Khúc gỗ nguyên khối dài 12m khắc họa hơn 550 nhân vật, lập kỷ lục Guinness là tác phẩm điêu khắc gỗ dài nhất thế giới
(Thị trường tài chính) - Được biết, người nghệ nhân sáng tạo tác phẩm độc đáo này đã phải mất 4 năm để hoàn thiện.
Theo Daily mail, Zheng Chunhui một nghệ nhân Trung Quốc đã tạo nên kỳ tích khi ghi danh vào sách Kỷ lục Guinness nhờ tác phẩm điêu khắc gỗ dài nhất thế giới. Cụ thể, nghệ nhân này đã dành 4 năm để hoàn thiện kiệt tác dài hơn 12m trên một thân gỗ nguyên khối.
Tác phẩm này đã được ghi danh vào sách Kỷ lục Guinness (Ảnh: Internet)
Theo đó, cả tác phẩm được sáng tạo dựa trên việc mô phỏng một bức tranh nổi tiếng ở Trung Quốc mang tên “Dọc theo bờ sông trong dịp lễ Thanh Minh” được họa sĩ Trương Trạch Đoan vẽ lại vào thời nhà Tống.
Bức tranh mô tả chi tiết cuộc sống của người dân tại kinh đô Biện Kinh (Khai Phong ngày nay) với đầy đủ cảnh sinh hoạt, trang phục, ngành nghề và kiến trúc đặc trưng. Kích thước của bức tranh gốc là 24,8×528,7cm.
Mặc dù bức họa này đã từng được các nghệ nhân sao chép nhiều lần. Tuy nhiên để khắc họa nó trên một thân cây gỗ như nghệ nhân Zheng Chunhui quả là tác phẩm ấn tượng nhất từ trước tới nay.
Người nghệ nhân sáng tạo tác phẩm độc đáo này đã phải mất 4 năm để hoàn thiện (Ảnh: Internet)
Theo Daily mail, tác phẩm của Zheng Chunhui tái hiện sống động cảnh quan sông nước, bao gồm thuyền bè, cây cầu, các công trình kiến trúc và đặc biệt là 550 nhân vật được chạm khắc tinh xảo. Với chiều dài 12,3m, chiều cao 3m và bề rộng 2,4m, tác phẩm này là một biểu tượng của nghệ thuật điêu khắc Trung Quốc.
Tác phẩm tái hiện sống động cảnh quan sông nước, bao gồm thuyền bè, cây cầu, các công trình kiến trúc (Ảnh: Internet)
Đối với người dân Trung Quốc, tác phẩm có giá trị lịch sử vô cùng to lớn, bởi nó khắc họa được hết về cuộc sống hàng ngày của người dân đất nước này thời Tống dọc theo một nhánh sông đầy sinh động.
Từ cây cầu, con thuyền, những mái nhà và những người đang hoạt động đều được chạm khắc một cách tỉ mỉ (Ảnh: Internet)
Tác phẩm điêu khắc của Chunhui sau đó đã được trưng bày tại Bảo tàng Cố cung ở Bắc Kinh.