HAPPYFOOD - Bữa ăn ngon cho gia đình hạnh phúc - Make Family Happy!

Tỉnh đông dân nhất Việt Nam muốn đưa ngôi làng phát hiện di cốt người tiền sử thành điểm du lịch cộng đồng

Manh Lan

(Thị trường tài chính) - Các nhà khảo cổ đã phát hiện ở ngôi làng cổ này cụm mộ cổ 3 người chôn chung, có niên đại khoảng 5.000-6.000 năm.

Cơ quan chức năng huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa, đang triển khai kế hoạch khảo sát và phát triển làng cổ Tiên Hòa tại xã Hà Lĩnh thành một địa điểm du lịch cộng đồng, nhằm phát huy tiềm năng du lịch của khu vực này.

Bà Phan Thị Lan, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Hà Trung, cho biết đơn vị đang lên kế hoạch thực hiện khảo sát và tổ chức hội thảo để phát triển du lịch cộng đồng tại làng cổ Tiên Hòa. Đây là một phần trong đề án phát triển du lịch huyện Hà Trung đến năm 2030.

Tỉnh đông dân nhất Việt Nam muốn đưa ngôi làng phát hiện di cốt người tiền sử thành điểm du lịch cộng đồng - ảnh 1
Làng cổ Tiên Hòa. Ảnh: Trịnh Xuân Lục/Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Trước đó, vào tháng 5, UBND huyện Hà Trung đã mời các chuyên gia du lịch và văn hóa về khảo sát tiềm năng du lịch tại năm xã: Hà Long, Hà Lĩnh, Hà Tiến, Hà Sơn và Hà Ngọc. Theo đánh giá sơ bộ từ các chuyên gia, huyện Hà Trung có tiềm năng lớn để phát triển du lịch cộng đồng, với vùng lõi là làng cổ Tiên Hòa và các xã phụ cận như Hà Long, Hà Tiến, Hà Sơn, và Hà Ngọc.

Làng cổ Tiên Hòa, được biết đến với tên gọi Kẻ Khao trước đây, là một ngôi làng có lịch sử lâu đời, vẫn giữ được nhiều nét kiến trúc và văn hóa truyền thống. Vào khoảng năm 1650, làng Tiên Hòa được tách thành hai thôn: Tiên Hòa Sơn và Tiên Hòa Bái.

Tỉnh đông dân nhất Việt Nam muốn đưa ngôi làng phát hiện di cốt người tiền sử thành điểm du lịch cộng đồng - ảnh 2
Những dãy núi nằm xen kẽ giữa những cánh đồng trong làng tạo nên bức tranh tươi đẹp. Ảnh: Trịnh Xuân Lục/Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Trong đợt khai quật năm 2013, các nhà khoa học đã phát hiện di chỉ khảo cổ học Cồn Cổ Ngựa, thuộc nền Văn hóa Đa Bút, có niên đại khoảng 5.000-6.000 năm. Tại đây, nhiều hiện vật như rìu, đục bằng đá, dao, chày nghiền, và bàn nghiền của người nguyên thủy đã được tìm thấy, cùng với 146 di cốt người tiền sử. Đặc biệt, cụm mộ cổ gồm ba cá thể được chôn cùng tại một thời điểm trong tư thế mai táng ngồi co bó gối, hiện được lưu giữ tại bảo tàng tỉnh Thanh Hóa.

Tỉnh đông dân nhất Việt Nam muốn đưa ngôi làng phát hiện di cốt người tiền sử thành điểm du lịch cộng đồng - ảnh 3
Cụm mộ cổ gồm 3 cá thể được chôn cùng nhau. Ảnh: Báo Dân Trí

Trải qua nhiều biến động, làng Tiên Hòa vẫn giữ được phần đất rộng lớn phía Tây xã Hà Lĩnh, bao bọc bởi núi, rừng và đồi đất. Dân cư trong làng được phân bố theo 12 ngõ hạng với những tên riêng như Ngõ Mã, ngõ Thượng, ngõ Cừa, ngõ Cụt, ngõ Hát, ngõ Trung, ngõ Đình, ngõ Chùa, ngõ Trôi, ngõ Nghè, và ngõ Giếng Đào. Kiến trúc ngõ hạng độc đáo là dấu tích lịch sử và nét văn hóa đặc trưng của làng cổ Tiên Hòa.

Tỉnh đông dân nhất Việt Nam muốn đưa ngôi làng phát hiện di cốt người tiền sử thành điểm du lịch cộng đồng - ảnh 4
Các ngõ cổ rêu phong đi chung quanh làng. Ảnh: Báo điện tử Pháp Luật thành phố Hồ Chí Minh
Tỉnh đông dân nhất Việt Nam muốn đưa ngôi làng phát hiện di cốt người tiền sử thành điểm du lịch cộng đồng - ảnh 5
Nhà sinh hoạt văn hóa cộng đồng của làng. Ảnh: Báo điện tử Pháp Luật thành phố Hồ Chí Minh

"Với những tiềm năng và giá trị lịch sử, văn hóa của mình, làng Tiên Hòa hứa hẹn sẽ trở thành điểm đến du lịch cộng đồng hấp dẫn, đặc biệt đối với những du khách yêu thích văn hóa và trải nghiệm," bà Lan chia sẻ.

Việc phát triển du lịch cộng đồng tại làng cổ Tiên Hòa không chỉ giúp bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống mà còn góp phần thúc đẩy kinh tế địa phương, mang lại lợi ích thiết thực cho cộng đồng dân cư nơi đây.

Thanh Hóa là tỉnh nằm ở khu vực phía Bắc Trung Bộ, có diện tích hơn 11.000km2 và là tỉnh rộng thứ 5 cả nước.

Với dân số 3,72 triệu người (số liệu thống kê năm 2022), tỉnh Thanh Hóa được xem là địa phương có dân cư đông nhất Việt Nam, chỉ sau 2 thành phố trực thuộc Trung ương là TP. HCM và TP. Hà Nội.

Ý kiến bạn đọc