Huy động hàng vạn người góp công đào 'ngôi làng trong lòng đất' dài 250km trong 22 năm ngay tại TP.HCM, khiến cả thế giới kinh ngạc
(Thị trường tài chính) -Để có được hệ thống địa đạo như ngày nay, hàng vạn dân và quân đã kiên trì đào trong vòng 22 năm từ năm 1946 - 1968 bằng các dụng cụ thô sơ như cuốc, xẻng...
Mỗi lần nhắc đến "ngôi làng trong lòng đất" ở Việt Nam, người ta thường nghĩ ngay đến Địa đạo Củ Chi - một trong những địa chỉ đỏ, điểm du lịch nổi tiếng ở TP.HCM. Địa đạo Củ Chi là công trình quân sự thuộc ấp Phú Hiệp, xã Phú Mỹ Hưng, huyện Củ Chi, cách trung tâm TP.HCM khoảng 70km. Để đến đây, du khách có nhiều phương tiện để lựa chọn như xe máy, ô tô tự lái, taxi, xe buýt...
"Ngôi làng ngầm" được đào bằng sức người ròng rã 22 năm
Theo Báo ảnh Việt Nam (Thông tấn xã Việt Nam), ban đầu, Địa đạo Củ Chi chỉ là những đoạn hầm ngắn, cấu trúc đơn giản làm nơi ẩn nấp, cất giấu tài liệu, vũ khí, che giấu lực lượng khác chiến... Mỗi làng có một địa đạo riêng. Tuy nhiên, do nhu cầu đi lại, liên lạc giữa các xã làng, hệ thống hầm nối liền được hình thành.
Đến năm 1965, có khoảng 200km địa đạo được đào và 500km chiến hào giao thông xung quanh. Địa đạo dần được định hình một cách bài bản, có hệ thống, khoa học với 3 tầng sâu khác nhau. Tầng trên cách mặt đất khoảng 3m, tầng giữa cách mặt đất khoảng 6m, tầng dưới cùng sâu 8-12m.
Địa đạo có nhiều đường hầm lớn nhỏ cùng khu vực được phân chia theo chức năng như phòng ăn, phòng họp, phòng cứu thương, giếng nước, nhà bếp với loại bếp Hoàng Cầm, lối thoát hiểm thông ra sông Sài Gòn, hệ thống thông hơi lên mặt đất được nguy trang một cách bí mật.
Địa đạo được đào ở vùng đất sét pha đá ong nên độ bền cao, ít bị sụt lở, có thể chịu được sức công phá của các loại vũ khí hạng nặng. Đường lên xuống giữa các tầng hầm cũng được bố trí bằng các nắp hầm bí mật, ngụy trang kín đáo bằng lá cây, cỏ tự nhiên. Lối đi trong địa đạo có nhiều kích thước nhưng thường chỉ đủ chiều cao cho từng người đi khom lưng.
Để có được hệ thống Địa đạo Củ Chi như ngày nay, hàng vạn dân và quân huyện Củ Chi, TP.HCM đã kiên trì đào trong vòng 22 năm từ năm 1946 - 1968 bằng các dụng cụ thô sơ như cuốc, xẻng... Địa đạo đã góp công lớn trong cuộc kháng chiến, nhiều trận đánh lớn như Chiến dịch Tết Mậu Thân 1968, đại thắng mùa Xuân 1975…
Đưa "làng ngầm" trở thành Di sản thế giới
Sau năm 1975, Địa đạo Củ Chi đã được bảo tồn trở thành một di tích lịch sử cách mạng. Mỗi năm, nơi đây thu hút khoảng 1,5 triệu lượt khách trong và ngoài nước đến tham quan.
Đặc biệt, không ít du khách quốc tế phải trầm trồ, kinh ngạc trước kiến trúc của Địa đạo Củ Chi. Không chỉ là một hệ thống đường hầm khoa học, bài bản chứng tỏ sự thông minh, kiên trì của quân và dân ta, nơi đây còn thể hiện quá trình chiến đấu gian khổ cũng như đời sống của quân dân trong những năm tháng chiến tranh ác liệt.
Khi đến đây, ngoài khám phá hầm địa đạo, du khách còn có cơ hội tham quan khu vực tái hiện Vùng giải phóng Củ Chi giai đoạn từ 1960-1975. Nơi đây như một bức trang làng quê miền Nam thu nhỏ với rừng tre xanh mát. Bên cạnh đó còn có các địa điểm tham quan khác như Đền tưởng niệm liệt sĩ Bến Dược, Khu trưng bày vũ khí chiến tranh, rừng gỗ quý ba miền, mô hình mô phỏng chùa Một Cột (Hà Nội), Ngọ Môn (Huế) và Bến Nhà Rồng (TP.HCM)...
Du khách còn được trải nghiệm các hoạt động cấy lúa, bắt cá, tham gia các trò chơi thể thao như bắn súng sơn, bắn súng đạn thật, đi xe đạp, thưởng thức nhiều món ăn đặc sản miền đất Củ Chi...
Với giá trị lịch sử to lớn, năm 2015, Địa đạo Củ Chi được xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt. Địa đạo Củ Chi cũng đang được Sở Văn hóa và Thể thao tham mưu hồ sơ trình UNESCO công nhận là Di sản thế giới.
Tháng 7/2023, CNN cũng xếp địa đạo Củ Chi vào danh sách những đường hầm kỳ thú nhất thế giới.
* Tổng hợp