tốt hơn so với các ngân hàng khác khi nền kinh tế vượt qua giai đoạn khó khăn.
Trong báo cáo về ngành ngân hàng mới đây, Công ty Chứng khoán VnDirect cho biết, tỷ lệ thu nhập lãi cận biên (NIM) bình quân của 25 ngân hàng niêm yết trong quý 3/2023 là 3,32%, giảm 0,47% so với cùng kỳ; trong đó có tới 22 ngân sụt giảm NIM so với cùng kỳ 2022.
Mặc dù bức tranh chung về NIM khá tiêu cực trong quý 3/2023, nhưng một số ngân hàng giữ được mức NIM ổn định so với quý 2 hoặc cùng kỳ như VietinBank, VIB, MB. Trong đó, VietinBank và VIB tận dụng việc cho vay liên ngân hàng với tỷ trọng cao so với cùng kỳ trong cơ cấu nguồn vốn để giảm chi phí vốn (COF).
Theo VnDirect, có một tín hiệu tích cực là chi phí vốn của cả ngành trong quý 3 đã giảm 0,33 điểm % so với quý 2, và là quý giảm so với quý trước đầu tiên kể từ quý 1/2022. Điều này chủ yếu nhờ vào nguồn huy động chi phí thấp bắt đầu có hiệu quả.
Trong quý 4, nhóm phân tích kỳ vọng chi phí vốn sẽ giảm hơn nữa nhờ tiền gửi chi phí thấp sẽ chiếm tỷ trọng cao hơn trong cơ cấu nguồn vốn của các ngân hàng (lãi suất tiền gửi đã giảm đáng kể 0,4 - 1 điểm % ở tất cả các kỳ hạn trong quý 3).
Tuy nhiên, NIM của ngành ngân hàng có thể sẽ không cải thiện ngay lập tức trong bối cảnh nhu cầu tín dụng còn yếu như hiện tại. Song, nhóm phân tích tin rằng một số ngân hàng sở hữu tỷ trọng cho vay cá nhân cao và tỷ lệ huy động bằng đồng USD thấp sẽ có cơ hội cải thiện NIM tốt hơn so với các ngân hàng khác.
Thực tế, một số ngân hàng thời gian gần đây đã đẩy mạnh thu hút các nguồn vốn giá rẻ từ các định chế tài chính quốc tế để tối ưu chi phí vốn.
Mới nhất, VIB vừa hoàn tất huy động thành công khoản vay hợp vốn trung dài hạn trị giá 280 triệu USD từ 13 định chế tài chính hàng đầu khu vực và thế giới.
Nguồn vốn từ khoản vay hợp vốn này sẽ được ngân hàng sử dụng phục vụ cho hoạt động cho vay bán lẻ cốt lõi với danh mục có mức độ rủi ro tập trung thấp, và tỷ lệ dư nợ có tài sản đảm bảo lên đến 92%. Cơ cấu danh mục cho vay bán lẻ của VIB hiện nay khá đa dạng và cân bằng các sản phẩm như cho vay mua nhà ở và sửa chữa nhà, vay mua ô tô, vay kinh doanh và thẻ tín dụng.
Bên cạnh đó, việc huy động thành công nguồn vốn trung dài hạn này giúp VIB tăng cường thêm nguồn lực tài chính, tối ưu và duy trì cơ cấu nguồn vốn linh hoạt, đảm bảo tỷ lệ thanh khoản và hiệu quả hoạt động. Đáng chú ý, đây là lần thứ 2 VIB thực hiện khoản vay hợp vốn từ nước ngoài trong năm 2023. Trước đó vào tháng 6/2023, VIB đã hoàn tất rút vốn khoản vay trị giá 100 triệu USD với kỳ hạn 5 năm từ Công ty Tài chính quốc tế (IFC). Như vậy tính đến hết năm 2023, tổng nguồn vốn huy động trên thị trường vốn quốc tế của VIB trong năm 2023 lên tới gần 400 triệu đô la Mỹ.
Ông Hàn Ngọc Vũ, Tổng Giám đốc VIB chia sẻ: “Với chiến lược phát triển ngân hàng bán lẻ, trong những năm gần đây, VIB luôn chú trọng hoạt động huy động nguồn vốn vay từ thị trường quốc tế. Khoản vay hợp vốn này không những giúp VIB đáp ứng nhu cầu tín dụng ngày càng tăng của khách hàng mà còn giúp đa dạng và tối ưu hóa cơ cấu nguồn vốn, đảm bảo thanh khoản và duy trì bảng cân đối tài sản vững mạnh cho những mục tiêu tăng trưởng bền vững”.
Cùng với VIB, nhiều ngân hàng khác đã huy động được các khoản vay lớn từ các tổ chức tài chính quốc tế như: VPBank vay 300 triệu USD từ Tập đoàn Tài chính Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (DFC), SeABank huy 200 triệu USD từ Tập đoàn Tài chính phát triển quốc tế Hoa Kỳ (DFC), SHB huy động 120 triệu USD từ, Tập đoàn Tài chính quốc tế (IFC), OCB vay 55 triệu USD từ định chế tài chính Phát triển thuộc Ngân hàng Tái thiết KFW của Đức (DEG),…
Bên cạnh đẩy mạnh huy động nguồn vốn giá rẻ từ các định chế nước ngoài, các ngân hàng cũng đã triển khai các biện pháp kích cầu tín dụng, đặc biệt là tín dụng bán lẻ thông qua các gói ưu đãi lãi suất, miễn phí dịch vụ,…
Trong báo cáo về ngành ngân hàng mới công bố, Viện Nghiên cứu Ngân hàng (Học viện Ngân hàng Việt Nam) cho rằng tín dụng tăng trưởng thấp đòi hỏi ngân hàng phải giảm lãi vay để kích cầu tín dụng, song NIM không còn thu hẹp quá nhiều trong những tháng cuối năm. Nguyên nhân là bởi lãi suất huy động đã giảm sâu giúp các ngân hàng phần nào giảm được chi phí đầu vào.
"Chi phí huy động vốn của các ngân hàng giảm dẫn đến lãi suất cho vay cũng sẽ giảm theo, nhưng xu hướng giảm vẫn chậm hơn lãi suất huy động, do đó có thể cải thiện được NIM trong thời gian tới", nhóm nghiên cứu dự báo.
Tuy nhiên, nhóm nghiên cứu cho rằng, trong bối cảnh cắt giảm lãi suất vẫn là ưu tiên hàng đầu để thúc đẩy hoạt động kinh tế và nhu cầu tín dụng còn yếu như hiện tại, NIM có thể sẽ không cải thiện ngay lập tức. Dù vậy, một số ngân hàng có tỷ lệ cho vay cá nhân cao, tỷ lệ LDR (dư tín dụng trên số vốn huy động) thấp và tỷ trọng vốn ngoại tệ trên tổng nguồn vốn thấp sẽ có nhiều cơ hội để cải thiện NIM tốt hơn so với toàn ngành trong quý 4.