HAPPYFOOD - Bữa ăn ngon cho gia đình hạnh phúc - Make Family Happy!

DongABank: Hành trình từ hào quang đến chuyển giao vì yếu kém

Nhị Hà

(Thị trường tài chính) - DongABank, từng là biểu tượng tiên phong trong lĩnh vực ngân hàng tự động và phát triển dịch vụ thẻ tại Việt Nam, nay đối mặt với yêu cầu chuyển giao bắt buộc do những yếu kém nghiêm trọng sau gần một thập kỷ nằm trong diện kiểm soát đặc biệt.

Hai ngân hàng trong diện kiểm soát đặc biệt

Chính phủ vừa yêu cầu Ngân hàng Nhà nước (NHNN) khẩn trương trình phương án chuyển giao bắt buộc đối với hai ngân hàng trong diện kiểm soát đặc biệt là GPBank và DongABank trước ngày 20/12. Đây là nội dung quan trọng được nêu rõ trong Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 11.

GPBank và DongABank là hai ngân hàng thương mại cổ phần đang trong diện kiểm soát đặc biệt, nhưng đến nay vẫn chưa có phương án chuyển giao sau gần một thập kỷ tự tái cơ cấu.

DongABank: Hành trình từ hào quang đến chuyển giao vì yếu kém - ảnh 1
DongABank từng là cái tên nổi bật trên thị trường tài chính ngân hàng Việt Nam.

GPBank đã được NHNN mua lại với giá 0 đồng vào năm 2015, trong khi DongABank bị đặt vào diện kiểm soát đặc biệt từ năm 2015 do các vi phạm nghiêm trọng về quản lý tài chính và cấp tín dụng.

DongABank từng lập nhiều kỷ lục

DongABank từng là cái tên nổi bật trên thị trường tài chính ngân hàng Việt Nam. Thành lập từ năm 1992 với vốn điều lệ ban đầu chỉ 20 tỷ đồng, ngân hàng này đã dẫn đầu trong lĩnh vực ngân hàng tự động từ 2002-2007.

Đặc biệt, năm 2007, DongABank ghi dấu với kỷ lục Guinness nhờ dòng máy ATM TK21 hiện đại, cho phép nộp tiền trực tiếp với nhiều mệnh giá khác nhau. Năm 2012, DongABank tiếp tục lập kỷ lục với máy bán vàng tự động đầu tiên tại Việt Nam.

Tuy nhiên, những sai lầm nghiêm trọng trong quản lý của lãnh đạo cấp cao đã khiến DongABank rơi vào khủng hoảng kéo dài.

Ngày 13/8/2015, DongABank chính thức bị đặt vào diện kiểm soát đặc biệt. Các sai phạm của ông Trần Phương Bình - nguyên Tổng Giám đốc, cùng nhiều lãnh đạo và nhân viên đã khiến ngân hàng thiệt hại hàng nghìn tỷ đồng.

Vụ án được chia thành hai giai đoạn điều tra và xét xử. Giai đoạn đầu, ông Trần Phương Bình cùng Phan Văn Anh Vũ (Vũ "Nhôm") và 24 đồng phạm bị cáo buộc tham ô, gây thất thoát 3.600 tỷ đồng. Giai đoạn hai, ông Bình và 11 đồng phạm tiếp tục bị truy tố vì làm thiệt hại thêm 8.827 tỷ đồng thông qua các thủ đoạn nâng khống giá trị tài sản bảo đảm, tạo pháp nhân khống, và cho vay sai quy định.

Kể từ khi bị kiểm soát đặc biệt, DongABank không còn công bố báo cáo tài chính. Lần công bố gần nhất là báo cáo tài chính năm 2014, trước khi ngân hàng rơi vào diện kiểm soát.

Ngày 18/6/2024, ông Trần Phương Bình qua đời, khép lại chương đầy biến động của vị lãnh đạo gắn liền với tên tuổi DongABank.

Quyết định của Chính phủ lần này thể hiện quyết tâm thúc đẩy quá trình tái cơ cấu hệ thống ngân hàng, xử lý dứt điểm các tổ chức tín dụng yếu kém. Phương án chuyển giao bắt buộc GPBank và DongABank trước ngày 20/12 sẽ là bước quan trọng trong lộ trình này.