HAPPYFOOD - Bữa ăn ngon cho gia đình hạnh phúc - Make Family Happy!

Đề xuất đô thị đặc biệt của Việt Nam thành lập thêm ‘thành phố trong thành phố’

Quang Hồng

(Thị trường tài chính) - Theo TS Trần Du Lịch, thành phố nên định hướng tổ chức các huyện đủ điều kiện thành các thành phố trực thuộc thay vì chuyển đổi các huyện thành quận.

Theo báo Lao Động, vào ngày 23/12, tại hội thảo khoa học "Kỷ nguyên mới, Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam - Vấn đề đặt ra cho TP. HCM và Đông Nam Bộ", TS Trần Du Lịch - Chủ tịch Hội đồng Tư vấn triển khai thực hiện Nghị quyết số 98 đề xuất rằng từ nay đến năm 2030, thành phố cần thành lập 1 - 2 thành phố mới. Trong khi đó, sau năm 2030, nâng cấp hai huyện Củ Chi và Cần Giờ thành thành phố trực thuộc.

Đề xuất đô thị đặc biệt của Việt Nam thành lập thêm ‘thành phố trong thành phố’ - ảnh 1
TS Trần Du Lịch, Chủ tịch Hội đồng tư vấn triển khai thực hiện Nghị quyết 98. Ảnh: Hà Thư
 

TS Trần Du Lịch cho biết rằng thành phố nên định hướng tổ chức các huyện đủ điều kiện thành các thành phố trực thuộc thay vì chuyển đổi các huyện thành quận. Cụ thể, thành phố cần nghiên cứu tổ chức thêm 1 đến 2 thành phố mới trong giai đoạn từ nay đến đầu năm 2030. Sau năm 2030, hai huyện Củ Chi và Cần Giờ có thể nâng cấp lên thành phố trực thuộc. Như vậy, toàn TP. HCM sẽ có một đô thị trung tâm và 5 thành phố vệ tinh.

TS. Trần Du Lịch cũng đặc biệt nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đẩy mạnh các dự án giao thông chiến lược. TP. HCM cần hoàn thiện các tuyến đường Vành đai 2, 3 và 4, đồng thời triển khai xây dựng trục giao thông Bắc - Nam và tuyến đường ven sông Sài Gòn.

Trong giai đoạn 2025 - 2026, TP. HCM cần tập trung ưu tiên giải quyết các điểm nghẽn tại các cửa ngõ quan trọng như Quốc lộ 13, Quốc lộ 22, Quốc lộ 1 và Quốc lộ 50. TS. Trần Du Lịch khẳng định, việc hoàn thiện hệ thống giao thông đường bộ trước năm 2030 sẽ góp phần tạo động lực để thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội một cách bền vững và toàn diện.

Đề xuất đô thị đặc biệt của Việt Nam thành lập thêm ‘thành phố trong thành phố’ - ảnh 2

TS Trần Du Lịch đề xuất TP. HCM thành lập thêm 4 thành phố mới. Ảnh: Internet

Trong lĩnh vực giao thông đường sắt, TP. HCM cần đảm bảo tiến độ xây dựng hệ thống đường sắt đô thị, đặt mục tiêu hoàn thiện khoảng 355km vào năm 2035. Đồng thời, thành phố cần triển khai dự án đường sắt tốc độ cao TP. HCM - Cần Thơ và nghiên cứu phương án kết nối Cần Giờ với tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

Bên cạnh đó, việc kết nối tuyến đường sắt đô thị từ ga Thủ Thiêm đến Cảng hàng không quốc tế Long Thành (tỉnh Đồng Nai) cũng cần được chú trọng nhằm tăng cường liên kết vùng và thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững.

Sau khi đưa tuyến Metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) vào khai thác thương mại, thành phố đang hướng tới hoàn thiện thêm 7 tuyến metro khác, mở rộng mạng lưới giao thông hiện đại. Bên cạnh hạ tầng giao thông, TP. HCM cũng quyết tâm giải quyết vấn đề xóa nhà ven kênh rạch, đẩy mạnh quá trình chuyển đổi số và thiết lập kết nối với các viện, trường đại học hàng đầu thế giới để huy động nguồn lực nhân tài chất lượng cao, góp phần nâng tầm vị thế thành phố.

Theo Nghị quyết số 1210/2016, đô thị đặc biệt được xác định có vị trí, chức năng và vai trò quan trọng, bao gồm Thủ đô hoặc trung tâm tổng hợp cấp quốc gia, quốc tế về các lĩnh vực như kinh tế, tài chính, văn hóa, giáo dục, đào tạo, du lịch, y tế, khoa học và công nghệ.

Ngoài ra, đô thị đặc biệt còn là đầu mối giao thông và giao lưu quốc tế, có vai trò thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của cả nước. Theo quy định, một đô thị đặc biệt phải có quy mô dân số từ 5 triệu người trở lên, trong đó khu vực nội thành phải đạt từ 3 triệu người trở lên.

Hiện tại, Hà Nội và TP. HCM là hai thành phố được xếp loại đô thị đặc biệt. Thủ đô Hà Nội có diện tích hơn 3.358km2 với dân số hơn 8,2 triệu người, trong khi TP. HCM rộng 2.095km2 với dân số gần 10 triệu người.