HAPPYFOOD - Bữa ăn ngon cho gia đình hạnh phúc - Make Family Happy!

Đấu thầu vàng miếng: Chuyên gia dự báo giá vàng sẽ giảm mạnh

Nhị Hà (Tổng hợp)

(Thị trường tài chính) - Với động thái mở lại kênh đấu thầu thị trường vàng, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) kỳ vọng việc tăng cung sẽ xử lý tình trạng chênh lệch cao giữa giá trong nước và thế giới.

Sắp đấu thầu vàng miếng

Ngày 15/4, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) phát đi thông báo về việc cơ quan này dự kiến tổ chức đấu thầu vàng miếng trong tuần này để tăng cung cho thị trường và thu hẹp khoảng cách với giá thế giới. Như vậy, đây là lần đầu tiên kể từ năm 2013, NHNN mới tổ chức lại các phiên đấu thầu vàng miếng.

Mục đích của đợt đấu thầu vàng miếng SJC sắp tới là để đáp ứng như cầu thị trường, xử lý tình trạng giá vàng miếng trong nước và giá vàng quốc tế chênh lệch ở mức cao, bảo đảm thị trường vàng hoạt động ổn định theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Đấu thầu vàng miếng: Chuyên gia dự báo giá vàng sẽ giảm mạnh - ảnh 1
Ảnh minh họa 

Dự kiến phiên đấu thầu vàng miếng sẽ diễn ra tại Cục Quản lý dự trữ ngoại hối Nhà nước. Các tổ chức tín dụng và các doanh nghiệp (DN) sẽ phải xác thực thông tin và đặt cọc trước khi dự thầu. Trong phòng đấu thầu có 2 màn hình lớn, một màn hình cập nhật diễn biến giá vàng thế giới, một màn hình thông tin về giá vàng trong nước theo thời gian thực. Đây sẽ là dữ liệu cơ sở để các đơn vị tham gia tính toán phương án bỏ thầu.

Các đơn vị sẽ có khoảng 30 phút để quyết định khối lượng và giá mua. Một giờ sau khi đóng thầu, NHNN sẽ công bố kết quả.

Hiện có 26 đơn vị bao gồm cả NH Thương mại và DN kinh doanh vàng thiết lập quan hệ giao dịch vàng miếng với NHNN. Trong đó, đến thời điểm này có khoảng 15 đơn vị đủ điều kiện tham gia đấu thầu.

Với động thái mở lại kênh đấu thầu thị trường vàng, NHNN kỳ vọng việc tăng cung sẽ xử lý tình trạng chênh lệch cao giữa giá trong nước và thế giới.

Đấu thầu vàng miếng sẽ giúp giá vàng giảm mạnh 

Đánh giá về động thái này của NHNN, trên Vietnambiz TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV, Thành viên Hội đồng tư vấn Chính sách Tài chính - Tiền tệ Quốc gia, cho rằng câu chuyện đấu thầu vàng không phải chưa từng diễn ra mà đã từng thực hiện hồi năm 2013 với khoảng 76 lượt đấu thầu vàng.

"Tôi cho rằng lần này NHNN cũng đang cho vận hành nghiệp vụ này trở lại nhằm tăng tính công khai, minh bạch và tăng nguồn cung vàng trong nền kinh tế Việt Nam để qua đó giảm chênh lệch giữa trong nước và quốc tế", ông nói.

Chuyên gia đánh giá động thái này sẽ góp phần giảm chênh lệch giữa giá vàng Việt Nam với giá vàng trên thế giới cũng như chênh lệch giữa giá vàng SJC với giá vàng của các thương hiệu khác.

Phân tích thêm về bối cảnh năm 2013 khi NHNN từng thực hiện động thái đấu thầu vàng, ông Lực cho biết năm 2013 và các năm trước đó, câu chuyện vàng hóa rất nóng trong nền kinh tế.

Thời điểm đó, NHNN cho phép vay mượn bằng vàng, tức là các ngân hàng có thể vay vàng, cho vay vàng và thanh toán bằng vàng. Chính vì vậy, mức độ vàng hóa ở thời điểm đó rất cao và đã gây ra nhiều biến động trên thị trường.

Sau đó, Nghị định 24 ra đời và đã cơ bản hoàn thành sứ mệnh chống vàng hóa. Tuy nhiên, đến nay vẫn có một vấn đề chưa giải quyết được là quan hệ cung cầu chưa cân bằng. Chính vì vậy Thủ tướng đã chỉ đạo NHNN cần phải sớm lấy lại cân bằng giữa quan hệ cung cầu về vàng và thu hẹp chênh lệch giá giữa vàng trong nước và vàng thế giới.

"Chúng ta phải nhập khẩu một số lượng vàng nhất định bởi nguồn cung trong nước không đủ. Tuy nhiên, số lượng nhập khẩu là bao nhiêu thì các cơ quan quản lý và các bộ ngành có liên quan sẽ phải tính toán để phù hợp với thời điểm hiện tại. Phải làm sao vừa kiểm soát cung cầu, vừa đảm bảo dự trữ ngoại hối của Việt Nam, qua đó góp vào ổn định tỷ giá, kinh tế vĩ mô", TS. Lực cho biết.

Theo ông, về cơ bản, NHNN đã có phương án để khắc phục vấn đề của thị trường vàng, sắp tới quan trọng là phải nhất quán trong triển khai thực hiện.

Ông Lực dự báo NHNN sẽ sớm ổn định được thị trường vàng, giải quyết quan hệ cung cầu. Tuy nhiên, giá vàng biến động mạnh trong thời gian qua, chủ yếu do giá vàng quốc tế. Từ đầu năm đến nay, giá vàng quốc tế đã tăng gần 20%, trong nước tăng 12-13% và chủ yếu do địa chính trị, rủi ro tăng lên, xung đột ở Trung Đông và một số khu vực khác.

Vì vậy, thị trường vàng còn phụ thuộc vào câu chuyện quốc tế, các xu hướng xung đột trên thế giới. Sắp tới, nếu thị trường ngoại hối biến động mạnh thì NHNN cũng sẵn sàng can thiệp bằng cách dùng nhiều nguồn lực khác nhau trong đó có việc sử dụng dự trữ ngoại hối.

Dù vậy, NHNN đã có kinh nghiệm để xử lý vấn đề này như việc phát hành tín phiếu NHNN để tăng lãi suất liên ngân hàng qua đó giảm lãi suất USD – VND, qua đó giảm áp lực tỷ giá tương đối đáng kể.

Chiều 16/3, giá vàng mất mốc 84 triệu đồng/lượng. Cụ thể, Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) niêm yết giá vàng miếng SJC ở mức 81,7 - 83,7 triệu đồng/lượng, giảm 600.000 đồng so với cuối phiên trước. Trước đó, giá mua - bán vàng được niêm yết ở mức 82,3 - 84,3 triệu đồng/lượng vào giờ mở cửa, tăng 200.000 đồng/lượng so với cuối ngày 15-4. Đến trưa, vàng giảm về 82 - 84 triệu đồng/lượng.

Vàng nhẫn cũng đi lùi trong phiên hôm nay. Buổi trưa, giá vàng nhẫn SJC 1 chỉ, 2 chỉ, 5 chỉ tại SJC ở mức 75 - 76,9 triệu đồng/lượng, nhưng hiện tại chỉ còn 74,8 - 76,7 triệu đồng/lượng.