HAPPYFOOD - Bữa ăn ngon cho gia đình hạnh phúc - Make Family Happy!

Dấu hiệu cảnh báo sớm căn bệnh ung thư hay gặp ở nam giới, thường bị nhầm tưởng với bệnh lý thông thường

Hải Châu

(Thị trường tài chính) - Theo số liệu thống kê từ Bệnh viện K, căn bệnh ung thư này hiện đứng thứ hai trong số các loại ung thư phổ biến ở nam giới và thứ ba ở nữ giới về số ca mắc.

Theo website Bệnh viện K, PGS.TS Phạm Văn Bình, Phó Giám đốc chuyên môn Bệnh viện K từng cho biết, ung thư phổi hiện đang đứng thứ hai trong số các loại ung thư phổ biến ở nam giới và thứ ba ở nữ giới. Mỗi năm, bệnh viện tiếp nhận hàng nghìn ca mắc mới, tuy nhiên, hơn 70% trong số đó được chẩn đoán khi bệnh đã ở giai đoạn tiến triển hoặc đã di căn xa, khiến việc điều trị triệt để trở nên khó khăn.

Dấu hiệu cảnh báo sớm căn bệnh ung thư hay gặp ở nam giới, thường bị nhầm tưởng với bệnh lý thông thường - ảnh 1

Ung thư phổi hiện đang đứng thứ hai trong số các loại ung thư phổ biến ở nam giới và thứ ba ở nữ giới. Ảnh minh họa

Thống kê cho thấy, số ca mắc ung thư phổi tại Việt Nam đang gia tăng nhanh chóng, từ hơn 23.000 ca mới trong năm 2018 lên hơn 26.000 ca vào năm 2020 và dự báo sẽ tiếp tục tăng trong những năm tới. Căn bệnh này đang ngày càng trở thành một mối lo ngại lớn, đặc biệt đối với những nhóm có nguy cơ cao.

Ung thư phổi được chia thành hai loại chính: ung thư phổi tế bào nhỏ và ung thư phổi không tế bào nhỏ.

Nguyên nhân gây ung thư phổi

Khói thuốc lá là nguyên nhân hàng đầu gây ung thư phổi, chiếm tới 80% các ca mắc trên toàn cầu. Các chất độc hại trong khói thuốc có khả năng tồn tại lâu dài trong phổi, dần dần gây biến đổi tế bào và kích thích sự phát triển của khối u ung thư. Đặc biệt, không chỉ những người trực tiếp hút thuốc mà ngay cả những người hít phải khói thuốc lá thụ động cũng có nguy cơ mắc bệnh, thậm chí nguy cơ còn cao hơn cả những người hút thuốc trực tiếp.

Dấu hiệu cảnh báo sớm căn bệnh ung thư hay gặp ở nam giới, thường bị nhầm tưởng với bệnh lý thông thường - ảnh 2

Khói thuốc lá là nguyên nhân hàng đầu gây ung thư phổi, chiếm tới 80% các ca mắc trên toàn cầu. Ảnh: Internet

Bên cạnh khói thuốc lá, một số yếu tố khác cũng góp phần làm tăng nguy cơ ung thư phổi, bao gồm:

Phơi nhiễm phóng xạ: Radon, amiăng, thạch tín, niken, crom,… có thể gây tổn thương cho phổi;

Ô nhiễm không khí: Khói bụi và các chất độc hại từ môi trường cũng là yếu tố quan trọng trong việc gây ung thư phổi;

Yếu tố di truyền: Những người có gia đình từng mắc ung thư, đặc biệt là ung thư phổi hoặc các loại ung thư khác khởi phát trước tuổi 60, có nguy cơ cao bị mắc bệnh.

Ngoài ra, những người đã từng mắc ung thư phổi và được điều trị thành công vẫn có nguy cơ tái phát nếu không duy trì một chế độ sinh hoạt hợp lý.

Một số đối tượng có nguy cơ cao cần chú ý và thực hiện tầm soát định kỳ, bao gồm:

Người từ 50 đến 80 tuổi;

Người đã từng mắc ung thư phổi và đã điều trị trên 5 năm;

Những người có gia đình có tiền sử mắc ung thư, đặc biệt là khi bệnh khởi phát ở độ tuổi trẻ.

Dấu hiệu nhận biết căn bệnh ung thư phổi

Việc phát hiện sớm ung thư phổi là yếu tố quan trọng quyết định hiệu quả điều trị. Tuy nhiên, ung thư phổi ở giai đoạn đầu thường không có triệu chứng rõ ràng hoặc dễ bị nhầm lẫn với các bệnh lý hô hấp thông thường. Do đó, nhiều bệnh nhân chỉ được chẩn đoán khi bệnh đã tiến triển đến giai đoạn cuối.

Theo các bác sĩ chuyên khoa tại Bệnh viện K, ung thư phổi thường được phát hiện muộn do hai nguyên nhân chính. Thứ nhất, thói quen kiểm tra sức khỏe định kỳ của nhiều người còn thấp. Hầu hết chỉ đến bệnh viện khi các triệu chứng trở nên nghiêm trọng và không thể tự điều trị tại nhà. Thứ hai, các triệu chứng ban đầu của ung thư phổi thường mơ hồ và dễ nhầm lẫn với các bệnh lý thông thường, khiến nhiều người chủ quan và bỏ qua các dấu hiệu cảnh báo.

Dấu hiệu cảnh báo sớm căn bệnh ung thư hay gặp ở nam giới, thường bị nhầm tưởng với bệnh lý thông thường - ảnh 3

Ung thư phổi ở giai đoạn đầu thường không có triệu chứng rõ ràng hoặc dễ bị nhầm lẫn với các bệnh lý hô hấp thông thường. Ảnh: Internet

Dưới đây là một số triệu chứng cần đặc biệt chú ý:

Ho kéo dài không khỏi và ngày càng trở nên trầm trọng;

Đau ngực thường xuyên mà không rõ nguyên nhân;

Ho ra máu, dù chỉ là một lượng nhỏ;

Khó thở, khàn giọng, hoặc cảm giác ngạt mũi;

Viêm phổi, viêm phế quản tái phát nhiều lần;

Phù nề vùng mặt và cổ, đặc biệt khi không có các bệnh lý khác kèm theo;

Chán ăn hoặc sụt cân bất thường;

Cơ thể mệt mỏi, suy nhược không rõ nguyên nhân.

Khi nào cần đi kiểm tra vấn đề của phổi?

Hầu hết các trường hợp mắc ung thư phổi chỉ được chẩn đoán khi bệnh đã tiến triển, khiến việc điều trị trở nên khó khăn. Phát hiện sớm là yếu tố then chốt giúp tăng cơ hội điều trị thành công và nâng cao chất lượng sống cho người bệnh.

Nếu bạn nhận thấy các triệu chứng nghi ngờ ung thư phổi như ho kéo dài, ho ra máu, khó thở, đau tức ngực không rõ nguyên nhân, cảm giác mệt mỏi, chán ăn, sụt cân bất thường,... hãy nhanh chóng đến các bệnh viện chuyên khoa lớn để được kiểm tra và xét nghiệm.

Ở giai đoạn đầu, ung thư phổi thường không có triệu chứng điển hình, dễ bị nhầm lẫn với các bệnh lý hô hấp thông thường như viêm phổi hay viêm phế quản. Chính vì vậy, nhiều trường hợp bị bỏ sót hoặc điều trị sai phương pháp. Khi bệnh nhân xuất hiện các triệu chứng rõ rệt như ho dai dẳng, ho ra máu, đau tức ngực, thì bệnh đã chuyển sang giai đoạn muộn, khiến việc điều trị trở nên khó khăn hơn. Phát hiện sớm ung thư phổi sẽ giúp xác định bệnh ở giai đoạn đầu, khi ung thư chưa lan rộng, từ đó tăng cơ hội điều trị triệt để và nâng cao tỷ lệ sống sót cho người bệnh.

Dấu hiệu cảnh báo sớm căn bệnh ung thư hay gặp ở nam giới, thường bị nhầm tưởng với bệnh lý thông thường - ảnh 4
Phát hiện sớm là yếu tố then chốt giúp tăng cơ hội điều trị thành công và nâng cao chất lượng sống cho người bệnh. Ảnh: Internet

Sàng lọc ung thư phổi là một bước quan trọng giúp phát hiện bệnh trước khi các triệu chứng xuất hiện. Quy trình sàng lọc bao gồm khám lâm sàng để kiểm tra các dấu hiệu bất thường, chụp CT liều thấp để phát hiện tổn thương nhỏ nhất trong phổi và các xét nghiệm khác như xét nghiệm máu hoặc phân tích mô nếu cần thiết. Việc sàng lọc giúp phát hiện ung thư phổi ở giai đoạn sớm, khi việc điều trị mang lại hiệu quả cao hơn.

Các bác sĩ khuyến cáo những người từ 50 đến 80 tuổi, người có tiền sử hút thuốc lá lâu năm (dù đã bỏ hút), hoặc gia đình có người mắc ung thư phổi hoặc ung thư khác khởi phát trước 60 tuổi nên thực hiện sàng lọc ung thư phổi định kỳ. Các bác sĩ cũng khuyên nên thực hiện sàng lọc ít nhất một lần mỗi năm.

Tuy nhiên, việc sàng lọc có thể ngừng nếu người sàng lọc đã trên 80 tuổi, đã ngừng hút thuốc trên 15 năm và không phát hiện ung thư qua nhiều lần sàng lọc, hoặc sức khỏe không đủ để thực hiện các can thiệp y tế như phẫu thuật.