Người phụ nữ ‘mất trắng’ 35 tỷ đồng sau 4 năm gửi tiết kiệm ngân hàng: Cảnh sát vào cuộc, 1 người chức vụ cao bị bắt giữ
(Thị trường tài chính) - Được người là giám đốc ngân hàng đích thân tiếp đón, người phụ nữ không ngờ bản thân đã trở thành “con mồi” cho một vụ lừa đảo tinh vi.
Năm 2014, sau nhiều lần thất bại trong kinh doanh, một phụ nữ tên Vu Na (ẩn danh) ở Liêu Ninh, Trung Quốc, cuối cùng đã gặt hái được thành công. Chỉ trong vài năm, từ chủ của một cửa hàng nhỏ, cô trở thành bà chủ của một công ty tầm cỡ trong vùng. Trong thời gian đó, ngoài việc đầu tư và phát triển công việc, cô Vu còn tiết kiệm được hơn 10 triệu NDT (khoảng 35 tỷ đồng) cho bản thân.
Là người cẩn thận, cô Vu đã tính toán kỹ lưỡng và quyết định gửi số tiền lớn vào một ngân hàng ở khu vực Ngõa Phòng Điếm, tỉnh Liêu Ninh, để đảm bảo an toàn và sinh lời. Giám đốc Tôn của ngân hàng này đã đích thân đón tiếp và hỗ trợ cô Vu thực hiện các thủ tục liên quan. Vì thế, cô Vu luôn có ấn tượng tốt và xem giám đốc Tôn như một quý nhân. Trong hơn một năm sau đó, mỗi khi cần gửi tiền tiết kiệm, cô đều đến gặp trực tiếp giám đốc Tôn để thực hiện giao dịch mà không ngờ mình đang "giao trứng cho ác".
Tài khoản tiền tỷ bỗng dưng “bốc hơi”
Tháng 9/2018, cô Vu lên kế hoạch đầu tư mở rộng kinh doanh cùng bạn bè nên cần rút toàn bộ số tiền tiết kiệm hơn 10 triệu NDT. Lo lắng việc rút số tiền lớn như vậy sẽ cần nhiều thủ tục phức tạp, cô Vu đã thông báo chuyện này cho giám đốc Tôn với hy vọng ông có thể giúp mình.
Khi nhận được tin này, giám đốc Tôn không còn giữ thái độ nhiệt tình như trước mà tỏ ra lo lắng, liên tục hỏi lý do rút tiền của cô Vu. Không lâu sau đó, khi cô Vu đến ngân hàng để rút tiền, giao dịch viên thông báo chưa thể rút tiền và cần phải lấy tiền dự trữ từ ngân hàng khác. Bối rối và không hiểu chuyện gì đang diễn ra, cô Vu gọi điện cho giám đốc Tôn yêu cầu giải thích. Lúc này, ông ta thú nhận đã tự ý dùng tiền của cô để đầu tư vào một số dự án sinh lời và hứa sẽ hoàn trả số tiền đã “mượn” trong thời hạn quy định cùng với một khoản “lãi” như một bồi thường giá trị.
Nhận được sự đảm bảo của giám đốc Tôn, cô Vu yên tâm rời khỏi ngân hàng và chờ ngày “tiền về” với mình. Tuy nhiên, sau đó, dù đã nhiều lần hối thúc, ông Tôn vẫn không có động thái muốn trả tiền. Không thể chờ đợi thêm, cô Vu quyết định gọi điện báo cảnh sát.
Bài học về “lòng tin”
Sau khi cảnh sát vào cuộc điều tra, cô Vu phát hiện toàn bộ số tiền đã bị “chiếm dụng” và dùng để trả nợ. Trước đây, giám đốc Tôn cũng từng làm “quản lý tài chính” cho một doanh nhân khác và làm hao hụt hàng chục triệu NDT của khách hàng này. Khi chưa biết lấy tiền ở đâu để đền bù, giám đốc Tôn đã tìm thấy “con mồi” mới là cô Vu. Ông ta liên tục lấy tiền của người khác để đầu tư với hy vọng có lãi, nhưng khi cô Vu đột nhiên muốn rút toàn bộ số tiền, mọi tính toán của ông ta bỗng “đổ sông đổ bể”. Không chỉ không kịp trả nợ cũ, việc “lạm quyền” chiếm đoạt tài sản của giám đốc Tôn cũng bị vạch trần.
Chỉ mất 15 ngày để cảnh sát điều tra, tìm ra bằng chứng và bắt giữ giám đốc Tôn. Qua thẩm tra, ông ta thừa nhận hành vi sai trái của mình và khai rằng vì đầu tư thua lỗ và mắc nợ nên đã lợi dụng chức vụ giám đốc ngân hàng để chiếm đoạt tiền gửi của một số khách hàng. Không chỉ cô Vu mà nhiều khách hàng khác cũng là nạn nhân của chiêu trò này. Với hành vi sai phạm, giám đốc Tôn bị kết án 20 năm tù và phạt 2,5 triệu NDT (khoảng 8,7 tỷ đồng).
Dù kẻ gian đã bị bắt, cô Vu vẫn chưa thể thu hồi lại số tiền đã mất. Cô nhiều lần đến ngân hàng yêu cầu được hoàn tiền nhưng không thành công. Ngân hàng phủ nhận trách nhiệm và cho rằng cô không đủ bằng chứng yêu cầu họ phải trả tiền. Bất mãn trước thái độ của ngân hàng, cô Vu cũng nhiều lần khởi kiện nhưng không thành công.
Vụ việc kéo dài đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến công việc kinh doanh cũng như cuộc sống cá nhân của cô Vu. Đây là một bài học đắt giá về việc đặt niềm tin sai chỗ trong cuộc sống.
*Theo 163.com