Người Việt Nam duy nhất được trao giải 'Nobel châu Á' năm 2024: Cả đời xoa dịu nỗi đau cho các nạn nhân chất độc da cam, tiên phong mang thụ tinh ống nghiệm về nước
(Thị trường tài chính) -Bà được vinh danh là bác sĩ người Việt Nam có nhiều đóng góp, cống hiến cho việc nghiên cứu tìm ra sự thật về những tàn phá của chất độc da cam/dioxin lên sức khỏe con người.
Giáo sư, Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Phượng là một trong năm người được Quỹ Giải thưởng Ramon Magsaysay năm 2024 vinh danh trong sự kiện trực tuyến toàn cầu. Giải thưởng Ramon Magsaysay được ví như "giải Nobel của châu Á", nhằm tôn vinh những cá nhân thể hiện "tinh thần vĩ đại thể hiện trong việc phục vụ quên mình người dân châu Á".
Là bác sĩ người Việt Nam duy nhất trong năm nay được trao giải, Giáo sư Nguyễn Thị Ngọc Phượng đã có những đóng góp to lớn trong việc nghiên cứu về tác hại của chất độc da cam/dioxin đối với sức khỏe con người, đặc biệt là sức khỏe sinh sản của các nạn nhân. Bà không ngừng nỗ lực đòi lại công bằng cho những người chịu ảnh hưởng, đồng thời kiên trì đưa ra bằng chứng cho thấy vẫn có thể sửa chữa hậu quả của chiến tranh, mang lại công lý và sự hỗ trợ cho những nạn nhân bất hạnh.
Người đi tìm công lý cho các nạn nhân
Giáo sư, Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Phượng, sinh năm 1944, là chuyên gia Y khoa nổi tiếng hàng đầu Việt Nam.
Hiện bà giữ vai trò Phó Chủ tịch không chuyên trách Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP. HCM, Chủ tịch Hội Nội tiết sinh sản và vô sinh TP. HCM, Phó Chủ tịch Hội Phụ sản Việt Nam. Trước đây, bà từng đảm nhiệm nhiều vị trí quan trọng như Giám đốc Bệnh viện Từ Dũ, Viện trưởng Viện Tim TP. HCM, Phó Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam và Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt - Mỹ TP. HCM. Bà đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động, Thầy thuốc Nhân dân và Huân chương Lao động Hạng Ba.
Giáo sư, bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Phượng là chuyên gia Y khoa nổi tiếng hàng đầu Việt Nam. Ảnh: Mỹ Đức
Sinh ra trong một gia đình nghèo tại làng Tăng Nhơn Phú, tổng An Thủy, quận Thủ Đức, tỉnh Gia Định (nay là phường Tăng Nhơn Phú B, TP. Thủ Đức, TP. HCM), bà Phượng đã quyết tâm theo đuổi con đường y học và trở thành bác sĩ.
Bà Phượng trở thành bác sĩ sản khoa trong giai đoạn Việt Nam còn chiến tranh. Năm 1968, khi còn là thực tập sinh, bà bị tác động sâu sắc khi liên tiếp chứng kiến những trẻ chào đời dị tật bẩm sinh nghiêm trọng, không rõ lý do. Điều này đã thôi thúc bà dấn thân tìm hiểu "bí ẩn khủng khiếp" gây "hậu quả bi thảm", đấu tranh cho các nạn nhân chất độc da cam, ủng hộ hành động pháp lý để đòi bồi thường từ các công ty hóa chất.
Bà đã có nhiều công trình nghiên cứu, đề tài, công trình khoa học, bài viết đấu tranh để đưa tiếng nói của các nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam ra thế giới và nỗ lực đấu tranh đòi công lý cho nạn nhân chất độc da cam/dioxin, tích cực tham gia thực hiện Chiến lược Quốc gia về sức khỏe sinh sản…
Bà dành phần lớn cuộc đời để đóng góp cho cộng đồng. Ảnh: T.T.D/Báo Tuổi Trẻ
Bên cạnh đó, Giáo sư, Bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Phượng còn kêu gọi sự hỗ trợ từ các quốc gia, tổ chức, cá nhân… cho nạn nhân chất độc da cam và kêu gọi sự ủng hộ, góp phần xây dựng các làng Hòa Bình trên cả nước để chăm sóc, nuôi dạy các trẻ em nạn nhân chất độc da cam và trẻ khuyết tật.
Ngoài ra, bà đã có nhiều hoạt động nghĩa tình như nhận phụng dưỡng các Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, vận động xây tặng nhà tình nghĩa, hệ thống nước sạch, khám bệnh, cấp thuốc miễn phí, tặng hàng chục nghìn suất quà cho người có công với cách mạng, nạn nhân chất độc da cam/dioxin, phụ nữ nghèo, trẻ em mồ côi, khuyết tật… ở địa bàn vùng sâu, vùng xa, biên giới, vùng căn cứ kháng chiến, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Bác sĩ Phượng đi bộ cùng các nạn nhân chất độc da cam
Hội đồng Giải thưởng Ramon Magsaysay năm 2024 đã ghi nhận tinh thần cống hiến không mệt mỏi của bà cho cộng đồng. Họ cho rằng công việc của bà cũng là lời cảnh báo nghiêm trọng cho thế giới tránh chiến tranh bằng mọi giá vì hậu quả bi thảm của nó có thể kéo dài đến tận tương lai.
“Bà tiên” mang lại hy vọng cho hàng nghìn gia đình Việt
Nguyên là Giám đốc Bệnh viện Từ Dũ, bác sĩ Phượng tiên phong trong lĩnh vực thụ tinh trong ống nghiệm tại Việt Nam, mang lại niềm vui và hy vọng cho hàng nghìn gia đình. Năm 1993-1994, bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Phượng giảng dạy tại Đại học Nice, Pháp và học kỹ thuật thụ tinh ống nghiệm. Quyết tâm đưa kỹ thuật này về Việt Nam, bà dành dụm tiền mua máy móc gửi về nước.
Năm 1997, khi máy móc gần hoàn thiện, bà cùng đoàn chuyên gia Pháp tiến hành những ca thụ tinh ống nghiệm đầu tiên tại Việt Nam. Ngày kỷ niệm 23 năm thống nhất đất nước, 3 em bé chào đời nhờ kỹ thuật này, mở ra hy vọng cho hàng ngàn cặp vợ chồng hiếm muộn.
Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Ngọc Phượng đưa kỹ thuật thụ tinh ống nghiệm về Việt Nam giúp điều trị vô sinh hiếm muộn. Ảnh: TTXVN
Từ đó, kỹ thuật thụ tinh ống nghiệm tại Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu lớn với tỷ lệ thành công cao. Nhờ sự “mát tay” của bác sĩ Phượng, đã có nhiều đứa trẻ được sinh ra, nhiều gia đình được hưởng niềm vui.
Giáo sư, bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Phượng cũng chính là người khai sinh ra đội ngũ cô đỡ thôn bản, cánh tay nối dài của nhân viên y tế thôn bản trong chăm sóc sức khỏe phụ nữ mang thai, trẻ nhỏ vùng dân tộc thiểu số và miền núi.
Năm 1992, Bệnh viện Từ Dũ tổ chức đào tạo thí điểm tại Lâm Đồng và Ninh Thuận với 37 học viên đầu tiên thuộc các dân tộc Nùng, Mơ Nông, Tày, Khơ me, S'tiêng… Giai đoạn 1999-2001 đã có 4 khóa đào tạo cho huyện Bù Đăng và Lộc Ninh (tỉnh Bình Phước) với tổng số học viên là 113 người. Từ những thành công bước đầu, Bệnh viện Từ Dũ đã phát triển thành "Chương trình đào tạo 500 cô đỡ thôn bản người dân tộc thiểu số".
Các học viên là những phụ nữ dân tộc có trình độ học vấn thấp, có những người mới chỉ đọc, viết được tiếng Kinh, được bệnh viện phối hợp với Hội Phụ nữ và Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản các tỉnh chọn lọc ở các thôn bản. Các học viên được đào tạo 6 tháng tại bệnh viện về chăm sóc trước, trong và sau sinh cho bà mẹ, trẻ em sơ sinh, tư vấn kế hoạch hóa gia đình, giáo dục truyền thông về chăm sóc sức khỏe ban đầu, sức khỏe phụ nữ, trẻ em… Sau đó, họ trở về công tác tại cộng đồng với sự giám sát chuyên môn của các bác sĩ Bệnh viện Từ Dũ.
Chương trình đã đào tạo được tổng số 720 cô đỡ thôn bản. Sau khi kết thúc đào tạo, các cô đỡ đều quay lại cộng đồng và được bệnh viện hỗ trợ về vật chất, khuyến khích bằng kinh phí dựa trên các kết quả cung cấp dịch vụ cho phụ nữ và người dân trong cộng đồng của họ.
Giáo sư, bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Phượng cũng từng là đại biểu Quốc hội, Phó chủ tịch Quốc hội, Phó chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội, góp tiếng nói cho những thay đổi quan trọng trong luật về kế hoạch hóa gia đình, sức khỏe sinh sản…