Ngôi chùa xác lập nhiều kỷ lục nhất Việt Nam, tọa lạc trên đỉnh núi thiêng hơn 1.000m: Được đúc từ 70 tấn đồng nguyên chất, thi công ‘vỏn vẹn’ trong 360 ngày
(Thị trường tài chính) - Ngôi chùa là điểm tham quan tâm linh nổi tiếng bậc nhất Việt Nam.
Kỳ quan linh thiêng nắm giữ nhiều kỷ lục nhất Việt Nam
Chùa Đồng, còn được gọi là Thiên Trúc Tự, nằm ở độ cao 1.068m trên đỉnh núi Yên Tử, là một trong những ngôi chùa cao nhất Việt Nam. Ngôi chùa này được xây dựng vào thế kỷ XVII, dưới thời Hậu Lê, bởi một bà phi của chúa Trịnh. Điểm đặc biệt khiến chùa Đồng khác biệt so với những ngôi chùa truyền thống làm từ gỗ lim chính là chất liệu đồng nguyên khối, tạo nên nét kiến trúc độc đáo và hiếm có trong lịch sử Phật giáo Việt Nam.

Chùa Đồng nằm trên đỉnh cao nhất của núi Yên Tử, được đúc từ chất liệu đồng. Ảnh: BQL Di tích và Rừng Quốc gia Yên Tử
Ban đầu, chùa chỉ là một khám thờ nhỏ bằng đồng với diện tích rất khiêm tốn, đến mức khó có thể chứa được một người bên trong. Theo tư liệu lịch sử, vào năm Canh Thân 1740, triều vua Lê Cảnh Hưng, một trận bão lớn đã làm hư hại mái chùa. Không lâu sau, các phần còn lại cũng bị tháo dỡ, chỉ còn dấu vết của các hố cột trên nền đá.
Đến năm 1930, bà Bùi Thị Mỹ, người trông coi chùa Long Hoa, đã phát tâm trùng tu chùa Đồng bằng bê tông cốt thép trên nền đá vuông, giữ nguyên vị trí của công trình xưa.

Ngôi chùa bằng đồng này gắn liền với lịch sử hình thành lâu đời. Ảnh: MIA
Năm 2006, dưới sự chủ trì của Thượng tọa Thích Thanh Quyết cùng Ban Quản lý dự án chùa Đồng, công trình được khôi phục với thiết kế của kiến trúc sư Trần Quốc Tuấn từ Viện Bảo tồn Di tích. Ngôi chùa mới được đúc hoàn toàn bằng đồng và chính thức khánh thành vào ngày 30/1/2007, tọa lạc ngay trên nền chùa cũ.
Với quy mô và chất liệu độc đáo, chùa Đồng đã được Trung tâm Sách kỷ lục Việt Nam công nhận là ngôi chùa bằng đồng lớn nhất, nằm ở độ cao nhất cả nước. Không chỉ là điểm đến tâm linh nổi tiếng, công trình còn được xem như một kỳ quan hiếm có trên thế giới, góp phần làm rạng danh danh thắng Yên Tử.


Hàng năm cứ tới lễ hội chùa Đồng Yên Tử, mọi người từ khắp nơi lại nô nức về đây tham gia. Ảnh: Báo Lao Động
Ngày nay, chùa Đồng vẫn giữ nhiều kỷ lục và tiếp tục là nơi hành hương linh thiêng, thu hút đông đảo Phật tử cùng du khách khắp nơi về chiêm bái.
Công trình có lối kiến trúc “độc nhất vô nhị”
Toàn bộ chùa Đồng gồm chùa, tượng Phật, chuông nặng hơn 70 tấn, được đúc bằng đồng nguyên chất, với khoảng hơn 4.000 cấu kiện, cấu kiện nặng nhất có trọng lượng 1,4 tấn, được lắp đặt trực tiếp trên đỉnh núi. Trong đó, mỗi viên ngói nặng khoảng 4kg, 4 cột chùa mỗi cột nặng 1 tấn. Quả chuông và khánh đồng nặng trên 250kg. Tất cả đều được lắp đặt thủ công ngay trên đỉnh núi cao hơn 1.000m.

Bên trong chùa là kiến trúc đơn giản nhưng vẫn ấn tượng bởi nội thất đa phần làm bằng đồng. Ảnh: Báo Lao Động
Do nằm ở vị trí hiểm trở, quanh năm mây mù bao phủ, chùa Đồng được thiết kế với những giải pháp tối ưu để thích nghi với điều kiện thời tiết khắc nghiệt. Không chỉ có khu chính điện, các hạng mục khác như bậc đá lên xuống, lan can, sân hành lễ, lầu hóa vàng và nhà ghi công đức cũng được mở rộng, tôn tạo, tạo nên một không gian linh thiêng và vững chãi giữa thiên nhiên hùng vĩ.

Ngôi chùa được xây dựng lại từ năm 2006. Ảnh: Báo Quảng Ninh
Kiến trúc chùa được lấy cảm hứng từ hình ảnh một bông sen khổng lồ đang nở rộ trên đỉnh núi. Về địa thế, phía Đông là triền đá dốc, phía Tây là vách núi dựng đứng, khiến đường lên chùa trở nên chênh vênh, cheo leo. Chùa Đồng quay mặt về hướng Tây Nam, được xây theo kết cấu hình chữ "nhất", gồm một gian hai chái, mang đậm dấu ấn thời Trần. Chùa có diện tích khoảng 20m², cao 3,35m từ nền đến nóc, toàn bộ đều được đúc bằng đồng nguyên khối, tạo nên vẻ đẹp vừa trang nghiêm, vừa cổ kính.
360 ngày thi công “thần tốc” với đủ mọi thử thách
Không có điện, không cáp treo, không nước sinh hoạt, lại nằm ở độ cao hơn 1.000m so với mực nước biển - đó là những khó khăn mà đội ngũ thi công chùa Đồng phải đối mặt.

Cung đường rừng núi hiểm trở để chiêm bái chùa Đồng. Ảnh: Báo Lao Động
Ban đầu, chùa chỉ có một khoảnh đất vỏn vẹn 2m². Trải qua nhiều nỗ lực, những người thợ đã mở rộng mặt bằng lên 19m² để đặt nền móng. Địa chất tại đây là đá cứng bị phong hóa qua nhiều năm, khiến việc khoan đục trở nên vô cùng gian nan. Trong điều kiện thiếu thốn thiết bị, phần lớn công đoạn phá đá phải thực hiện bằng tay thay vì dùng máy móc.
Tất cả vật liệu xây dựng như gạch, đá, xi măng, cát,… để thi công sân hành lễ, nhà ghi công đức, am hóa sớ, móng và sân chùa đều được vận chuyển thủ công. Những người dân bản địa thông thạo địa hình gùi từng bao vật liệu từ chân núi lên tận đỉnh. Khi công trình bước vào giai đoạn cao điểm, có tới 80-90 người tham gia vận chuyển, với mức thù lao 3.000 đồng/kg.

Đứng từ dưới nhìn lên, bạn sẽ thấy chùa được mây mù bao phủ trông như chốn bồng lai tiên cảnh. Ảnh: Báo Quảng Ninh
Việc đưa chùa lên đỉnh núi là một bài toán nan giải. Nhiều phương án như cáp treo, ròng rọc hay thậm chí dùng trực thăng đã được cân nhắc. Cuối cùng, hệ thống dây cáp ròng rọc do Công ty TNHH Trường Thịnh (TP. HCM) thiết kế được lựa chọn. Công trình “Bông sen vàng trên đỉnh núi thiêng” với trọng lượng hơn 70 tấn trở thành một kỷ lục về độ phức tạp trong thi công.
Sau gần một năm xây dựng không ngừng nghỉ, chùa Đồng chính thức khánh thành vào ngày 30/1/2007 với tổng kinh phí hơn 21,2 tỷ đồng, hoàn toàn từ nguồn vốn xã hội hóa.


Quả chuông và khánh đồng nặng trên 250kg tại chùa Đồng. Ảnh: BQL Di tích và Rừng Quốc gia Yên Tử
Ngày 26/2/2007, trong lễ hội Xuân Yên Tử, hàng vạn Phật tử và du khách nô nức hành hương, chiêm bái chùa Đồng. Ngày khai hội đã thu hút con số kỷ lục 70.000 lượt khách - vượt xa những năm trước đó. Từ thời điểm ấy, lượng khách hành hương về Yên Tử ngày một đông hơn qua từng năm.