Bộ Công an chịu trách nhiệm chính trong phòng, chống tiền giả
Thitruongtaichinh - Bộ Công an chịu trách nhiệm chính, toàn diện trong công tác phòng, chống tiền giả và bảo vệ tiền Việt Nam, chủ trì phối hợp với Ngân hàng Nhà nước và các cơ quan chức năng hướng dẫn và chỉ đạo các đơn vị liên quan trong công tác phòng, chống tiền giả và bảo vệ tiền.
Nghị định 87/2023/NĐ-CP có hiệu lực từ 2/2/2024 quy định việc phát hiện, thu giữ, xử lý tiền giả, tạm thu giữ tiền nghi giả, tiền nghi hủy hoại trái pháp luật; phát hiện, thu giữ, xử lý tiền bị hủy hoại trái pháp luật; giám định tiền giả, tiền nghi giả; quản lý sao, chụp hình ảnh tiền Việt Nam và trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước, tổ chức, cá nhân trong phòng, chống tiền giả và bảo vệ tiền Việt Nam.
Về phát hiện, thu giữ tiền giả, tạm thu giữ tiền nghi giả, theo Nghị định 87/2023/NĐ-CP, trong các hoạt động, giao dịch có liên quan đến tiền mặt, Ngân hàng Nhà nước, các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, Kho bạc Nhà nước, cơ quan Công an, cơ quan có thẩm quyền của Quân đội, Hải quan thực hiện đối chiếu với các đặc điểm bảo an trên tiền thật cùng loại hoặc thông báo về đặc điểm và cách nhận biết tiền Việt Nam của Ngân hàng Nhà nước đã công bố để xác định là tiền thật hay tiền giả.
Trường hợp phát hiện tiền giả, Ngân hàng Nhà nước, các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, Kho bạc Nhà nước, cơ quan Công an, cơ quan có thẩm quyền của Quân đội, Hải quan thực hiện thu giữ và lập biên bản; Nếu phát hiện tiền nghi giả, thực hiện tạm thu giữ và lập biên bản theo mẫu.
Trong thời gian tối đa 5 ngày làm việc kể từ ngày thu giữ tiền giả hoặc tạm thu giữ tiền nghi giả, tổ chức thu giữ tiền giả, tạm thu giữ tiền nghi giả có trách nhiệm lập 1 bộ hồ sơ đề nghị giám định tiền giả trong trường hợp có yêu cầu giám định, lập 1 bộ hồ sơ đề nghị giám định tiền nghi giả theo quy định tại khoản 2 Điều 5 Nghị định này và gửi đến cơ quan giám định của Bộ Công an hoặc Ngân hàng Nhà nước để thực hiện giám định.
Trường hợp tổ chức, cá nhân không chấp hành việc lập biên bản, thu giữ tiền giả, tạm thu giữ tiền nghi giả, Ngân hàng Nhà nước, các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, Kho bạc Nhà nước thông báo ngay đến cơ quan Công an nơi gần nhất để phối hợp xử lý.
Bên cạnh đó, Nghị định còn quy định về giám định tiền giả, tiền nghi giả. Theo đó, cơ quan, tổ chức, cá nhân có yêu cầu giám định tiền giả, tiền nghi giả để xác định tính xác thực của đồng tiền thực hiện lập 1 bộ hồ sơ theo quy định và nộp trực tiếp đến cơ quan giám định của Bộ Công an hoặc Ngân hàng Nhà nước.
Về trách nhiệm của Bộ Công an, Nghị định nêu rõ, Bộ Công an chịu trách nhiệm chính, toàn diện trong công tác phòng, chống tiền giả và bảo vệ tiền Việt Nam, chủ trì phối hợp với Ngân hàng Nhà nước, Bộ Quốc phòng, Bộ Tài chính, Bộ Thông tin và Truyền thông và các bộ, ngành liên quan hướng dẫn và chỉ đạo các đơn vị liên quan trong công tác phòng, chống tiền giả và bảo vệ tiền Việt Nam. Đồng thời, chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành có liên quan trong hợp tác quốc tế về phòng, chống tội phạm tiền giả.