Giá vàng hôm nay (25/4): Chưa thỏa cơn “khát”, giá vàng tăng bất chấp
(Thị trường tài chính) - “Thị trường vàng hiện nay chưa thỏa cơn khát. Sau đấu thầu lần 1, giá vàng trong nước có xu hướng tăng trong khi giá thế giới không thay đổi", một chuyên gia nhận định.
Kết thúc phiên đấu thầu vàng lần thứ nhất, giá vàng trong nước liên tục ghi nhận mức tăng mạnh. Chỉ sau 1 ngày, giá vàng đã tăng tới 2,5 triệu đồng/lượng.
Ghi nhận lúc 5h sáng nay (25/4), trước thời điểm bước vào đợt đấu thầu vàng lần thứ 2, giá vàng tại Doji được niêm yết ở mức 82 - 84 triệu đồng/lượng (mua - bán). So với cùng thời điểm hôm qua, mức giá này đã tăng tới 2 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra).
Tại SJC, vàng miếng được niêm yết ở mức 82,5 - 84,5 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra), tăng 1,5 triệu đồng/lượng mua vào và 1,2 triệu đồng/lượng bán ra.
PNJ tại 3 thành phố lớn là Hà Nội, Đà Nẵng và TP HCM cũng điều chỉnh mức tăng vọt 2,5 và 2 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra), đưa giá vàng miếng tại nhà vàng này lên mức 82,3 – 84,3 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra).
Bảo Tín Minh Châu niêm yết ở mức 82,35 – 84,25 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra), tăng 1,05 – 1,25 triệu đồng/lượng ở lần lượt 2 chiều mua – bán của vàng miếng.
Không ghi nhận mức tăng phi mã như vàng miếng, vàng nhẫn tại các cửa hàng vàng được duy trì mức tăng ổn định. Trước phiên đấu thầu vàng miếng sáng nay, giá vàng miếng được các nhà vàng niêm yết quanh ngưỡng 73,1 – 74 triệu đồng/lượng chiều mua vào, 74,9 – 75,65 triệu đồng/lượng chiều bán ra. Tăng từ 200.000 đồng – 300.000 đồng/lượng mỗi chiều.
Giá vàng SJC trong nước tăng mạnh, bất chấp giá vàng thế giới vẫn đang trong xu hướng giảm và NHNN liên tục tổ chức đấu thầu vàng miếng khiến nhiều người không khỏi bất ngờ.
Theo chuyên gia tài chính Trần Duy Phương, việc NHNN chỉ bán được 3.400 lượng vàng trong phiên đấu thầu không đủ để bình ổn giá. Nguồn cung lý tưởng để thu hẹp khoảng cách giữa giá vàng trong nước và giá vàng thế giới là phải khoảng 10.000 - 15.000 lượng vàng.
Ông Phương cho rằng, NHNN cần tổ chức thêm nhiều phiên đấu thầu nữa để tăng ổn định nguồn cung mới đủ tác động đến thị trường vàng, giúp co hẹp sự chênh lệch của giá vàng trong nước và thế giới.
Tuy vậy, ông Phương cho rằng, đấu thầu vàng chỉ là giải pháp tình thế để bình ổn giá. “Thị trường vàng Việt Nam không chỉ có vàng miếng SJC mà còn nhiều loại vàng nguyên liệu khác. Việc đấu thầu chỉ giải quyết vấn đề ở vàng miếng SJC, còn nhiều loại vàng khác trong nước cũng vẫn cần nguồn cung để đáp ứng nhu cầu thị trường”, ông Phương nhận định.
Theo ông Phương, để thu hẹp khoảng cách giữa vàng trong nước so với vàng thế giới, NHNN cần tạo cơ chế cho các doanh nghiệp trong nước chủ động nhập khẩu vàng dưới sự giám sát của NHNN, có thể bằng cách sửa Nghị định 24.
Trước diễn biến khó lường và chênh cao về giá vàng so với thế giới, tại cuộc họp Ban chỉ đạo điều hành giá hôm nay (24/4), Phó thủ tướng Lê Minh Khái yêu cầu Ngân hàng Nhà nước thực hiện nghiêm túc các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về quản lý mặt hàng vàng. Trước mắt phải đảm bảo cung cầu, giá hợp lý. Về lâu dài, Phó Thủ tướng yêu cầu NHNN cần sửa Nghị định 24 về quản lý thị trường vàng để có cơ chế phù hợp, ổn định kinh tế vĩ mô và đáp ứng nhu cầu của người dân.
"Tất cả phải vì lợi ích chung, lợi ích của nhân dân, kiên quyết đấu tranh chống tình trạng thổi giá, chống lợi ích nhóm, hạn chế gia tăng lạm phát kỳ vọng, ổn định tâm lý người tiêu dùng và doanh nghiệp", Phó Thủ tướng Lê Minh Khái nhấn mạnh.
Sáng nay, NHNN sẽ tiếp tục tổ chức đấu thầu vàng miếng với tổng khối lượng dự kiến tiếp tục là 16.800 lượng. Tỷ lệ đặt cọc là 10%. Khối lượng đấu thầu tối thiểu của một thành viên là 1.400 lượng, khối lượng đấu thầu tối đa của một thành viên là 2.000 lượng.