Vùng đất là nơi Nguyễn Xuân Son được trao quyết định nhập tịch: Quê hương của triều đại phong kiến thịnh trị bậc nhất nước ta với hơn 1.300 di tích
(Thị trường tài chính) -Không chỉ là “quê hương” thứ hai của Xuân Son, nơi đây còn là tỉnh thành sở hữu kho tàng văn hóa, di tích và di sản.
Sau khi kết thúc giải đấu ASEAN Cup 2024, Nguyễn Xuân Son là cái tên nhận được nhiều sự quan tâm từ người hâm mộ. Nguyễn Xuân Son là cầu thủ nhập tịch, tên nước ngoài là Bezerra Fernandes Rafaelson, 27 tuổi. Anh đã ghi tên mình vào lịch sử bóng đá Việt Nam khi trở thành cầu thủ nhập tịch đầu tiên ra sân cho đội tuyển Việt Nam tại giải đấu chính thức. Không những thế, với tài năng của mình, Xuân Son còn giành cú đúp danh hiệu Vua phá lưới và Cầu thủ xuất sắc nhất ASEAN Cup 2024.
Trước đó, ngày 15/10/2024, anh được trao quyết định cho nhập quốc tịch Việt Nam tại Sở Tư pháp Tỉnh Nam Định. Sau khi nhận quyết định, Xuân Son xúc động phát biểu: “Cả gia đình tôi đang sống ở Việt Nam. Với tôi, đây là quê hương thứ hai. Tôi thật sự rất hạnh phúc khi được trở thành công dân Việt Nam.
Tôi xin cảm ơn Ngài Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm, lãnh đạo các cơ quan bộ ngành Việt Nam, Tỉnh Nam Định, CLB Thép Xanh Nam Định đã hỗ trợ tôi để biến ước mơ thành hiện thực. Tôi xin hứa sẽ chấp hành nghiêm túc các quy định của pháp luật Việt Nam và nỗ lực hết sức mình để cống hiến cho bóng đá Việt Nam”.
Hiện nay, gia đình Xuân Son đang sinh sống ở TP. Nam Định. Anh chàng 27 tuổi đá cho CLB Thép Xanh Nam Định.
Không chỉ là “quê hương” thứ hai của Xuân Son, Nam Định còn là tỉnh thành thấm đẫm văn hóa, di tích và di sản.
Quê hương của triều đại phong kiến thịnh trị bậc nhất nước ta
Theo Đại Việt sử ký toàn thư, năm 1225, dưới sự sắp xếp của Trần Thủ Độ, Lý Chiêu Hoàng nhường ngôi cho chồng là Trần Cảnh, mở ra triều đại nhà Trần - triều đại phong kiến thịnh trị bậc nhất nước ta. Trần Cảnh lên ngôi vua và lấy hiệu là Thái Tông.
Trần Thái Tông là con thứ của Trần Thừa, mẹ họ Lê, quê ở làng Tức Mặc, nay thuộc phường Lộc Vượng, ngoại thành Nam Định.
Từ năm 1239, vua Trần Thái Tông đã cho xây dựng một hành cung ở quê hương Tức Mặc, để tiện việc thăm lại quê nhà. Đến năm 1262, Thái Thượng hoàng Trần Thái Tông đến hành cung này tổ chức yến tiệc cho dân chúng và nâng cấp làng thành phủ Thiên Trường. Ông cũng cho dựng tiếp cung Trùng Quang, nơi cho các vua đã nhường ngôi cư trú, đồng thời xây thêm một cung riêng cho các vua đương triều khi về thăm Thái Thượng hoàng.
Hơn 700 năm trôi qua, cung điện cũ đã không còn. Ngày nay, khu di tích đền Trần gồm ba công trình chính được xây dựng trên nền cung điện xưa: đền Thiên Trường (hay đền Thượng), đền Cố Trạch (hay đền Hạ) và đền Trùng Hoa. Tại đền Thiên Trường thờ 14 vua Trần; đền Cố Trạch thờ Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn và gia đình; còn đền Trùng Hoa thờ tượng đồng của 14 hoàng đế nhà Trần cùng bài vị của hội đồng các quan.
Vùng đất thấm đẫm văn hóa, lịch sử
Nam Định là mảnh đất giàu truyền thống văn hóa với hơn 1.300 di tích, trong đó có hai di tích quốc gia đặc biệt: Di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật Đền Trần và chùa Phổ Minh; Di tích kiến trúc nghệ thuật chùa Keo Hành Thiện. Nơi đây cũng có nhiều lễ hội đặc sắc gắn với các di tích lịch sử.
Nhắc đến Nam Định, dường như ai cũng nhớ ngay đến Đền Trần - nơi thờ 14 vị vua nhà Trần cùng gia quyến và các quan lại có công lớn. Nơi đây còn nổi tiếng với Lễ dâng hương khai ấn Đền Trần đầu xuân và Hội Đền Trần vào tháng 8 âm lịch hàng năm.
Một di tích khác rất nổi tiếng ở Nam Định chính là Phủ Dầy, nơi có Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại: thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt. Phủ Dầy là quần thể kiến trúc tín ngưỡng truyền thống tọa lạc tại xã Kim Thái, huyện Vụ Bản. Lễ hội Phủ Dầy gắn liền với sự tích về Thánh Mẫu Liễu Hạnh, một biểu tượng “tứ bất tử” trong tín ngưỡng dân gian với Nghi lễ chầu văn - hầu đồng.
Kể từ khi tín ngưỡng thờ Mẫu Tam Phủ của người Việt được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại vào năm 2017, lễ hội Phủ Dầy ngày càng nổi tiếng và thu hút đông đảo du khách cả trong và ngoài nước đến tham gia. Hằng năm, vào dịp lễ hội, hàng nghìn tín đồ theo đạo Mẫu và khách thập phương lại tụ họp tại Phủ Dầy để thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu, đồng thời chiêm ngưỡng vẻ đẹp của quần thể kiến trúc độc đáo và khám phá nguồn gốc của nghệ thuật hát chầu văn.
Di tích kiến trúc nghệ thuật chùa Keo Hành Thiện tọa lạc tại huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định, được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt năm 2016. Nhiều nguồn thông tin cho biết ngôi chùa được xây dựng từ năm 1062, đến nay đã gần 1.000 năm tuổi. Ngôi chùa mang đậm phong cách kiến trúc thời Hậu Lê với các chi tiết như mái ngói cong vút, cột gỗ chắc chắn và các hoa văn chạm khắc tinh xảo mang tính nghệ thuật cao. Chùa Keo lưu giữ nhiều di vật quý giá, trong đó có các tượng Phật, bia đá và những bản thảo cổ, minh chứng cho sự phát triển của Phật giáo và văn hóa dân tộc qua các thời kỳ.
Lễ hội Chùa Keo Hành Thiện được tổ chức hằng năm vào tháng 9 âm lịch, với các hoạt động như rước kiệu, tế lễ, hát văn, tái hiện các phong tục cổ truyền thu hút nhiều người tham gia.
Nơi đây để lại ấn tượng cho du khách với chợ Viềng - chợ độc nhất vô nhị ở Việt Nam. Theo quan niệm của người xưa, chợ Viềng là nơi mua may bán rủi. Chợ được họp vào đêm mùng 7, rạng sáng mùng 8 tháng Giêng âm lịch. Chợ chủ yếu bán thúng, mủng, liềm, cuốc, xẻng, cây cảnh... Từ thời xa xưa, người ta đi chợ Viềng để mua các vật dụng này với ý nghĩa sẽ giúp họ có một mùa màng bội thu, no đủ.
Ngoài đền chùa, Nam Định còn có hơn 600 ngôi thánh đường. Chính vì thế, nơi đây còn được mệnh danh là "thủ phủ" của các nhà thờ đẹp. Các nhà thờ ở Nam Định đậm kiến trúc Gothic Tây Ban Nha và Pháp vô cùng độc đáo.
Không chỉ là nơi có nhiều lễ hội văn hóa, Nam Định còn là nơi có khu Ramsar đầu tiên của Việt Nam. Vào năm 1989, khu vực bãi bồi phía Nam cửa sông Hồng thuộc huyện Xuân Thủy, Nam Định, đã được công nhận là khu Ramsar thứ 50 trên thế giới và là khu Ramsar đầu tiên ở Đông Nam Á cũng như tại Việt Nam.
Nơi đây sở hữu 14 kiểu sinh cảnh, bao gồm cả sinh cảnh tự nhiên và nhân tạo. Trong đó, các bãi bồi và rừng ngập mặn tự nhiên ít bị tác động có giá trị đa dạng sinh học cao nhất. Nhờ sự đa dạng sinh cảnh và tình trạng tương đối nguyên vẹn, Vườn quốc gia Xuân Thủy đã trở thành nơi trú ngụ và dừng chân quan trọng của các loài chim nước di cư.
Một trong những điểm nổi bật của Xuân Thủy là sự tồn tại của quần thể cò thìa lớn nhất Việt Nam. Với tầm quan trọng quốc tế trong công tác bảo tồn các loài chim, Xuân Thủy đã được công nhận là một trong những vùng chim quan trọng tại Việt Nam.