Giáo sư người Việt Nam đầu tiên đỗ Đại học Harvard với học bổng toàn phần, trở thành Tiến sĩ, cống hiến hàng trăm công trình nghiên cứu suốt nửa thế kỷ
(Thị trường tài chính) - Khi đặt chân đến Mỹ, ngoài việc học, ông còn tham gia tích cực vào các phong trào và hoạt động chống chiến tranh.
Giáo sư Ngô Vĩnh Long sinh ngày 10/4/1944 tại tỉnh Vĩnh Long. Cha ông người Bắc Ninh, mẹ ông người Huế. Gia đình ông chuyển vào Nam sinh sống từ sớm, 4 anh em ông lớn lên trong xóm nghèo Bàn Cờ, sống trong ngôi nhà tranh vách đất. Tuy hoàn cảnh khó khăn, cả gia đình đều rất chú trọng việc học.
Theo một cuộc phỏng vấn với Báo Lao Động vào năm 2022, giáo sư Ngô Vĩnh Long chia sẻ rằng từ nhỏ ông đã có khả năng đặc biệt về tiếng Anh. Trong những năm 1959 - 1963, ông từng làm công việc phụ giúp người Mỹ vẽ bản đồ cho khu vực miền Nam Việt Nam, cùng một phần của Campuchia và Lào.
Giáo sư Ngô Vĩnh Long. Ảnh: Facebook Ngô Vĩnh Long
Sau khi đỗ tú tài xuất sắc, năm 1964, ông nhận được học bổng toàn phần từ Trường Harvard College (thuộc Đại học Harvard). Khi đó, chưa có người Việt Nam nào học ở Harvard. Khi đặt chân đến Mỹ, ngoài việc học, ông còn tham gia tích cực vào các phong trào và hoạt động chống chiến tranh.
Ảnh từ sách Sài Gòn không phải ngày hôm qua của tác giả Phúc Tiến
Năm 1978, Giáo sư Ngô Vĩnh Long hoàn thành luận án Tiến sĩ chuyên ngành Lịch sử Đông Á và các ngôn ngữ vùng Viễn Đông, nhận học vị Tiến sĩ từ Đại học Harvard. Sau khi hoàn thành học vị, ông tiếp tục nghiên cứu và giảng dạy về Đông Á và Việt Nam, trở thành một chuyên gia uy tín trên nhiều giảng đường và diễn đàn khoa học quốc tế.
Khi đất nước hòa bình, Giáo sư Ngô Vĩnh Long đã về Việt Nam nhiều lần, thực hiện các chuyến điền dã và đóng góp nhiều ý kiến quý báu cho đất nước. Ông cũng tham gia giảng dạy tại Đại học Quốc gia Hà Nội và Đại học Kinh tế Quốc dân.
Giáo sư Ngô Vĩnh Long hoàn thành luận án Tiến sĩ chuyên ngành Lịch sử Đông Á và các ngôn ngữ vùng Viễn Đông, nhận học vị Tiến sĩ từ Đại học Harvard. Ảnh: Nghiencuuquocte
Từ năm 1985, ông trở thành Giáo sư tại Khoa Lịch sử, Trường Đại học Maine (tiểu bang Maine, Mỹ). Trong suốt gần nửa thế kỷ, Giáo sư Ngô Vĩnh Long đã có hàng trăm công trình nghiên cứu có giá trị.
Năm 1973, Học viện Công nghệ Massachusetts (MIT) đã xuất bản cuốn sách của Giáo sư Ngô Vĩnh Long mang tên Before the Revolution: The Vietnamese Peasants under the French (Trước Cách mạng: Nông dân Việt Nam dưới thời thuộc Pháp). Cuốn sách nhanh chóng thu hút sự chú ý lớn từ giới nghiên cứu sử học quốc tế nhờ những thông tin quý giá về đời sống của người nông dân Việt Nam dưới ách cai trị của thực dân Pháp. Năm 1991, cuốn sách này được Đại học Columbia (Mỹ) tái bản.
GS Ngô Vĩnh Long (thứ ba từ trái sang) tại Hội thảo về biển Đông ở Đại học Yale, tháng 5/2016. Ảnh: P.T
Giáo sư Ngô Vĩnh Long cũng có những đóng góp lớn đối với cộng đồng nghiên cứu sử học Việt Nam. Ông viết lời giới thiệu cho cuốn sách 5 đường mòn Hồ Chí Minh (Nhà xuất bản Tri Thức, 2008) của nhà nghiên cứu Đặng Phong. Cuốn sách cung cấp những thông tin quan trọng về quá trình chi viện cho miền Nam trong suốt những năm chiến tranh chống Mỹ.
Ngoài ra, tại nhiều hội thảo quốc tế, Giáo sư Ngô Vĩnh Long đã liên tục trình bày các tham luận khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Giáo sư Ngô Vĩnh Long (hàng ngồi, thứ ba từ trái sang) chụp hình kỷ niệm với một số đại biểu tại Hội thảo về biển Đông, tháng 5/2016. Ảnh: Phúc Tiến
Ngày 12/10/2022, Giáo sư Ngô Vĩnh Long qua đời tại Mỹ sau thời gian mắc bệnh, hưởng thọ 78 tuổi. Sự ra đi của Giáo sư Ngô Vĩnh Long để lại niềm thương tiếc vô hạn. Không chỉ là một tấm gương tận tụy trong công việc giảng dạy và nghiên cứu sử học, ông còn là một trí thức dấn thân vì quê hương, từ những ngày còn là sinh viên cho đến khi đạt được những thành công lớn trong sự nghiệp.