Hoàng thành Thăng Long tiếp nhận thêm 13.800m2 đất từ Bộ Quốc phòng, sẽ mở cửa đón khách ngay mùng 1/1/2025
(Thị trường tài chính) -Trong danh mục tài sản bàn giao, tiếp nhận có cơ sở nhà đất, đất tại số 28A Điện Biên Phủ (đất có diện tích 13.800m2, cột cờ kỳ đài, các khu nhà, hệ thống cây xanh…).
Ngày 25/12, tại Hà Nội, Hội nghị bàn giao đất quốc phòng và tài sản gắn liền trên đất giữa Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam và Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội đã diễn ra. Sự kiện đánh dấu một bước tiến quan trọng trong việc hoàn thiện công tác quản lý, bảo tồn di sản lịch sử và văn hóa tại khu vực 28A Điện Biên Phủ, phường Điện Biên, quận Ba Đình.
Công tác bàn giao ngoài thực địa tại Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam. Ảnh: Lại Tấn/Báo Kinh tế và Đô thị
Theo Quyết định số 5162/QĐ-UBND ngày 5/10/2009 của UBND thành phố Hà Nội, khu đất quốc phòng với diện tích 89.357m2 được giao cho Trung tâm Bảo tồn Di sản Cổ Loa - Thành cổ Hà Nội (nay là Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội) quản lý. Trong đó, khu đất của Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam tại 28A Điện Biên Phủ cũng nằm trong diện thu hồi.
Tuy nhiên, tại thời điểm đó, Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam chưa có trụ sở mới để chuyển đổi. Đến nay, nhờ sự đầu tư từ Bộ Quốc phòng, giai đoạn 1 của trụ sở mới đã được hoàn thành, cho phép Bảo tàng di dời và vận hành tại địa điểm mới. Điều này tạo điều kiện thuận lợi để thực hiện việc bàn giao khu đất tại 28A Điện Biên Phủ.
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Tổng Cục Chính trị, ngày 25/12, Văn phòng Tổng Cục Chính trị chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tiến hành công tác bàn giao. Công tác bàn giao được hiện dưới sự chứng kiến của các sở, ban, ngành thành phố, cơ quan đơn vị trong quân đội, 2 đơn vị. Hai đơn vị đã tiến hành bàn giao ranh giới, diện tích đất quốc phòng và tài sản gắn liền trên đất.
Cụ thể, trong danh mục tài sản bàn giao, tiếp nhận có cơ sở nhà đất, đất tại số 28A Điện Biên Phủ (đất có diện tích 13.800m2, cột cờ kỳ đài, các khu nhà, hệ thống cây xanh…).
Cột cờ Hà Nội nằm trong Khu di sản Hoàng thành Thăng Long. Ảnh: Tạp chí Người Hà Nội
Theo Biên bản bàn giao, Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam chịu trách nhiệm giải quyết những vấn đề liên quan đến việc quản lý, sử dụng nhà, đất trong thời gian đơn vị quản lý từ ngày bàn giao về trước và hỗ trợ bên nhận bàn giao thủ tục liên quan.
Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội tiếp nhận và quản lý sử dụng (diện tích, nhà, đất) do Bảo tàng Lịch sử Quân sử Việt Nam/Tổng cục Chính trị (Bộ Quốc phòng) bàn giao theo quy định của Nhà nước; hoàn chỉnh các thủ tục pháp lý về quản lý đất theo quy định của Nhà nước và các thủ tục khác từ ngày 1/1/2025.
Theo Báo Kinh tế và Đô thị, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội Nguyễn Thanh Quang cho biết, Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội nhận lại phần diện tích còn lại cuối cùng của khu di sản thế giới Hoàng thành Thăng Long từ Bộ Quốc phòng. Việc này sẽ giúp Trung tâm thực hiện tốt hơn cam kết với Ủy ban Di sản thế giới UNESCO khi Hoàng thành Thăng Long được ghi danh vào danh mục là Di sản Văn hóa thế giới năm 2010.
“Sau khi nhận bàn giao, Trung tâm sẽ nhanh chóng mở cửa đón khách tham quan vào 1/1/2025, trong đó có khu vực Cột cờ Hà Nội. Về lâu dài, chúng tôi có cơ hội để thực hiện tour tham quan theo đúng diện tích của Hoàng thành Thăng Long từ Cột cờ Hà Nội đến Đoan Môn, khu vực thềm rồng Điện Kính Thiên và các công trình kiến trúc, giá trị lịch sử của Hoàng thành Thăng Long”, ông Nguyễn Thanh Quang nhấn mạnh.
Việc bàn giao sẽ giúp thực hiện tốt hơn cam kết với Ủy ban Di sản thế giới UNESCO khi Hoàng thành Thăng Long được ghi danh vào danh mục là Di sản Văn hóa thế giới năm 2010. Ảnh: 63stravel
Theo Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), Khu di tích Trung tâm Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội có diện tích 20ha, bao gồm khu khảo cổ học 18 Hoàng Diệu và các di tích còn sót lại trong khu di tích thành cổ Hà Nội như Bắc Môn, Đoan Môn, Hậu Lâu, rồng đá điện Kính Thiên, nhà con rồng, nhà D67 và cột cờ Hà Nội.
Cụm di tích này được bao bọc bởi 4 con đường: phía Bắc là đường Phan Đình Phùng, phía Nam là đường Điện Biên Phủ, phía Đông là đường Nguyễn Tri Phương và phía Tây là đường Hoàng Diệu. Khu di tích Hoàng thành Thăng Long được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa thế giới năm 2010, với những giá trị di sản, kiến trúc, văn hóa được kết tinh qua hàng nghìn năm lịch sử.