Thành phố giàu bậc nhất Việt Nam sắp có thêm 2 tuyến đường huyết mạch nối với tỉnh Long An
(Thị trường tài chính) - Hai tuyến đường này sẽ được thành phố ưu tiên đầu tư trước năm 2030.
Để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và tăng cường kết nối với tỉnh Long An, TP. HCM sẽ ưu tiên đầu tư xây dựng đường Võ Văn Kiệt nối dài và tuyến đường mở mới Tây Bắc trước năm 2030. Theo báo Lao Động, 2 dự án này nằm trong Quy hoạch TP. HCM thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Với chiều rộng 60m và dài khoảng 13km, đường Võ Văn Kiệt trải dài từ cầu Calmette (quận 1) đến nút giao Quốc lộ 1 (huyện Bình Chánh), tạo thành một tuyến đường huyết mạch nằm trong trục Đông - Tây của TP. HCM. Trong tương lai, đường này sẽ được kéo dài để kết nối trực tiếp với Khu công nghiệp Hải Sơn - Tân Đô tại huyện Đức Hòa, tỉnh Long An.
Đường Võ Văn Kiệt nối dài kết nối với tỉnh Long An. Ảnh: Anh Tú
Khi hoàn thành, tuyến đường này sẽ giúp giải quyết hiệu quả tình trạng ùn tắc giao thông nghiêm trọng, thường xuyên xảy ra tại các khu công nghiệp tập trung ở huyện Bình Chánh (TP.HCM) và huyện Đức Hòa (Long An).
Sở Giao thông vận tải TP. HCM cho biết, dự án sẽ được triển khai giải phóng mặt bằng toàn bộ với chiều rộng 60m ngay từ đầu. Tuy nhiên, trong giai đoạn đầu tiên, chỉ có hai bên đường được xây dựng, mỗi bên rộng 14,5m, phần đất còn lại sẽ được dành để dự trữ cho các giai đoạn tiếp theo.
Dự án được đề xuất triển khai theo hình thức đối tác công tư (PPP) với tổng mức đầu tư gần 5.800 tỷ đồng, trong đó ngân sách nhà nước chiếm khoảng 50%. Riêng chi phí giải phóng mặt bằng được ước tính khoảng 3.145 tỷ đồng.
Bên cạnh đường Võ Văn Kiệt nối dài, đường mở mới Tây Bắc cũng được kỳ vọng. Tuyến đường mới này được quy hoạch sẽ kéo dài từ đường Vành đai 2 T. PHCM, đi qua khu công nghiệp Vĩnh Lộc và kết nối với đường tỉnh 823D của Long An. Với chiều dài gần 10km và quy mô từ 6 đến 8 làn xe, tuyến đường hứa hẹn sẽ giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông tại khu vực.
Sở Giao thông vận tải TP. HCM ước tính tổng mức đầu tư cho dự án này khoảng 5.200 tỷ đồng. Dự án dự kiến sẽ được triển khai theo hình thức đối tác công tư (PPP) trước năm 2030. Khi hoàn thành, tuyến đường này sẽ góp phần đáng kể vào việc giảm thiểu tình trạng ùn tắc giao thông nghiêm trọng, thường xuyên xảy ra tại các huyện Bình Chánh, Hóc Môn (TP. HCM) và Đức Hòa (Long An), đặc biệt là ở những khu vực tập trung nhiều khu công nghiệp.
Tuyến đường mới có vai trò quan trọng với TP. HCM cũng như tỉnh Long An. Ảnh: Internet
Tuyến đường này sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành trục giao thông xuyên tâm, kết nối từ Vành đai 2 đến Vành đai 4, đồng thời thúc đẩy sự phát triển của trục động lực Đức Hòa. Nhờ đó, việc vận chuyển hàng hóa từ các khu công nghiệp đến các cảng tại TP. HCM và Long An sẽ trở nên thuận tiện hơn.