App ngân hàng “tắc đường” dịp Tết, bỏ túi bí kíp để không “khóc mếu”
(Thị trường tài chính) - Sát Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, nhu cầu giao dịch tài chính tăng đột biến, kéo theo đó là tình trạng hệ thống ngân hàng online bị nghẽn. Các ứng dụng ngân hàng liên tục báo lỗi, không thể truy cập hoặc thực hiện giao dịch, khiến nhiều khách hàng rơi vào cảnh "khóc dở mếu dở".
Ám ảnh lỗi hệ thống
Chị Minh Thu, nhân viên văn phòng tại Hà Nội chia sẻ, trong ngày cận Tết, chị đặt mua một số đồ ăn đặc sản để làm quà biếu. Tuy nhiên, khi tiến hành chuyển khoản qua ứng dụng ngân hàng, chị nhận được thông báo hệ thống bị lỗi. "Tôi đã thử lại nhiều lần nhưng không được, sau cùng phải nhờ người thân chuyển khoản hộ. Thật sự rất phiền phức!" chị Thu chia sẻ.
Tình trạng tương tự cũng xảy ra với anh Hoàng Nam, chủ cửa hàng kinh doanh quà Tết tại Hà Nội. Anh Nam kể, những ngày cuối năm, cửa hàng của anh phải xử lý hàng trăm đơn đặt hàng lớn nhỏ mỗi ngày, phần lớn khách chọn thanh toán qua chuyển khoản ngân hàng. Tuy nhiên, vào đúng lúc cao điểm, hệ thống ngân hàng bị lỗi khiến nhiều khách hàng không thể hoàn tất giao dịch.
"Khách gọi điện liên tục phàn nàn vì không chuyển được tiền, có người còn nghi ngờ tôi cố tình trì hoãn giao dịch. Tôi vừa phải giải thích với khách, vừa loay hoay tìm cách xử lý sự cố. Tình trạng này không chỉ làm gián đoạn công việc kinh doanh mà còn khiến tôi mất thời gian và căng thẳng trong những ngày cận Tết”, anh Nam chia sẻ.

Không chỉ các giao dịch liên quan đến mua sắm, việc nghẽn hệ thống ngân hàng còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến nhiều khách hàng có nhu cầu thanh toán hóa đơn, chạy doanh số hoặc chuyển khoản lương cho nhân viên trong những ngày cuối năm.
Anh Lê Hải, Giám đốc một doanh nghiệp vận tải tại Đà Nẵng, cho biết: "Doanh nghiệp chúng tôi phụ thuộc rất nhiều vào giao dịch online do phải chuyển tiền thanh toán các dịch vụ và đảm bảo quà Tết cho nhân viên. Khi app ngân hàng nghẽn, chúng tôi gặp rất nhiều rắc rối trong việc quản lý tài chính”.
Tiền mặt và tài khoản dự phòng: 'Cứu tinh' mùa cao điểm
Trên các mạng xã hội, một số khách hàng đã bày tỏ sự bức xúc khi giao dịch của ngân hàng Vietinbank bị gián đoạn vào ngày 27 Tết, thời điểm cao điểm mua sắm và chi tiêu dịp Tết. Nhiều người cũng phản ánh rằng tiền chuyển khoản chưa tới tay người nhận hoặc không thể thực hiện giao dịch qua ứng dụng ngân hàng.
Theo thông tin từ VietinBank, hệ thống ngân hàng bị quá tải do lượng giao dịch tăng đột biến trong những ngày cuối năm. Ngân hàng này đã lên tiếng xin lỗi khách hàng và cam kết sẽ khắc phục trong thời gian sớm nhất. Tuy nhiên, sự cố này đặt ra một vấn đề lớn hơn: liệu hạ tầng công nghệ của các ngân hàng đã đáp ứng được nhu cầu giao dịch tăng cao trong bối cảnh xu hướng thanh toán không dùng tiền mặt ngày càng phổ biến?
Không chỉ riêng VietinBank, một số ngân hàng lớn như TPBank, BIDV, Techcombank,… cũng gặp tình trạng nghẽn hệ thống trong thời gian cao điểm cuối năm.

Giới chuyên gia nhận định rằng, để tránh lặp lại tình trạng trên, các ngân hàng cần nâng cấp hệ thống xử lý giao dịch với công nghệ hiện đại hơn, đồng thời dự báo và chuẩn bị tốt cho các đợt cao điểm giao dịch. Điều này không chỉ giúp nâng cao trải nghiệm khách hàng mà còn củng cố niềm tin của người dân vào dịch vụ ngân hàng điện tử.
Bên cạnh đó, từ phía người dùng, việc chủ động có các phương án dự phòng là điều cần thiết. Chị Hồng Nhung, một người nội trợ tại Hà Nội chia sẻ kinh nghiệm: "Tôi luôn để sẵn một khoản tiền mặt trong nhà để phòng những tình huống bất ngờ. Ngoài ra, tôi còn có hai tài khoản ngân hàng ở các ngân hàng khác nhau để nếu một bên gặp sự cố thì vẫn có thể dùng tài khoản kia”.
Anh Hoàng Nam cũng rút ra bài học sau sự cố Tết năm ngoái: "Tôi đã đăng ký thêm 2 tài khoản tại các ngân hàng khác và luôn cập nhật thông tin về thời điểm hệ thống các ngân hàng thường bị nghẽn. Nhờ vậy, năm nay tôi cảm thấy yên tâm hơn và không còn lúng túng khi gặp vấn đề”.
Anh cũng khuyên các chủ kinh doanh nhỏ lẻ nên chủ động trao đổi với khách hàng về phương thức thanh toán trước, để tránh tình trạng bị động khi giao dịch. Việc sử dụng nhiều tài khoản ngân hàng dự phòng không chỉ giúp giảm rủi ro khi hệ thống một ngân hàng bị quá tải, mà còn tối ưu hóa khả năng giao dịch khi cần. Một số người dùng cũng khuyến cáo nên thực hiện giao dịch vào các khung giờ ít cao điểm hơn, chẳng hạn như sáng sớm hoặc tối muộn, để tránh tình trạng nghẽn mạng.
Còn theo các chuyên gia tài chính, trong bối cảnh các giao dịch online ngày càng phổ biến, ngân hàng cần đầu tư thêm vào trí tuệ nhân tạo (AI) và điện toán đám mây để nâng cao khả năng xử lý giao dịch. Những công nghệ này không chỉ giúp tăng cường hiệu suất mà còn hỗ trợ dự đoán và ngăn chặn các sự cố có thể xảy ra trong tương lai.