Siêu cường số 1 thế giới hoàn tất dự án phá dỡ đập thủy điện lớn nhất lịch sử
(Thị trường tài chính) - Việc tháo dỡ các con đập không ảnh hưởng nhiều đến nguồn cung cấp điện.
Theo CNN, ngày 2/9, Mỹ đã hoàn tất dự án tháo dỡ đập thủy điện lớn nhất trong lịch sử, sau khi phá hủy con đập cuối cùng trong chuỗi 4 đập, khôi phục lại dòng chảy tự nhiên cho sông Klamath. Đây là niềm vui lớn cho các bộ tộc bản địa sống ở vùng biên giới giữa California và Oregon.
Việc tháo dỡ 4 đập, bao gồm đập Iron Gate, Copco 1, Copco 2 và JC Boyle đã giúp cá hồi tự do bơi lội trên sông Klamath và các nhánh phụ sau hơn một thế kỷ bị chặn lại bởi các con đập này. Iron Gate là đập lớn nhất trong bốn con đập, cao gần 53m và rộng 225,5m.
Mark Bransom, Giám đốc điều hành của Klamath River Renewal Corporation, một tổ chức phi lợi nhuận giám sát dự án, chia sẻ rằng việc tháo dỡ đập là một "khoảnh khắc đáng ăn mừng". Các nhân viên, nhà bảo tồn, quan chức chính phủ và thành viên các bộ lạc đã tụ tập reo hò bên bờ sông gần vị trí từng là đập Iron Gate, con đập lớn nhất trong dự án.
Kế hoạch phá dỡ các con đập được các cơ quan quản lý liên bang nước này phê duyệt vào năm 2022. Năm tiếp theo, đập Copco 2, con đập nhỏ nhất trong bốn đập, đã bị tháo dỡ. Sau đó, các đội thi công bắt đầu xả nước từ các hồ chứa của đập, một bước cần thiết trước khi tiếp tục phá dỡ các con đập còn lại.
Hệ thống sông Klamath từng gây ra nhiều tranh cãi, đặc biệt trong đợt hạn hán lịch sử gần đây tại miền Tây nước Mỹ, khi lưu vực sông bị khô cạn. Cuộc chiến tranh giành nguồn nước đã bùng nổ giữa nông dân địa phương, các bộ lạc bản địa, cơ quan chính phủ và nhà bảo tồn. Tuy nhiên, sau nhiều năm đấu tranh, niềm vui cuối cùng đã đến với người dân bản địa, những người đã gắn bó hàng thế kỷ với sông Klamath và các nhánh của nó.
Tất cả chúng tôi đã cùng nhau chứng kiến khoảnh khắc ấy, với cảm giác hân hoan, phấn khích và đầy kỳ vọng”, Bransom chia sẻ với CNN. “Lần đầu tiên sau hơn 100 năm, sông Klamath đã trở về với dòng chảy tự nhiên của nó”.
Những người bản địa nhìn xuống nơi từng có con đập Iron Gate trên sông Klamath. Ảnh: Getty Images
Bộ tộc Yurok ở Bắc California, Mỹ thường được gọi là "dân tộc cá hồi", họ coi cá hồi là loài linh thiêng, đóng vai trò quan trọng trong văn hóa, chế độ ăn uống và các nghi lễ. Theo truyền thuyết nơi đây, linh hồn tạo ra cá hồi cũng chính là đấng sáng tạo ra con người, nếu không có cá hồi, sự sống của con người cũng sẽ không còn tồn tại.
Amy Bowers-Cordalis, thành viên và cố vấn pháp lý của Bộ tộc Yurok, cho biết việc nhìn thấy các con đập bị phá bỏ mang ý nghĩa như "sự tự do" và đánh dấu sự khởi đầu của quá trình "chữa lành" dòng sông. Việc phục hồi dòng sông sẽ mang đến cho các thế hệ tương lai cơ hội để duy trì lối sống đánh bắt cá của người Yurok.
Trong quá khứ, những đập thủy điện, nước ấm và hạn hán kéo dài đã thay đổi nghiêm trọng dòng sông và ảnh hưởng tiêu cực đến hệ sinh thái, bao gồm cả quần thể cá hồi. Cá hồi Chinook và Coho, loài bắt đầu vòng đời của mình ở các hệ thống nước ngọt như sông Klamath, bằng việc di chuyển ra đại dương và quay trở lại để sinh sản, phải đối mặt với nhiều mối đe dọa khi môi trường sống của chúng bị biến đổi.
Bên cạnh những lợi ích tích cực, dự án phá dỡ đập cũng đã dấy lên lo ngại về chất lượng nước. Các trầm tích tích tụ phía sau các con đập suốt hơn một thế kỷ có thể chứa lượng lớn chất hữu cơ, khi giải phóng ra, nước sông sẽ chuyển màu nâu đục và có thể gây hại cho một số loài động vật hoang dã. Tuy nhiên, ông Bransom nhận định rằng việc chấp nhận những tác động tạm thời này là cần thiết để đạt được những lợi ích bền vững về lâu dài.
Về tác động đến nguồn cung cấp điện, việc tháo dỡ các đập cũng không gây ảnh hưởng lớn. Dù hoạt động với công suất tối đa, bốn con đập này chỉ sản xuất chưa đến 2% sản lượng điện của công ty PacifiCorp. Tiếp theo, kế hoạch phục hồi sẽ được triển khai với việc gieo gần 16 tỷ hạt giống từ khoảng 100 loài thực vật bản địa tại lưu vực sông Klamath, nhằm khôi phục hệ sinh thái nơi đây.