Dự kiến đại học không được tăng chỉ tiêu tuyển sinh nếu tỷ lệ sinh viên có việc làm thấp hơn 70%
(Thị trường tài chính) - Đây là nội dung mới được nêu trong dự thảo thông tư về xác định chỉ tiêu tuyển sinh giáo dục đại học.
Theo dự thảo Thông tư về xác định chỉ tiêu tuyển sinh giáo dục đại học được công bố ngày 27/10, Bộ Giáo dục và Đào tạo dự kiến sẽ đưa ta thêm quy định về tuyển sinh đại học.
Cụ thể, các trường đại học sẽ không được phép tăng chỉ tiêu tuyển sinh trong trường hợp có tỷ lệ sinh viên thôi học năm đầu vượt quá 15% và tỷ lệ sinh viên có việc làm sau khi tốt nghiệp thấp hơn 70%. Quy định này nhằm đảm bảo chất lượng đào tạo và nâng cao tỷ lệ sinh viên có việc làm sau khi ra trường.
Theo quy định mới, tỷ lệ sinh viên bỏ học năm đầu, bao gồm cả trường hợp tự ý bỏ học và bị nhà trường buộc thôi học sẽ được tính để đánh giá chất lượng đào tạo của các trường đại học. Bên cạnh đó, tỷ lệ sinh viên có việc làm phù hợp với chuyên môn trong vòng 12 tháng sau tốt nghiệp cũng là một tiêu chí quan trọng. Hiện nay, các trường tự báo cáo tỷ lệ sinh viên ra trường có việc làm và thường đạt mức rất cao (90-100%).
Bộ Giáo dục và Đào tạo đã xây dựng hệ thống HEMIS để kiểm soát chặt chẽ hơn, giúp xác định chính xác công việc thực tế của sinh viên sau khi ra trường thông qua việc kết nối với dữ liệu bảo hiểm xã hội.
Ngoài tiêu chí trên, dự thảo của Bộ Giáo dục và Đào tạo còn đưa ra một số tiêu chí khác để xác định chỉ tiêu tuyển sinh của trường đại học. Cụ thể, các trường phải đảm bảo tỷ lệ diện tích sàn xây dựng trên tổng số người học tối thiểu 2,8m2/người và tỷ lệ người học trên giảng viên không vượt quá 40. Bên cạnh đó, các trường không được tuyển sinh vượt quá 20% so với chỉ tiêu đã công bố.
Riêng đối với các ngành đào tạo giáo viên, chỉ tiêu tuyển sinh sẽ được quyết định dựa trên các yếu tố như đề xuất của các trường, định hướng phát triển của các trường sư phạm, số lượng giáo viên được địa phương đặt hàng và khả năng chi trả kinh phí hỗ trợ sinh viên...