Khuyến nghị phòng tránh thủ đoạn lừa đảo cài đặt các ứng dụng giả mạo

Mộc Trà

(Thị trường tài chính) - Lời dụng tâm lý thiếu cảnh giác của một số người dân, các đối tượng lừa đảo đã dùng nhiều thủ đoạn khác nhau để chiếm đoạt tài sản, trong đó có việc giả danh cán bộ cơ quan Nhà nước để tạo lòng tin với người dân.

Công ty Chứng khoán Techcombank vừa có khuyến nghị phòng tránh các thủ đoạn lừa đảo cài đătj ứng dung giả mạo. 

Theo đó, hiện nay, các đối tượng lừa đảo đang tận dụng tâm lý thiếu cảnh giác của những người dùng thiết bị di động, để thực hiện các hành vi giả danh cơ quanNhà nước.

Mục đích cuối cùng của các thủ đoạn này chính là khiến người dùng tin và cài đặt phần mềm chứa mã độc. Các phần mềm này sẽ giúp đối tượng lừa đảo vượt qua hầu hết các biện pháp xác thực và bảo vệ của thiết bị di động, từ đó lấy cắp thông tin cá nhân, thông tin tài khoản ngân hàng để chiếm đoạt tiền và tài sản của nạn nhân.

Khuyến nghị phòng tránh thủ đoạn lừa đảo cài đặt các ứng dụng giả mạo - ảnh 1
Người dùng cần đề cao cảnh giác trước những cuộc gọi lạ

Ngân hàng Techcombank mới đây đã phát đi cảnh báo với các khách hàng về loại hình lừa đảo này. Theo đó, người dùng tài khoản ngân hàng nên cảnh giác trước các cuộc gọi đến tự xưng là cán bộ cơ quan thực thi pháp luật (Công an, Tòa án,…), cơ quan hành chính nhà nước (Cán bộ thuế/ địa chính/ tài nguyên môi trường,…), nhân viên hỗ trợ ngân hàng,…

Khi nhận được các cuộc gọi này, người dùng nên tìm cách kiểm chứng thông tin của các đối tượng chủ động liên lạc bằng cách gọi tới tổng đài hỗ trợ được công bố chính thức của các cơ quan, đơn vị.

Ngân hàng này cũng khuyến cáo người dùng chỉ nên cài đặt phần mềm được tìm thấy trực tiếp trên App Store (với thiết bị hệ điều hành iOS)/CH Play (với thiết bị hệ điều hành Android). Đồng thời, chia sẻ thông tin cảnh giác đến bạn bè, người thân là người cao tuổi hoặc người ít am hiểu về công nghệ.

Bên cạnh đó, để tránh bị mất tiền oan, người dùng không nên tự ý cài đặt hoặc tải trực tiếp bất kỳ ứng dụng nào từ đường link được gửi trên tin nhắn SMS, nội dung chat trên các nền tảng xã hội, ứng dụng nhắn tin; hoặc từ các trang web do các đối tượng cung cấp.

Không tin và thực hiện theo hoặc liên hệ với với các đối tượng quảng cáo trên mạng xã hội (Facebook, Zalo, Viber, Telegram,..) về các giải pháp “nhanh” cho bất kỳ dịch vụ công nào.