Loại gỗ đắt đỏ bậc nhất hành tinh chỉ có ở duy nhất một nơi: Bị 'lâm tặc' truy lùng đến cạn kiệt, nguy cơ tuyệt chủng cao
Loại gỗ này chỉ mọc ở lưu vực sông Amazon thuộc Brazil, hiện đang bị khai thác trái phép dẫn đến nguy cơ tuyệt chủng.
Gỗ Ipe được mệnh danh là loại gỗ đắt đỏ nhất thế giới, hiện chỉ mọc ở lưu vực sông Amazon thuộc Brazil. Với giá trị thương mại cao, loại gỗ này đang đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng do tình trạng khai thác trái phép. Theo số liệu năm 2022, giá của 1m3 gỗ Ipe lên đến 3.775 USD (tương đương hơn 90 triệu đồng Việt Nam).
Gỗ Ipe được mệnh danh là loại gỗ đắt đỏ nhất thế giới. Ảnh: Teak Wood Supply
Do 96% nguồn cung gỗ Ipe trên thế giới đến từ Brazil, các nhóm lâm tặc tại quốc gia này không ngừng săn lùng và khai thác loại gỗ quý hiếm này, đẩy tình trạng ngày càng trở nên trầm trọng hơn. Cây Ipe thường mọc xen kẽ và đơn lẻ giữa các loại cây khác, mất từ 80 đến 100 năm mới đạt đường kính hơn 1m, điều này khiến cho việc tìm kiếm và khai thác trở nên khó khăn.
Loại gỗ này nổi tiếng với khả năng chống mối mọt, nấm mốc và độ ẩm cao. Ngoài ra, gỗ Ipe còn có khả năng chịu lửa tốt, rất khó cháy, làm cho nó trở thành lựa chọn hàng đầu của các thị trường tại châu Âu, Mỹ và Canada. Gỗ Ipe thường được sử dụng để sản xuất ván sàn, ốp tường, cầu thang, nội thất cao cấp, thậm chí còn xuất hiện trên các du thuyền sang trọng và bên trong máy bay phản lực của các tỷ phú Trung Đông.
Chính vì giá trị cao như vậy, gỗ Ipe đã trở thành "mồi ngon" cho các băng nhóm lâm tặc ở Brazil. Theo báo cáo, tại Brazil có đến 7 loại cây Ipe với mức giá dao động từ 1.752 USD đến 3.775 USD/m3. Trong khoảng thời gian từ năm 2017 đến 2021, đã có hơn 525 triệu m3 gỗ Ipe được xuất khẩu ra các thị trường quốc tế.
Tuy nhiên, đến tháng 7/2022, các nhà khoa học đã lên tiếng cảnh báo về nguy cơ tuyệt chủng của loài cây này. Theo tính toán, trung bình 1 hecta rừng ở Brazil chỉ có 0,5m3 gỗ Ipe. Điều này có nghĩa là để khai thác được một cây Ipe, lâm tặc phải phá bỏ hàng hecta rừng, thậm chí có những đoạn rừng dài tới 10km chỉ để cưa hạ một cây.
Gỗ Ipe có khả năng chịu mối mọt, nấm mốc, độ ẩm cao và rất khó cháy. Ảnh: Terra Outdoor Living Blog
Ở Brazil, các nhóm lâm tặc săn lùng gỗ Ipe hoạt động dưới tên gọi "Ipe mafias". Những nhóm này được trang bị các thiết bị hiện đại như GPS, điện thoại vệ tinh và thức ăn dự trữ cho những chuyến đi dài hơn một tuần để tìm kiếm gỗ Ipe. Khi phát hiện một cây đạt chuẩn, họ sẽ đánh dấu vị trí và chỉ quay lại sau khi tìm được ít nhất 10-15 cây, đảm bảo khai thác được đủ số lượng gỗ mong muốn.
Hiện nay, tình trạng khai thác trái phép gỗ Ipe vẫn diễn ra âm thầm. Theo ước tính, diện tích rừng chứa gỗ Ipe bị chặt hạ đã lên đến 16 triệu hecta, trong khi diện tích khai thác hợp pháp chỉ là 2,5 triệu hecta.
Việc khai thác gỗ Ipe không bền vững đã làm mất khoảng 16 triệu héc ta rừng ở Brazil, vượt xa số lượng cho phép là 2,5 triệu héc ta. Ảnh: Sapele Outlet
Tại Việt Nam, cũng có một loại cây gỗ quý hiếm đến mức cần được bảo tồn và đã được liệt vào Sách đỏ. Loại cây này chỉ xuất hiện ở ba quốc gia: Trung Quốc, Lào và Việt Nam. Việc bảo tồn và quản lý khai thác gỗ quý là rất cần thiết để tránh rơi vào tình trạng tương tự như gỗ Ipe ở Brazil.