Tết Trung thu 2024: Gom góp yêu thương gửi đồng bào miền Bắc
(Thị trường tài chính) - Trung thu năm nay, khắp nơi trên cả nước, những lễ hội vui đón trăng Rằm cũng trở nên trầm lắng hơn, gói gọn và đơn giản.
Mỗi dịp Rằm tháng Tám, Trung thu về lại gợi lên bao cảm xúc thân thương. Vầng trăng mang theo những ký ức tuổi thơ về câu chuyện chị Hằng, chú Cuội, là lúc thiếu nhi rước đèn, phá cỗ. Trung thu trong văn hóa của người Việt không chỉ là lễ hội, mà còn là Tết Đoàn Viên, nơi niềm vui trọn vẹn được chia sẻ cùng người thân yêu.
Thế nhưng trái ngược với ánh trăng sáng ngày Rằm Trung thu, bầu trời vùng bão lũ lại u ám bởi dòng nước đã cuốn phăng đi tất cả. Tính đến ngày 15/9 cơn bão số 3 đã khiến 353 người chết, mất tích; khoảng 1.900 người bị thương và hàng nghìn người khác bị ảnh hưởng tâm lý nặng nề.
Trung thu này biết bao gia đình đã không còn trọn vẹn, bao đứa trẻ ngơ ngác đứng giữa đổ nát, mất đi cha mẹ chỉ trong một đêm. Đau đớn hơn, dòng lũ không chỉ cuốn đi nhà cửa mà còn cướp đi những sinh mạng nhỏ bé. Lớp bùn đất lạnh lẽo đó vùi lấp cả những đứa trẻ chỉ mới vài tuổi. Hướng về vùng tâm lũ, nỗi đau và sự mất mát ấy khiến trái tim ai nấy đều thắt lại, không thể thốt nên lời.
Trung thu năm nay, khắp nơi trên cả nước, những lễ hội vui đón trăng Rằm cũng trở nên trầm lắng hơn, gói gọn và đơn giản hơn. Mọi người, không ai bảo ai, đều hướng trái tim về miền Bắc.
Giờ đây, những món quà Trung thu không còn là chiếc bánh, chiếc đèn lồng rực rỡ, mà là những tấm lòng sẻ chia, là những bức tranh, lá thư của các em nhỏ, là sự hỗ trợ từ khắp nơi gửi đến đồng bào vùng bão lũ.
Trong những ngày qua, nhiều tỉnh, thành phố, cơ quan ban ngành trên cả nước đã đồng loạt đưa ra quyết định dừng các hoạt động lễ hội, vui chơi để dành kinh phí ủng hộ đồng bào đang chịu ảnh hưởng nặng nề từ cơn bão số 3. Hành động này đã trở thành một làn sóng yêu thương lan tỏa khắp nơi.
Tại Hà Nội, Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long đã thông báo hoãn tổ chức chương trình "Vui Tết Trung Thu 2024". Ở Huế, các sự kiện như Hội đèn lồng quốc tế Huế, Lễ hội áo dài Linh Phụng, Hội rước đèn lồng đường phố và chương trình nghệ thuật "Mùa thu cho em" dự kiến diễn ra từ 16-19/9 cũng được tạm dừng. Đặc biệt, Lễ hội Thành Tuyên – lễ hội Trung thu lớn nhất cả nước – từ 30/8 đến 15/9 cũng đã được Ủy ban Nhân dân tỉnh Tuyên Quang thông báo hủy bỏ.
Không chỉ dừng lại ở việc hoãn các lễ hội, nhiều địa phương, cơ quan đã chủ động thay thế bằng những hành động thiết thực. Các lễ hội hoành tráng đã nhường chỗ cho những món quà tặng đầy ý nghĩa gửi đến người dân vùng bão lũ. Nhiều trường học trên cả nước cũng đã điều chỉnh kế hoạch đón Tết Trung thu, với tinh thần sẻ chia và giúp đỡ những người gặp khó khăn.
Tại Trường Tiểu học Đống Đa (Hà Nội), toàn bộ kinh phí dự định tổ chức Lễ hội Trung thu năm nay đều được chuyển thành quỹ ủng hộ đồng bào bị thiệt hại do bão lũ. Các thầy cô, cán bộ và học sinh đã cùng chung tay gửi gắm tình cảm, lòng nhân ái đến những người dân vùng bão.
Cô giáo Ngô Huyền, chủ nhiệm lớp 2A1, chia sẻ câu chuyện cảm động về học trò của mình. “Khi các em nghe và chứng kiến qua hình ảnh về hậu quả đau thương mà bão số 3 đã gây ra, nhiều em đã khóc nghẹn ngào. Có em xin bố mẹ lấy tiền tiết kiệm để ủng hộ, có em cùng bố mẹ quyên góp nhu yếu phẩm, có em còn viết những dòng thư, vẽ những bức tranh đầy xúc động gửi tới người dân và các bạn nhỏ vùng bão lũ”, cô Huyền chia sẻ.
Trung thu năm nay, mâm cỗ của cô trò Trường tiểu học Đống Đa không chỉ là những chiếc bánh nướng, bánh dẻo, mà còn là những món quà nhỏ bé chứa đựng tình yêu thương vô bờ, sự đồng cảm lớn lao. Những nụ cười, những lời nhắn nhủ đầy ấm áp đã trở thành ánh trăng sáng rực rỡ trong lòng các em. Cô Huyền xúc động chia sẻ: "Với những việc làm ý nghĩa và thiết thực đó, các em vẫn có một mùa trăng thật đẹp, một mùa trăng của lòng nhân ái và sự sẻ chia".
Trong thư gửi thiếu niên, nhi đồng nhân dịp Tết Trung Thu 2024, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm cũng đã viết những lời đầy xúc động: "Trung Thu năm nay không được trọn vẹn bởi thiên tai đã gây ra những hậu quả nặng nề đối với nhiều gia đình, thôn xóm, bản làng, phường xã. Nhiều cháu thiếu nhi không may bị cướp đi sinh mạng, nhiều cháu mất người thân, mất nhà cửa, sống trong hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Bác xin gửi lời chia buồn sâu sắc nhất tới thân nhân, gia quyến các cháu là nạn nhân của bão lũ và hy vọng tất cả chúng ta hãy dũng cảm vượt qua đau thương, mất mát này. Với các cháu ở những vùng bão, lũ, Bác dặn các cháu luôn chú ý an toàn khi học tập, vui chơi. Hãy tránh xa những nơi nguy hiểm, không chơi đùa gần sông, suối, ao hồ, luôn nhớ lời cha mẹ, thầy cô giáo để tự bảo vệ bản thân và bạn bè."
Thiên tai thường đến bất ngờ, mang theo những đau thương không thể lường trước, nhưng lòng yêu nước và tình đồng bào thì luôn luôn thường trực. Cơn bão số 3 tuy khắc nghiệt, nhưng nó cũng làm nổi bật sự đoàn kết và tinh thần tương thân tương ái của người dân cả nước, khi mọi trái tim đều hướng về miền Bắc nơi đang gánh chịu nhiều thiệt hại nặng nề nhất. Những chuyến xe cứu trợ, những lời động viên, sự chia sẻ dù lớn hay nhỏ đều góp phần làm dịu đi nỗi đau của những gia đình bị ảnh hưởng.
Tết Đoàn viên năm nay có thể không còn trọn vẹn với nhiều gia đình, khi mất mát và đau thương vừa xảy ra quá đỗi kinh hoàng. Nhưng giữa những nỗi buồn, tất cả chúng ta – những người Việt Nam với trái tim đầy yêu thương vẫn đang ngày đêm ôm ấp, chia sẻ nỗi đau với đồng bào. Các vết thương lòng rồi đây sẽ dần được chữa lành và cuộc sống của người dân vùng lũ sẽ từng bước được khôi phục.