Tỉnh có nhiều khu công nghiệp nhất Việt Nam là 'vùng đất vàng', có siêu dự án sân bay lớn bậc nhất Châu Á - Thái Bình Dương

Linh Chi

(Thị trường tài chính) -Theo quy hoạch, đến năm 2030, tỉnh sẽ phát triển nhanh chóng và phấn đấu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2050, với mục tiêu là trung tâm công nghiệp công nghệ cao và có hệ thống hạ tầng đồng bộ, hiện đại.

Theo Cổng thông tin điện tử tỉnh Đồng Nai, nơi đây được coi là "vùng đất vàng" của Việt Nam với nhiều khu công nghiệp nhất cả nước. Thống kê đến năm 2023, tỉnh có 33 khu công nghiệp với tổng diện tích hơn 10.500 ha, trong đó 31 khu đã đi vào hoạt động, đạt tỷ lệ lấp đầy gần 86%. Đồng Nai thu hút đầu tư từ khoảng 43 quốc gia, với Hàn Quốc là nước dẫn đầu, cùng các tập đoàn lớn như Samsung, LG và Hyosung...

Tỉnh có nhiều khu công nghiệp nhất Việt Nam là 'vùng đất vàng', có siêu dự án sân bay lớn bậc nhất Châu Á - Thái Bình Dương - ảnh 1
Khu công nghiệp Biên Hòa. Ảnh: Internet

Theo quy hoạch, đến năm 2030, Đồng Nai sẽ phát triển nhanh chóng và phấn đấu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2050, với mục tiêu là trung tâm công nghiệp công nghệ cao và có hệ thống hạ tầng đồng bộ, hiện đại.

Không chỉ phát triển công nghiệp, Đồng Nai còn nhận được nhiều quan tâm khi thu hút loạt dự án lớn. Trong đó phải kể đến "siêu dự án" sân bay Long Thành rộng 5.000ha, có tổng mức đầu tư 336.630 tỷ đồng (tương đương 16,3 tỷ USD), được chia làm 3 giai đoạn. Khi hoàn tất, sân bay này sẽ có 4 đường cất hạ cánh, 4 nhà ga và công suất phục vụ lên đến 100 triệu hành khách và 5 triệu tấn hàng hóa mỗi năm. Đây là dự án trọng điểm quốc gia, có tầm cỡ khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Tỉnh có nhiều khu công nghiệp nhất Việt Nam là 'vùng đất vàng', có siêu dự án sân bay lớn bậc nhất Châu Á - Thái Bình Dương - ảnh 2
Dự án Cảng Hàng không quốc tế Long Thành. Ảnh: Internet

Dự án được tài trợ bằng nhiều nguồn vốn khác nhau bao gồm ngân sách Nhà nước, vốn cổ phần hóa của các doanh nghiệp Nhà nước trong ngành hàng không, vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA), vốn từ các doanh nghiệp, và vốn đầu tư theo hình thức đối tác công-tư (PPP), cũng như các nguồn vốn khác theo quy định của pháp luật.

Để tăng cường kết nối với sân bay Long Thành, tỉnh Đồng Nai đang triển khai kế hoạch nâng cấp cơ sở hạ tầng. Vào ngày 4/2/2025, UBND tỉnh đã phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi cho Dự án Bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và giải phóng mặt bằng để nâng cấp, mở rộng đường ĐT 773. Mục tiêu là sớm khởi công dự án nâng cấp, mở rộng tuyến đường kết nối sân bay Long Thành với các khu công nghiệp và tỉnh lân cận, tổng mức đầu tư lên tới 4.300 tỷ đồng.

Tỉnh có nhiều khu công nghiệp nhất Việt Nam là 'vùng đất vàng', có siêu dự án sân bay lớn bậc nhất Châu Á - Thái Bình Dương - ảnh 3
Phối cảnh sân bay Long Thành. Ảnh: Internet

Theo quy hoạch, đường ĐT 773 sẽ được mở rộng và nâng cấp với chiều dài 39km, bắt đầu từ giao với quốc lộ 1A tại xã Xuân Tâm, huyện Xuân Lộc và kết thúc tại Hương lộ 10, giao với đường Vành đai 4 TP.HCM. Tuyến đường sẽ có quy mô từ 6 đến 8 làn xe, dự kiến khởi công trong năm 2025 và hoàn thành sau hai năm. Dự án này nhằm gia tăng kết nối và rút ngắn thời gian di chuyển cho cư dân từ các huyện Cẩm Mỹ, Xuân Lộc, Long Thành và các tỉnh vùng Tây Nguyên, Nam Trung Bộ đến sân bay Long Thành.

Ngoài sân bay Long Thành, Báo Đồng Nai còn thông tin rằng đến năm 2030, tỉnh sẽ có một sân bay quốc tế và một sân bay quốc nội là Long Thành (cảng hàng không quốc tế) và Biên Hòa (cảng hàng không quốc nội) được quy hoạch thành cảng hàng không để khai thác lưỡng dụng.

Tỉnh có nhiều khu công nghiệp nhất Việt Nam là 'vùng đất vàng', có siêu dự án sân bay lớn bậc nhất Châu Á - Thái Bình Dương - ảnh 4
Sân bay quân sự Biên Hòa sẽ được đâu tư nâng cấp trở thành sân bay lưỡng dụng quân sự và dân sự. Ảnh: Phước Tuấn/VnEconomy

Dự án sân bay Biên Hòa sẽ được đầu tư theo phương thức đối tác công - tư (PPP). Theo Quy hoạch, giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, sân bay quân sự Biên Hòa sẽ được quy hoạch thành sân bay lưỡng dụng cấp 4E. Dự kiến, công suất khai thác của sân bay sẽ đạt 5 triệu hành khách/năm vào năm 2030 và tăng lên 10 triệu hành khách/năm vào năm 2050. Sân bay nằm tại phường Tân Phong, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai, cách sân bay Tân Sơn Nhất khoảng 25km. Hiện tại, sân bay Biên Hòa đang là sân bay quân sự cấp 1 với 2 đường cất hạ cánh được xây dựng bằng bê tông xi măng. Diện tích tổng thể của sân bay Biên Hòa khoảng 967ha, trong đó có thể bố trí khoảng 50ha để quy hoạch khu hàng không dân dụng.

* Tổng hợp