HAPPYFOOD - Bữa ăn ngon cho gia đình hạnh phúc - Make Family Happy!

Siêu đập vĩ đại bậc nhất lịch sử đã vỡ tan: Cuốn phăng 50 triệu m3 nước tạo thành cơn 'sóng thần' kinh hoàng ‘xé toạc’ nhiều ngôi làng, nuốt chửng 2.000 người

Mộng

(Thị trường tài chính) - UNESCO đã chính thức ghi nhận trận vỡ đập này là một trong những thảm họa môi trường nhân tạo nghiêm trọng nhất từng xảy ra trên thế giới.

Vụ vỡ đập Vajont ở Italia, xảy ra vào đầu thập niên 60 của thế kỷ trước, được coi là một trong những thảm họa kinh hoàng nhất trong lịch sử nhân loại. 

Khi đập Vajont bị vỡ, nó đã giải phóng một lượng nước khổng lồ lên đến gần 50 triệu m3, tạo thành một dòng thác dữ dội cuốn phăng mọi thứ trên đường đi của nó. Sức mạnh của dòng nước đã cuốn trôi cả những ngôi làng, nhà cửa và cây cối, gây ra thiệt hại nặng nề và cướp đi sinh mạng của hơn 2.000 người dân.

brana vajont

Hồ chứa đập Vajont (Ảnh:Internet)
 

Theo đó, đập Vajont, còn gọi là Vaiont (Vajont Dam), là một công trình thủy điện khổng lồ được xây dựng ở miền Bắc Italia, nằm trong thung lũng sông Vajont thuộc vùng Monte Toc, trong đô thị Erto e Casso, cách thành phố Venice khoảng 100km về phía Bắc. Với chiều cao 262m, đây từng là một trong những con đập vĩ đại nhất thế giới, do kỹ sư Carlo Semenza (1893–1961) thiết kế.

Đập Vajont chính thức khởi công vào năm 1957, được ca ngợi là một thành tựu quan trọng, đáp ứng nhu cầu năng lượng cho toàn bộ vùng Đông Bắc Italia. Tuy nhiên, không lâu sau khi dự án bắt đầu, những vấn đề nghiêm trọng đã xuất hiện. 

Đỉnh núi Monte Toc, nằm ngay bên cạnh con đập, chứa đựng những mối nguy hiểm tiềm ẩn do có nguy cơ lở đất cao. Ngay từ khi bắt đầu xây dựng, vào năm 1959, các kỹ sư đã phát hiện ra những trận lở đất nhỏ và chấn động đất xuất hiện trong khắp thung lũng. 

Tuy nhiên sau đó, các kỹ sư vẫn quyết định lấp đầy hồ chứa với giới hạn mức nước thấp hơn 25m so với khả năng tối đa, hy vọng có thể tránh được thảm họa. Tuy nhiên, vào năm 1963, khi mực nước hồ chứa dâng lên gần mức tối đa, đỉnh Monte Toc phía Nam bắt đầu di chuyển với tốc độ lên đến 1m mỗi ngày, báo hiệu những diễn biến nguy hiểm sắp xảy ra.

Chú thích ảnh

Các vết nứt hình thành ở vùng núi nơi đập Vajont được xây dựng (Ảnh: Internet)
 

Vào ngày 9/10/1963, các kỹ sư bắt đầu nhận thấy các dấu hiệu đáng lo ngại khi cây cối và đá từ đỉnh núi đổ xuống do một trận lở đất. Tuy nhiên, dựa trên các mô phỏng mà họ đã thực hiện, họ tin rằng vụ lở đất này sẽ chỉ tạo ra một con sóng nhỏ trong hồ chứa. Sự chủ quan này đã dẫn đến một sai lầm thảm khốc.

Đột ngột vào lúc 10 giờ 39 phút tối ngày 9/10/1963, một khối núi khổng lồ với kích thước lên đến 260 triệu m3 đổ xuống từ đỉnh Monte Toc với tốc độ đáng kinh ngạc 109km/h, đâm sầm vào hồ chứa nước bên dưới. Cú va chạm mạnh mẽ này tạo ra một làn sóng khổng lồ cao tới 250m cuốn theo 50 triệu m3 nước ra khỏi hồ. Trận "sóng thần" khủng khiếp này quét sạch tất cả các ngôi làng ở Thung lũng Piave bên dưới đập Vajont, phá hủy hoàn toàn cảnh quan và gây ra thiệt hại chưa từng có.

Chú thích ảnh

Thành phố Longarone trước và sau thảm họa đập Vajont (Ảnh: Internet)

Trong vòng chưa đầy một giờ, hơn 2.000 người đã thiệt mạng, nhiều ngôi làng bị cuốn trôi và gần một phần ba dân số của thị trấn Longarone đã mất mạng. Cảnh tượng thảm khốc này đã làm chấn động toàn thế giới, đánh dấu một trong những thảm họa nhân tạo tồi tệ nhất trong lịch sử hiện đại. 

Đến năm 2008, UNESCO đã chính thức ghi nhận thảm họa này là một trong những thảm họa môi trường nhân tạo nghiêm trọng nhất từng xảy ra.

Chú thích ảnh

Khu vực hồ chứa sau thảm họa (Ảnh: Internet)

brana vajont

Khu vực đập ngày nay (Ảnh: Internet)

Ngày nay đập Vajont là địa danh du lịch để nhắc nhở hậu thế cần tôn trọng và bảo vệ môi trường.