Ngọn núi bất ngờ 'phun' cột khói cao tới 3.400m: Cơ quan khí tượng 'bật' cảnh báo mức 3, người dân trong phạm vi 1km nằm trong vòng nguy hiểm
(Thị trường tài chính) -Các vụ phun trào của núi lửa này thường rất dữ dội, tạo ra lượng lớn tro bụi, dòng pyroclastic, bom núi lửa và khí độc.
Theo thông tin trên Sambad English, sáng sớm ngày 23/12, núi lửa Sakurajima trên đảo Kyushu, tỉnh Kagoshima, Nhật Bản, đã xảy ra vụ phun trào mạnh mẽ, tạo nên những cột khói bốc cao tới 3.400m.
Vụ phun trào tạo nên những cột khói bốc cao tới 3.400m. (Ảnh: New Scentr)
Mặc dù không ghi nhận thiệt hại về người và tài sản ngay lập tức, khói núi lửa đã trôi về phía Đông Nam, khiến các khu vực lân cận phải cảnh giác với nguy cơ tro núi lửa rơi xuống. Cơ quan Khí tượng Nhật Bản (JMA) duy trì cảnh báo mức 3 trong thang 5 cấp, khuyến cáo người dân không nên tiếp cận gần miệng núi lửa.
Sakurajima là một núi lửa hỗn hợp với ba đỉnh: Kitadake (đỉnh phía bắc), Nakadake (đỉnh trung tâm) và Minamidake (đỉnh phía nam). Đây là một trong những núi lửa hoạt động mạnh nhất Nhật Bản, từng phun trào hơn 200 lần mỗi năm kể từ thập niên 1950.
Do nằm trên rìa mảng hội tụ, Sakurajima có cấu trúc tầng được hình thành từ các lớp dung nham và tro. Các vụ phun trào của núi lửa này thường rất dữ dội, tạo ra lượng lớn tro bụi, dòng pyroclastic, bom núi lửa và khí độc. Dung nham của Sakurajima thuộc loại andesit, có độ nhớt cao và chứa nhiều khí, làm tăng khả năng phun trào nổ.
Các vụ phun trào của núi lửa này thường rất dữ dội, tạo ra lượng lớn tro bụi. (Ảnh: New Scentr)
Lần phun trào lớn năm 1914 đã làm dòng dung nham kết nối Sakurajima với bán đảo Osumi. Đặc biệt, miệng núi lửa Showa – vốn im lìm từ năm 2018 – đã bất ngờ hoạt động trở lại vào tháng 2/2023. Những đợt phun trào này không chỉ là mối đe dọa tiềm tàng với người dân Nhật Bản mà còn nhắc nhở về sức mạnh thiên nhiên đầy uy lực của Sakurajima.
Các nhà chức trách tiếp tục theo dõi sát sao tình hình và khuyến cáo người dân trong phạm vi 1km từ miệng núi lửa đề phòng các dòng pyroclastic và đá rơi.