Chủ tịch HĐTV Agribank Phạm Đức Ấn: Để hỗ trợ tăng trưởng mấu chốt tăng cường chính sách tài khóa
Tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ ngành Ngân hàng, Chủ tịch HĐTV Agribank Phạm Đức Ấn kiến nghị, để hỗ trợ cho tăng trưởng năm nay, việc kích thích sản xuất, tiêu dùng trong nước là rất quan trọng mà mấu chốt là việc tăng cường chính sách tài khoá, giải pháp thúc đẩy đầu tư công ngay từ đầu năm, đồng thời tháo gỡ vướng mắc về pháp lý liên quan đến dự án đầu tư, xây dựng, phòng cháy, chữa cháy, môi trường...
Dưới giác độ của đơn vị trực tiếp kinh doanh, Agribank nhận thấy, năm 2023, vấn đề tăng trưởng kinh tế, lạm phát, tỷ giá là những bài toán gây đau đầu cho hầu hết các quốc gia trên khắp thế giới, nhất là các nền kinh tế lớn. Việt Nam, mặc dù cũng phải đương đầu với nhiều khó khăn, thách thức nhưng chúng ta đã vượt qua để đạt những kết quả ấn tượng, với kinh tế vĩ mô ổn định, thuộc nhóm có nước tăng trưởng kinh tế cao nhất, tỷ giá, lạm phát được kiểm soát.
Đặc biệt, trong giai đoạn mà các nước, nhất là Mỹ thực hiện các biện pháp thắt chặt tiền tệ nhưng Việt Nam vẫn chủ động điều hành nới lỏng có kiểm soát để hỗ trợ nền kinh tế, đồng thời tỷ giá vẫn ổn định, duy trì được tăng trưởng đầu tư nước ngoài, tăng dự trữ ngoại hối. Đóng góp quan trọng vào kết quả đó là nhờ điều hành sát sao, linh hoạt, quyết liệt và bản lĩnh của Chính phủ, các bộ, ngành và NHNN. Về phía Agribank, cùng với nhận định chung năm 2023 là năm mà kinh tế vĩ mô sẽ tiếp tục khó khăn và tác động tiêu cực nhiều hơn đối với khách hàng vay vốn so với năm 2022, chính vì vậy, thực hiện chủ trương của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và NHNN, ngay từ đầu năm Agribank đã đề ra nhiều giải pháp để hoàn thành kế hoạch kinh doanh mà trong đó là trọng tâm là cải tiến thủ tục cho vay, hỗ trợ khách hàng vay vốn với quan niệm giúp cho khách hàng cũng là tạo điều kiện cho chính mình.
Chủ tịch HĐTV Agribank Phạm Đức Ấn phát biểu tại Hội nghị |
Theo đó, trong khả năng tài chính, Agribank đã triển khai 8 lần điều chỉnh giảm lãi suất cho vay cho nhiều đối tượng khách hàng với mức giảm lớn nhất 4%/năm; tính chung cả năm 2023, tổng số lãi Agribank hỗ trợ cho khách hàng là khoảng 4.850 tỷ đồng. Agribank triển khai 13 chương trình tín dụng ưu đãi quy mô 200.000 tỷ đồng với lãi suất ưu đãi thấp hơn từ 2-3%/năm so với lãi suất cho vay thông thường; thực hiện chính sách cơ cấu lại thời hạn trả nợ giữ nguyên nhóm nợ cho khách hàng khó khăn về dòng tiền trả nợ.
Hết năm 2023, Agribank hoàn thành các chỉ tiêu như huy động vốn với 1 triệu 885 ngàn tỷ, dư nợ cho vay 1 triệu 550 ngàn tỷ trong đó trên 60% dành cho “Tam nông”, tỷ lệ nợ xấu thấp hơn mức NHNN giao, lợi nhuận nộp ngân sách thực hiện đúng cam kết đảm bảo để Agribank được tăng vốn điều lệ 17.100 theo Đề án Chính phủ trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 5…
Năm 2024, các tổ chức tài chính quốc tế và chuyên gia đã nhận định nền kinh tế thế giới vẫn tiếp tục đà giảm tốc, nhất là các nền kinh tế lớn như Mỹ, Trung Quốc, kinh tế châu Âu khả năng phục hồi nhẹ; kiềm chế lạm phát vẫn là ưu tiên của nhiều quốc gia. Những bất ổn ảnh hưởng lớn, tiêu cực đến nền kinh tế thế giới ngày càng trở nên khó đoán định. Vì vậy, hoạt động sản xuất, xuất khẩu hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam tiếp tục gặp khó khăn.
Để hỗ trợ cho tăng trưởng năm nay, việc kích thích sản xuất, tiêu dùng trong nước là rất quan trọng mà mấu chốt là việc tăng cường chính sách tài khóa, giải pháp thúc đẩy đầu tư công ngay từ đầu năm, đồng thời tháo gỡ vướng mắc về pháp lý liên quan đến dự án đầu tư, xây dựng, phòng cháy, chữa cháy, môi trường, từ đó sẽ thúc đẩy tăng nhu cầu sử dụng vốn tín dụng, hỗ trợ doanh nghiệp duy trì được hoạt động, từng bước vượt qua khó khăn và đóng góp cho tăng trưởng kinh tế. Chính phủ cần sớm xây dựng chính sách hỗ trợ tăng trưởng xanh như giảm, miễn thuế, chính sách hỗ trợ lãi suất đồng hành cùng các tổ chức tín dụng để khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp nghiên cứu, cải tiến, chuyển đổi sản xuất đáp ứng các tiêu chuẩn bảo vệ môi trường, sản xuất xanh của các nước nhập khẩu đang và sẽ áp dụng. Đây là thách thức mới ngày càng tăng đối với doanh nghiệp Việt Nam.
Ngoài ra, Chính phủ cũng cần có cơ chế cụ thể để Bộ Kế hoạch Đầu tư đưa vào kế hoạch bố trí ngân sách nhà nước cấp bù lãi suất cho ngân hàng thương mại thực hiện chính sách này. Hiện nay, Agribank vẫn còn gần 2.500 tỷ đồng thực hiện chính sách hỗ trợ lãi suất giai đoạn 2009 - 2010 nhưng vẫn chưa được bố trí ngân sách cấp bù. Do điều kiện khó khăn kéo dài, mang tính dây chuyền cho nên đến nay, đa số các doanh nghiệp đều bị ảnh hưởng tiêu cực.
Nhiều doanh nghiệp có nợ nhóm 1 khả năng đang đối diện với nguy cơ không trả được nợ gốc hoặc lãi đúng hạn vì không thu được tiền hàng do đối tác gặp khó khăn. Vì vậy, đề nghị NHNN cần sớm sửa đổi Thông tư 02 cho phép TCTD được cơ cấu nợ giữ nguyên nhóm nợ với thời gian hợp lý để hỗ trợ doanh nghiệp. Việc triển khai chậm cơ chế này sẽ dễ dẫn đến các doanh nghiệp áp dụng các giải pháp tiêu cực để giữ nguyên nhóm nợ.
Cuối cùng, liên quan đến vấn đề cổ phần hóa Agribank, theo quy định tại Nghị định 126, việc cổ phần hóa chỉ được triển khai sau khi có phương án sắp xếp xử lý cơ sở nhà đất được phê duyệt. Trong khi đó, nguồn gốc hình thành, tình trạng pháp lý của các cơ sở nhà đất của Agribank có nhiều vướng mắc nên việc xử lý kéo dài. Mặc dù rất cố gắng nhưng trong năm 2023 cũng chỉ xử lý được 12 mảnh, hiện còn 29 mảnh/2.174 mảnh vẫn chưa giải quyết được.
Agribank sẵn sàng bàn giao nguyên trạng cho địa phương 29 mảnh còn vướng mắc này để triển khai cổ phần hóa. Do vậy, ngân hàng kính đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo vấn đề này mà không chờ xử lý tổng thể sau khi Luật Đất đai mới được thông qua và có hiệu lực.